- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Ngày 13/7/2020, Viện KSND thành phố Hải Dương đã phối hợp với Tòa án nhân dân TP. Hải Dương tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” nhằm nâng cao kỹ năng thẩm vấn, tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa.
Căn cứ nội dung cáo trạng và kết quả thẩm vấn tại phiên tòa xác định: Trong khoảng thời gian từ tháng 5/2018 đến 27/5/2019, tại quán cầm đồ Phạm Văn Động ở Lô L16, Khu 2 phường Thạch Khôi, TP. Hải Dương, Phạm Văn Đức đã cho 19 người vay tiền (36 lượt vay) lãi nặng với mức lãi suất từ 109,5%/năm đến 219,0%/năm (gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự). Tổng số tiền cho vay là hơn 351 triệu đồng. Tổng số tiền lãi đã thu là hơn 199 triệu đồng, trong đó mức lãi suất 20%/ năm là hơn 25.3 triệu đồng, mức lãi suất 100%/năm là hơn 126 triệu đồng, mức lãi suất trên 100%/năm là hơn 72 triệu đồng. Như vậy, số tiền Đức đã thu lời bất chính là 173,7 triệu đồng.
Quang cảnh tại phiên tòa |
Tại phiên tòa, sau khi công bố bản Cáo trạng, HĐXX và Kiểm sát viên đã tích cực tham gia xét hỏi đối với bị cáo để làm rõ tính chất, mức độ nguy hiểm, nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo. Căn cứ vào kết quả xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở đề nghị của Kiểm sát viên và các quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Đức 09 tháng tù giam về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định tại khoản 2 Điều 201 Bộ luật Hình sự, phạt bổ sung là 35 triệu đồng, tịch thu hơn 350 triệu đồng số tiền Đức dùng để cho vay.
Sau khi kết thúc phiên tòa, Lãnh đạo Viện kiểm sát đã tiến hành họp, nhận xét, đánh giá rút kinh nghiệm chung với sự tham gia của các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và chuyên viên nghiệp vụ trong đơn vị. Trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng, các đồng chí tham dự phiên tòa đã phát biểu về các tiêu chí của phiên tòa rút kinh nghiệm, công tác chuẩn bị của các Kiểm sát viên, quan hệ phối hợp với Tòa án, đặc biệt về ưu điểm và tồn tại của Kiểm sát viên tham gia xét xử như trang phục, tác phong của Kiểm sát viên; việc đặt câu hỏi, cách hỏi, cách lập luận; cách xử lý tình huống và đặt vấn đề xử lý của Kiểm sát viên tại phiên tòa…Các ý kiến đều nhất trí Kiểm sát viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.
Đồng chí Bùi Văn Nghinh- Phó Viện trưởng chủ trì họp rút kinh nghiệm |
Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm có ý nghĩa thiết thực không những giúp Kiểm sát viên trực tiếp tham gia phiên tòa mà còn giúp tất cả Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên nghiệp vụ của đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao về kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong việcnâng cao kỹ năng tranh luận tại phiên tòa cũng như kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử. Đây được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án hình sự liên quan đến tín dụng đen, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ chính trị đề ra.
Bùi Văn Nghinh, Nguyễn Thị Thúy VKSND TP.Hải Dương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.