Quy định về nuôi con nuôi thực tế

Thứ hai - 18/11/2024 08:51
Việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình. Luật nuôi con nuôi được Quốc hội khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ 7, ngày 17/6/2010 và Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/ 01/2011. Việc nuôi con nuôi thực tế được quy định cụ thể:

 1. Điều kiện đối với người được nhận làm con nuôi
Theo quy định tại Điều 8 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì người được nhận làm con nuôi bao: Trẻ em dưới 16 tuổi; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp: Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
Bên cạnh đó luật cũng quy định một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
Việc nuôi con nuôi đối tượng trước tiên là trẻ em, nên pháp luật quy định độ tuổi tối đa của người được nhận làm con nuôi. Những người ở độ tuổi này chưa có sự trưởng thành nhất định về thể chất và tinh thần, rất cần sự quan tâm nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục của người lớn. Mặt khác, quy định độ tuổi của người con nuôi như vậy cũng tương ứng với quy định của các ngành luật khác như luật lao động, luật dân sự.
2. Điều kiện đối với người nhận con nuôi
Khoản 1 Điều 14 Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định cụ thể các điều kiện đối với người nhận con nuôi : Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; Có tư cách đạo đức tốt.
Ngoài ra, trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng hai điều kiện cuối.
Trường hợp người Việt Nam đinh cư ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi thì ngoài các điều kiện nêu trên, người đó còn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú. Bên cạnh đó, các điều kiện nhận nuôi con của người nước ngoài thường trú ở nước ngoài hay trường hợp nhận trẻ nước ngoài làm con nuôi cũng được quy định cụ thể tại Điều 28, Điều 40 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 cùng các luật khác có liên quan.
Điều 14 Luật Nuôi con nuôi cũng quy định cá nhân thuộc diện không được nhận con nuôi.
3.Thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi
Việc nuôi con nuôi làm thay đổi căn bản tình trạng nhân thân của người nuôi và con nuôi, nên việc đăng ký nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật hộ tịch. Đăng ký việc nuôi con nuôi là xác nhận một sự kiện hộ tịch. Tuy nhiên, do sự khác nhau về chủ thể nên việc áp dụng pháp luật để xác định các điều kiện con nuôi khác nhau, dẫn đến sự khác nhau về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Vì vậy, cần có sự phân biệt chủ thể để có thể thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi.
Theo Điều 9 Luật Nuôi con nuôi, cơ quan thực hiện việc đăng ký nhận nuôi con nuôi được quy định cụ thể:
- Khi nhận nuôi trong nước: Ủy ban nhân dân (UBND) xã nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi;
-  Khi nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài: UBND, Sở Tư pháp cấp tỉnh nơi thường trú của con nuôi;
- Khi công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài nhận con nuôi: Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, nơi thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi được hướng dẫn cụ thể tại  Điều 1 Nghị định 24/2019/NĐ - CP  như sau:
-Trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi;
- Trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.
4. Đăng ký nuôi con nuôi thực tế
Điều 50 Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định như sau:
“1. Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;
b) Đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;
c) Giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.
2. Sau khi được đăng ký, quan hệ nuôi con nuôi quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị pháp lý kể từ thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi.
3. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục đăng ký nuôi con nuôi quy định tại Điều này bảo đảm thuận lợi và phù hợp với điều kiện thực tế của nhân dân ở các vùng, miền”.  
Qua đó cho thấy, Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định việc nuôi con nuôi phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên những trường hợp nuôi con nuôi trước ngày Luật này có hiệu lực pháp luật mà cha nuôi, mẹ nuôi đã chết thì con nuôi không thể hưởng di sản thừa kế của cha nuôi, mẹ nuôi thực tế theo quy định tại  các điều 651, 652, 653 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Như vậy, để có căn cứ chứng minh con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi thì phải đăng ký việc nuôi con nuôi theo Điều 22 Luật nuôi con nuôi năm 2010:
“1. Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì UBND cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của những người quy định tại Điều 21 của Luật này.
2. Trường hợp UBND cấp xã từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và nêu rõ lý do trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có ý kiến của những người quy định tại Điều 21 của Luật này.
3. Giấy chứng nhận nuôi con nuôi được gửi UBND cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi”.
Giấy chứng nhận nuôi con nuôi là chứng cứ để chứng minh con nuôi trong vụ án tranh chấp quyền thừa kế theo pháp luật đối với di sản do người chết để lại theo quy định của BLDS năm 2015.
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Theo đó, con nuôi được hưởng thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Con nuôi muốn hưởng thừa kế di sản do cha nuôi, mẹ nuôi để lại theo hàng thừa kế thứ nhất thì con nuôi phải cung cấp chứng cứ là giấy chứng nhận nuôi con nuôi của cha nuôi, mẹ nuôi cho Tòa án để chứng minh.
Như vậy, việc nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững giữa cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi thông qua việc đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi các bên có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi./.
                                                                                                                              Bùi Thị Hậu
                                                                                                                                Phòng 9 - Viện KSND tỉnh Hải Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây