Dân chủ – kỷ cương trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Thứ tư - 21/04/2021 21:45

Dân chủ – kỷ cương trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Với phương châm “Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển”, Đại hội XIII của Đảng có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh, bền vững hơn. Trong đó, nội dung dân chủ và kỷ cương được coi trọng, gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (Nguồn: vtv.vn)

Nội dung dân chủ – kỷ cương trong Đại hội XIII của Đảng

Nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trong đó dân chủ là một nội dung cần thiết cho việc phát triển và hoàn thiện đường lối, chiến lược trong giai đoạn mới nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trước mắt cũng như lâu dài của đất nước, dân tộc ta. Đại hội XIII của Đảng có chủ đề: “Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển”, thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển bền vững. Đây được coi như kim chỉ nam cho tư duy, chiến lược, hành động và ước vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.

Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định rất cụ thể mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Đảng. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được đề cập trong Văn kiện đại hội thì có 2 nhiệm vụ gắn liền với dân chủ và kỷ cương, đó là: nhiệm vụ thứ nhất: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” và, nhiệm vụ thứ năm là: “Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân; đồng thời, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị – xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Dân chủ đi đôi với kỷ cương

Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân là bản chất của chế độ ta. Song, dân chủ phải đi đôi với kỷ cương. Một đất nước không có kỷ cương thì rối loạn, mất ổn định, không xây dựng, phát triển được. Cho nên, dân chủ và kỷ cương phải đi liền với nhau. Dân chủ nhưng phải kỷ cương và kỷ cương trên cơ sở phát huy dân chủ. Dân chủ để phát huy trí tuệ của toàn Đảng; để thắt chặt đoàn kết, thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động, xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay và trong thời gian tới.

Đảng kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nâng cao chất lượng và tính thực chất của công tác tổ chức cán bộ, mà trọng tâm là đánh giá cán bộ; nâng cao chất lượng cơ sở đảng và đảng viên; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nêu gương, nói đi đôi với làm, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tuyên truyền; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí, nhất là các phương tiện truyền thông trên internet. Nâng cao chất lượng và hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy, nội dung cốt lõi của một nước dân chủ, một nền dân chủ là ở chỗ lợi ích và quyền lực thuộc về Nhân dân: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. Theo Người, ở nước ta, mọi quyền hành và lực lượng đều là của Nhân dân, từ Nhân dân mà ra. Người nhấn mạnh rằng: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Đây là cơ sở chủ yếu để phân biệt nền dân chủ của Nhà nước ta so với các nền dân chủ khác. Tư tưởng “vì dân, do dân” đã được Người quán triệt trong quá trình lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước suốt hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng và Nhà nước ta luôn thấm nhuần tư tưởng kim chỉ nam của Người và quán triệt tư tưởng đó trong Nhà nước được tổ chức, quản lý theo hướng kiến tạo phát triển, xây dựng một xã hội mới phát triển toàn diện, coi trọng nâng cao dân trí…

Để dân chủ – kỷ cương phải hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng dành khá nhiều cho nội dung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ: tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Đồng thời, Văn kiện cũng khẳng định phải tập trung xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực phục vụ Nhân dân và sự phát triển của đất nước. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với cải cách tiền lương, chế độ, chính sách, đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển; có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, không còn uy tín đối với Nhân dân.

Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính.

Có thể nói, những quan điểm, chủ trương nói trên của Đảng là sự chỉ đạo quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước phát triển mới của đất nước, định hướng tương lai bằng việc phát huy tối đa dân chủ, kỷ cương và yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam.

                                                                     Nguyễn Thị Hiên – VKSND huyện Nam Sách
Sưu tầm, nguồn:
Quanlynhanuoc.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây