Tội tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có trong trường hợp tài sản đã được làm tăng hoặc giảm giá trị

Thứ hai - 05/05/2025 23:36
Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định tại Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), là hành vi tiếp tay, hợp pháp hóa tài sản bất chính, góp phần che giấu, làm lu mờ dấu vết của tội phạm nguồn. Tuy nhiên, trên thực tế xét xử, có những tình huống phát sinh phức tạp, điển hình như trường hợp tài sản phạm tội đã được làm tăng hoặc giảm giá trị trước khi tiêu thụ. Vấn đề đặt ra là: xử lý hình sự trong những trường hợp này như thế nào? Có cần xem xét giá trị tài sản theo thời điểm phạm tội gốc hay theo thời điểm tiêu thụ?
Theo quy định tại Điều 323 BLHS 2015, người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi người khác thực hiện hành vi phạm tội đã tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, thì tùy theo giá trị tài sản và tính chất vụ việc sẽ bị xử lý hình sự. Tội danh này đòi hỏi phải xác định rõ: Nguồn gốc của tài sản là do hành vi phạm tội mà có (trộm cắp, lừa đảo, tham ô…); Người tiêu thụ biết rõ hoặc có căn cứ để biết đó là tài sản phạm pháp; Giá trị tài sản là yếu tố để định khung hình phạt.
Tình huống thực tiễn:
Trường hợp tài sản bị làm giảm giá trị. Ví dụ: A trộm cắp một chiếc xe máy có giá trị 30 triệu đồng. Sau đó, B mua lại chiếc xe này từ A khi nó đã hư hỏng nhẹ, chỉ còn giá trị khoảng 20 triệu đồng. Câu hỏi đặt ra là: khi truy cứu trách nhiệm hình sự B về tội tiêu thụ tài sản, thì căn cứ vào giá trị nào để xác định cấu thành tội phạm và khung hình phạt? Theo hướng dẫn của TAND Tối cao và thực tiễn xét xử, giá trị để làm căn cứ định tội là giá trị của tài sản tại thời điểm bị chiếm đoạt, tức 30 triệu đồng. Việc tài sản giảm giá trị chỉ ảnh hưởng đến việc bồi thường thiệt hại (nếu có), không làm thay đổi cấu thành tội phạm.
Trường hợp tài sản bị làm tăng giá trị. Trường hợp ngược lại: A chiếm đoạt một chiếc điện thoại trị giá 10 triệu đồng. Sau đó B mua lại và nâng cấp phần mềm, thay vỏ, làm mới lại, khiến chiếc điện thoại có thể bán được 15 triệu đồng. Lúc này, B bị bắt và bị xử lý vì hành vi tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Vậy nên lấy giá trị nào để định khung hình phạt? Trong tình huống này, mặc dù giá trị tài sản tại thời điểm phát hiện đã tăng, giá trị để định khung vẫn là tại thời điểm phạm tội nguồn – tức khi A chiếm đoạt là 10 triệu đồng. Bản chất của tội tiêu thụ không thay đổi theo việc "gia tăng giá trị hậu kỳ" nếu giá trị ban đầu vẫn đủ cấu thành.
Như vậy: Việc xác định giá trị tài sản tại thời điểm phạm tội nguồn giúp đảm bảo tính khách quan, thống nhất trong áp dụng pháp luật. Nếu giá trị thay đổi do hao mòn, sử dụng, nâng cấp, thì cũng không làm thay đổi bản chất của hành vi tiêu thụ. Tuy nhiên, trong một số vụ án, việc giám định giá trị tài sản tại thời điểm phạm tội gặp khó khăn do tài sản đã bị thay đổi hình dạng, cấu trúc. Khi đó, vai trò của cơ quan điều tra, định giá và kiểm sát viên rất quan trọng để xác định đúng mốc thời gian và giá trị thực tế, tránh oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
Để thống nhất trong áp dụng pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng cần: Tăng cường giám định giá trị tài sản tại thời điểm chiếm đoạt, không căn cứ vào giá trị tại thời điểm bị bắt giữ hoặc tiêu thụ. Cần có hướng dẫn cụ thể hơn về xử lý các tình huống làm thay đổi giá trị tài sản, đặc biệt với các loại tài sản kỹ thuật số, có thể tăng hoặc giảm rất nhanh. Trường hợp tiêu thụ một phần giá trị tài sản, cần làm rõ yếu tố lỗi, động cơ và khả năng nhận thức của người tiêu thụ.
Tội tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có là mắt xích quan trọng trong chuỗi hành vi phạm tội. Trong những tình huống đặc biệt như tài sản tăng hoặc giảm giá trị, việc định tội cần dựa vào giá trị thực tại thời điểm phạm tội gốc để đảm bảo tính nhất quán, công bằng và đúng pháp luật. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần thận trọng, linh hoạt nhưng không để lọt hành vi cấu thành tội phạm./.
                                                                                                                                 Đỗ Thị Loan
                                                                                                                                             VKSND huyện Nam Sách
CHUYÊN MỤC CHÍNH
EMC Đã kết nối EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây