Tìm hiểu: 45 năm Ngày Tổng tuyển cử của nước Việt Nam thống nhất

Thứ ba - 04/05/2021 22:58

Tìm hiểu: 45 năm Ngày Tổng tuyển cử của nước Việt Nam thống nhất

Cách đây 45 năm, ngày 25-4-1976. Trong niềm vui chung Bắc-Nam sum họp một nhà, non sông liền một dải, nhân dân cả nước đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI (1976-1981) của nước Việt Nam thống nhất. Đây là lần thứ hai cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành trên cả nước sau 30 năm kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 06-01-1946.

Công nhân Công ty Đường sắt 773 (Liên hiệp xí nghiệp cục Công trình 1-Bộ Giao thông Vận tải) đang xây dựng cầu Yên Xuân (Nghệ Tĩnh), tham gia bầu cử Quốc hội khóa VI tại công trường. (Nguồn ảnh: Internet)

Sau thắng lợi của cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội đã đặt ra cho Quốc hội - Cơ quan Đại biểu cao nhất của nhân dân những trọng trách mới,đồng thời yêu cầu phải có một cơ cấu phản ánh được tính chất toàn dân tộc.

Hội nghị lần thứ 24, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phân tích tình hình và đề ra chủ trương phải sớm thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Hội nghị Hiệp thương chính trị giữa đoàn Đại biểu hai miền Nam-Bắc đã họp tại Sài Gòn (từ ngày 15 đến ngày 21-11-1975).Hội nghị đánh giá tình hình và đi đến quyết định:“cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung cho cả nước. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và chủ nghĩa xã hội, Quốc hội đó sẽ xác định thể chế Nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất”.

Đồng chí Trường Chinh, Trưởng đoàn đại biểu miền Bắc và đồng chí Phạm Hùng, Trưởng đoàn đại biểu miền Nam ký văn kiện chính thức sau Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc, ngày 21-11-1975.(Nguồn ảnh: Internet)

Sau thời gian dài chuẩn bị. Ngày 25-4-1976 được chọn là ngày Tổng tuyển cử chung diễn ra trên phạm vi cả nước theo nguyên tắc:dân chủ, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.Với không khí là ngày hội lớn của toàn dân Việt Nam, trên 23 triệu cử tri trên cả nước đã thực hiện nghĩa vụ công dân của mình, bầu những Đại biểu xứng đáng vào Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập thống nhất.  

Cuộc bầu cử được tiến hành nhanh gọn và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, trong đó miền Bắc là 99,36%, miền Nam là 98,59%. Cử tri đã lựa chọn và bầu 492 Đại biểu Quốc hội gồm đủ các thành phần: công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, Đại biểu các tầng lớp thanh niên, phụ nữ, Đại biểu các dân tộc thiểu số và các tôn giáo. Kết quả,cuộc Tổng tuyển cử đưa đến sự ra đời của Quốc hội khóa VI (1976-1981) quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. 

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Đó còn là thắng lợi của đường lối cách mạng sáng tạo của Đảng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh mang tầm vóc một học thuyết cách mạng giải phóng và phát triển với ý chí không gì lay chuyển nổi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam ta là một. Dù cho sông cạn đá mòn, nhân dân Nam, Bắc là con một nhà”.

Hội đồng Bầu cử Quốc hội thống nhất miền Nam họp lần thứ nhất tại Sài Gòn (từ ngày 2-7-1976 được đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh).(Nguồn ảnh: Internet)

Quốc hội khoá VI (1976-1981) đã quyết định những vấn đề quan trọng hàng đầu trong thời kỳ phát triển mới của dân tộc, từ đường lối chính sách của nhà nước Việt Nam thống nhất. Việc quyết định xây dựng Hiến pháp và cơ cấu lãnh đạo của nhà nước khi chưa có Hiến pháp mới, cho đến việc bầu các cơ quan đó để điều hành công việc chung của đất nước. Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và tổ chức nhà nước khi chưa có Hiến pháp mới.

Quốc hội quyết định đổi tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời, đổi tên thành phố Sài Gòn-Gia Định thành thành phố Hồ Chí Minh, mở đầu bước phát triển mới trong quá trình đi lên của đất nước. Kì họp thứ nhất cũng bầu ra các chức danh quan trọng của đất nước gồm: Chủ tịch nước - Tôn Đức Thắng; Phó chủ tịch nước - Nguyễn Lương Bằng; Chủ tịch Quốc hội -Trường Chinh; Thủ tướng Chính phủ - Phạm Văn Đồng.

Tổng tuyển cử ngày 25-4-1976, là một sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của nước ta, lịch sử dân tộc ta chuyển sang một bước ngoặt vĩ đại. Trong kỷ nguyên mới, hòa bình và thống nhất, Quốc hội khoá VI tiếp tục một cách xứng đáng những thành tựu, những bài học kinh nghiệm của Quốc hội các nhiệm kỳ trước. Quốc hội khoá VI trở thành nhân tố quan trọng trong hệ thống chính trị của đất nước để tổ chức nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Đó là nền tảng được kế thừa ở các khóa sau để Quốc hội khóa XV thực hiện khát vọng phát triển Đất nước phồn vinh, hạnh phúc và ngày Tổng tuyển cử Quốc hội khóa XV không còn xa, ngày 23 tháng 5 tới đây./.

                                                                          Nguyễn Đức Đạt
VKSND huyện Cẩm Giàng (Sưu tầm)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây