Tình yêu thiết tha mà đồng bào các dân tộc Việt Nam dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh là tình cảm thiêng liêng được bồi đắp bởi lòng biết ơn chân thành và vô hạn đối với những cống hiến, những hy sinh mà suốt cuộc đời Người đã dâng trọn cho dân, cho nước. Tình yêu đó không dừng lại ở những tình cảm nhớ thương, ngưỡng mộ thông thường mà còn được thể hiện qua những suy nghĩ và hành động cụ thể: Tin tưởng vào lý tưởng và con đường cách mạng mà Người đã chọn; học tập và làm theo những lời chỉ dạy; phấn đấu thực hiện tâm nguyện của Người trước lúc đi xa: Xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Bác Hồ thăm một gia đình đồng bào dân tộc Dao ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang (1952) ảnh tư liệu
Trong kháng chiến chống Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, đồng bào các dân tộc đã có những đóng góp to lớn: Hàng vạn đồng bào đã tham gia bộ đội, du kích, dân công, nhiều khu du kích, nhiều làng chiến đấu liên hoàn ở các vùng dân tộc thiểu số đã đi vào lịch sử với những chiến công và sự anh dũng kiên cường của đồng bào; đồng bào đã đóng góp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng chục triệu ngày công phục vụ cho các chiến dịch. Nhiều tấm gương người dân tộc thiểu số anh dũng chiến đấu cho thắng lợi của kháng chiến chống pháp, như Anh hùng Núp (dân tộc Ba Na), La Văn Cầu (dân tộc Nùng), Bế Văn Đàn (dân tộc Tày), Sơn Ton (dân tộc Khmer)…. Mãi mãi là niền tự hào của đồng bào dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hàng vạn thanh niên người dân tộc thiểu số ở phía Bắc đã xung phong lên đường vào Nam đánh Mỹ. Ở hậu phương miền Bắc, đồng bào các dân tộc thi đua "mỗi người làm việc bằng hai" để chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam; vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đồng bào các dân tộc ở Trường Sơn, Tây Nguyên, Nam Bộ anh dũng đánh giặc. Những tấm gương Kan Lịch, Hồ Vai (dân tộc Tà Ôi), Pi Năng Tắc (dân tộc Raglei)…còn sáng mãi.
Trong công cuộc kiến thiết và xây dựng đất nước, đồng bào các dân tộc thiểu số đã thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, thi đua thực hành tiết kiệm, từng bước đẩy lùi giặc đói, xóa mù chữ, phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống mới … Những anh hùng chiến sỹ thi đua trong lao động sản xuất như: Lò Văn Muôn (dân tộc Thái), Đinh Văn Xếp, Nguyễn Thị Khương (dân tộc Mường)… xứng đáng là những tấm gương để đồng bào học tập.
Có thể nói dù là ai, người được gặp Bác Hồ nhiều lần hay một lần và những người chưa một lần được gặp Bác, cũng đều có cùng một lòng kính yêu người. Tình cảm của đồng bào các dân tộc với Bác được thể hiện một cách phong phú, đầy cảm động. Đồng bào dành tặng Người những món quà tuy nhỏ bé, giản dị nhưng thắm đượm nghĩa tình. Các nhạc sỹ dân tộc thiểu số đã dùng âm nhạc để nói lên tình cảm thiêng liêng đối với Người. Bác cũng là nguồn cảm hứng vô tận để từ đó có những câu ca dao, dân ca về Người được cất lên mộc mạc, chân thành mà tha thiết, sâu lắng có sức rung động, khích lệ lòng người.
Năm 1969, Người mãi mãi đi xa. Nhớ thương Người các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, Cor đã xin được mang họ của Người, không ít gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã lập bàn thờ, tổ chức cúng giỗ Bác; ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số tượng đài tưởng nhớ Người được dựng lên để đồng bào luôn được ở gần bên Bác. Những người già thường kể chuyện Bác cho con cháu, các già làng ở Đăk Lăk tổ chức đọc lại bức thư của Người…. Để hình ảnh, lời dạy của Bác mãi mãi in đậm trong trái tim, khối óc các thế hệ người Việt Nam. Bộ chính trị có Chỉ thị số 06/CT-TW, ngày 07-11-2006 về tổ chức cuộc vận động " Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Trong cuộc sống đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình về học tập và làm theo lời Bác…. Đó là những biểu hiện cụ thể, thiết thực, sinh động tình yêu, lòng biết ơn, sự tin tưởng sâu sắc của đồng bào đối với Bác Hồ kính yêu./.