Xử lý trách nhiệm hình sự Người tham gia giao thông làm chết người rồi rời khỏi hiện trường

Thứ tư - 03/04/2019 05:54

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, phản ánh nhiều vụ tai nạn giao thông đường bộ gây hậu quả rất nghiêm trọng về người và tài sản, có vụ người lái xe ô tô bỏ đi khỏi hiện trường gây khó khăn cho việc giải quyết của cơ quan pháp luật; trong phạm vi bài viết, tác giả bàn về nội dung xử lý trách nhiệm hình sự đối với người Lái xe ô tô gây tai nạn giao thông làm chết người rồi rời khỏi hiện trường

Theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (BLHS 2015), thì Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì xem xét xử lý trách nhiệm hình sự: (1) Làm chết người;(2) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; (3) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; (3) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong (4) trường hợp trên rồi Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn là tình tiết định khung tại điểm c khoản 2 Điều 260, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm tù;

Thế nào là Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm; thế nào là cố ý không cứu giúp người bị nạn. Trường hợp sau khi xảy ra tai nạn giao thông nếu người gây tai nạn giao thông rời khỏi hiện trường và nguyên nhân chết của nạn nhân là do không cấp cứu kịp thời thì người gây tai nạn giao thông bị khởi tố, truy tố, xét xử theo tình tiết nào?

Khoản 1 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây: Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.      

Theo điểm b, Khoản 7, Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm, là người điều khiển xe ô tô gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, cấp cứu người bị nạn;  

Từ quy định này, thấy rằng: Nếu gây tai nạn giao thông mà người lái xe ô tô có hành vi sau: không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không cấp cứu người bị nạn, không đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất mà không thuộc trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng; thì phải xác định đây là việc Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm. Những hành vi này liên quan chặt chẽ với nhau, trong đó không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không cấp cứu người bị nạn là yếu tố cần, việc không đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất không phải lúc nào bắt buộc cũng phải có.

Ví dụ: 02h trên đường tỉnh HD, lái xe A điều khiển xe ô tô va vào xe mô tô do Ông B điều khiển; thấy ông B nằm trên đường vắng, không có người tham gia giao thông, lái xe B liền dùng ngay xe ô tô của mình chở ông B đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu và ở lại Bệnh viện chăm sóc ông B; sáng hôm sau, qua xem xét Camera giao thông Cơ quan Công an phát hiện được vụ tai nạn giao thông và làm việc với A. Trường hợp này, theo chúng tôi A chưa kịp đến ngay Cơ quan Công an gần nhất trình báo, không coi là bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm, mặc dù A đã lái xe rời khỏi hiện trường.

 Cố ý không cứu giúp người bị nạn là việc Người lái xe ô tô gây tai nạn giao thông, có đủ điều kiện nhưng bỏ mặc không cấp cứu nạn nhân dẫn đến người đó chết. Người lái xe giữ nguyên hiện trường, không bị đe dọa đến tính mạng, nhưng không ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến mà bỏ đi nơi khác. Thực tiễn để xác định, người lái xe có đủ điều kiện để cứu giúp nạn nhân, không phải đơn giản, nhất là trường hợp, nơi xảy ra tai nạn giao thông vắng người, đêm tối, khi mà người lái xe thường rất sợ hãi, nhiều người rơi vào trạng thái hoảng loạn tạm thời.  Trường hợp cụ thể khi xảy ra, cần có sự điều tra xác minh kịp thời, đầy đủ, khách quan, toàn diện để kết luận chính xác từ cơ quan chức năng.

Cố ý không cứu giúp người bị nạn quy định tại khoản 2 điểm b Điều 260 khác với hành vi Cố ý không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, mà dẫn đến hậu quả người đó chết quy định tại Điều 132 BLHS; sự khác nhau đến từ yếu tố chủ thể, theo Điều 132 BLHS, bất kỳ ai tuy có điều kiện thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, mà không cứu giúp, còn chủ thể của Điều 260 khoản 2 điểm b là người lái xe ô tô (phạm vi bài viết); phân biệt này giúp chúng ta xác định trách nhiệm cụ thể, người lái xe chỉ bị xem xét trách nhiệm về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; người tham gia giao thông khác có mặt tại hiện trường, có điều kiện mà không cứu giúp nạn nhân, dẫn đến nạn nhân chết có thể bị xem xét trách nhiệm về tội Cố ý không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Như vậy để xử lý chính xác trách nhiệm của người điều khiển xe ô tô gây ra tai nạn giao thông mà người đó rời khỏi hiện trường và nguyên nhân chết của nạn nhân là do không cấp cứu kịp thời; đòi hỏi phải điều tra, xác minh toàn diện theo đúng quy định của pháp luật hình sự; qua đó không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm và vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ./.

                                                                                                       Nguyễn Quang Trung
P7. VKSND tỉnh Hải Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây