Kỷ niệm 140 năm Ngày sinh Cụ Huỳnh Thúc Kháng
(1876 – 2016)
Cách đây 140 năm, vào ngày 1/10/1876 tại làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, cụ Huỳnh Thúc Kháng (thuở nhỏ còn có tên là Huỳnh Hanh, tự Giới Sanh, hiệu là Minh Viên) - một bậc đại khoa, một trong những người lãnh đạo phong trào Duy Tân, một chí sỹ hết lòng yêu nước thương dân, Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chào đời. Ngày 21/4/1947, trong khi đang thực thi công việc do Chính phủ cách mạng giao, cụ lâm bệnh nặng và mất tại xã Hành Phong, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Theo tâm nguyện của cụ, nhân dân đã an táng cụ trên đỉnh núi Thiên Ấn.
Sử sách còn ghi, khi còn ở trên dương thế, cụ Huỳnh Thúc Kháng là người rất thông minh, học rộng, một đại khoa với học vị tiến sĩ, một nhà nho yêu nước, tiến bộ. Cụ đã cùng với các chí sỹ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp tiên phong khai mở phong trào Duy Tân “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, khơi dậy cao trào yêu nước rộng khắp từ Bắc chí Nam, mà đỉnh điểm là phong trào chống thuế ở Trung Kỳ, làm rung động bộ máy thống trị của thực dân Pháp. Mặc dù bị chính quyền thực dân bắt, tù đày ở Côn Đảo suốt 13 năm (1908 -1921), nhưng cụ vẫn một dạ sắt son, gan không núng chí không sờn. Ra tù, cụ làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, mong góp sức mình để giúp dân, giúp nước. Khi thấy không thể đạt được mục đích, cụ đã khẳng khái từ chức. Cụ là người sáng lập và lãnh đạo báo Tiếng Dân. Trên chính trường trong vai trò Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ và chủ bút báo Tiếng Dân, với tầm nhìn xa, tư duy sắc sảo, bản tính thẳng thắn, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã mạnh mẽ đấu tranh đòi thực hiện dân chủ, dân quyền; vạch trần chính sách cai trị nô dịch, cướp bóc, đàn áp dã man của thực dân Pháp và sự mục nát của chế độ phong kiến.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng và Báo Tiếng Dân (ảnh tư liệu)
Cách mạng Tháng Tám thành công, dù tuổi đã cao, nhưng với lòng yêu nước nhiệt thành, cụ đã nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra gánh vác việc nước, sát cánh cùng các chiến sỹ cộng sản và đồng bào cả nước đưa đất nước vượt qua những thử thách to lớn, giữ vững nền dân chủ cộng hòa non trẻ. Là người có uy tín, có nhiều khả năng vận động, quy tụ các nhà yêu nước, các tầng lớp thân hào, nhân sĩ trí thức lúc bấy giờ tạo thành lực lượng ủng hộ cách mạng, cụ trở thành người lãnh đạo, một biểu tượng của Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, một trong các tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay. Là nhà lãnh đạo kiên định, khôn khéo, cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đi công tác dài ngày ở nước ngoài, tin cẩn giao trọng trách Quyền Chủ tịch nước (năm 1946). Cụ đã ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam, ứng phó với muôn vàn khó khăn, thù trong, giặc ngoài khi đất nước vừa mới giành được độc lập. Cụ chỉ đạo các cơ quan chức năng thẳng tay trừng trị những phần tử phản động trong Việt Nam Quốc dân Đảng cấu kết với quân Tưởng âm mưu lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập. Uy tín, tài năng, đức độ của cụ Huỳnh trong thời gian giữ trọng trách quyền Chủ tịch nước đã góp phần cùng với Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo nên khối đại đoàn kết rộng rãi toàn dân trong cuộc đấu tranh giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ ở thời điểm hết sức hiểm nghèo. Là một sử gia, cụ đã để lại nhiều công trình có giá trị, nhiều nguồn tư liệu quý về lịch sử nước nhà, trong đó có những chứng cứ về chủ quyền lãnh thổ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam chúng ta.
Hồ Chủ Tịch cùng các thành viên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
Cụ Huỳnh Thúc Kháng người đeo kính đứng hàng đầu bên phải ảnh
Suốt cuộc đời vì nước, vì dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, cụ ra đi thanh thản, để lại “lời vĩnh quyết” như một lời hiệu triệu, kêu gọi mọi người đoàn kết, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư gửi đồng bào cả nước lúc cụ Huỳnh Thúc Kháng vừa tạ thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước, mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của Cụ Huỳnh, chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết. Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.
Với tấm lòng vì dân, vì nước, công lao của cụ Huỳnh Thúc Kháng luôn được mọi tầng lớp, các thế hệ người Việt Nam sau này ghi nhớ và noi theo. Năm 2013 Đảng, Nhà nước ta đã nước đã truy tặng cụ Huỳnh Thúc Kháng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là sự ghi nhận, khắc sâu công lao to lớn của Cụ đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.