- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Thời gian qua, chủ đề mà dư luận xã hội quan tâm hàng đầu là
những thông tin về đại dịch Covid-19. Bên cạnh những thông tin cập nhật
về tình hình dịch bệnh của Việt Nam cũng như trên thế giới, một điều
dễ nhận thấy trong thời gian này, đó là niềm tin của nhân dân vào sự
lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ trong công tác phòng,
chống dịch bệnh, được thể hiện rõ nét.
Ảnh: Intenet – Một trong hàng ngàn bức tranh cổ động do các em thiếu nhi trên khắp cả nước vẽ hưởng ứng cuộc chiến phòng chống Covid-19 |
Đối với nhiều thế hệ người Việt Nam sinh ra và lớn lên trong thời bình, những bài học về đường lối cách mạng của Đảng, về tinh thần đoàn kết, hào khí dân tộc có thể chỉ được biết đến qua những bài học lịch sử, những câu chuyện kể, những thước phim tài liệu... Nhưng trong cuộc chiến không tiếng súng những ngày qua, chúng ta được trực tiếp chứng kiến cách mà những lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo một cuộc chiến - cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19, chúng ta lại một lần nữa cảm nhận được tinh thần đoàn kết toàn toàn dân tộc được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Ở tiền tuyến, đó là những “chiến sĩ áo trắng” – những y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế không quản khó khăn, hy sinh cuộc sống cá nhân, vì lợi ích cộng đồng để trực tiếp chăm sóc, chữa trị cho các bệnh nhân, nghiên cứu phân lập virus, điều chế vacxin phòng bệnh; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh đã làm việc ngày đêm từ những ngày đầu dịch xuất hiện để đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời; quân đội nhân dân nhường doanh trại vào rừng để lập những khu cách ly; những tình nguyện viên không quản khó khăn, vất vả, ngày đêm làm nhiệm vụ ở những khu cách ly, những chiến sĩ công an, biên phòng, dân quân tự vệ... trên khắp đất nước đang ngày đêm căng mình làm nhiệm vụ chống dịch. Nơi hậu phương, đó là toàn thể nhân dân Việt Nam, người có tiền góp tiền, người có sức góp sức, hoặc đơn giản chỉ là ở yên trong nhà thôi cũng đã là góp phần trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh nguy hiểm này. Từ những doanh nhân đóng góp hàng tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch bệnh, những chuyến bay vào tâm dịch để đưa những công dân Việt Nam trở về Tổ quốc; đến những tin nhắn ủng hộ phòng chống Covid-19 đến từ những người dân trên mọi miền đất nước; từ những em nhỏ quyên góp toàn bộ số tiền lì xì mình có được, đến những cụ già như Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt, dù đã 95 tuổi vẫn may khẩu trang dành tặng cho những người nghèo chống dịch...; là hàng trăm y tá, bác sĩ về hưu và sinh viên y khoa tình nguyện đăng ký tham gia phòng chống dịch khi có yêu cầu; là sự vào cuộc mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp thông tin chính thống, minh bạch về cuộc chiến phòng chống dịch bệnh của Việt Nam..., mỗi người dân Việt Nam đều có thể trở thành một “chiến sĩ” trên mặt trận phòng chống dịch bệnh.
Trong lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước chung sức, đồng lòng để chiến thắng đại dịch Covid-19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội”. Trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta càng cảm nhận hơn bao giờ hết sự đùm bọc, sẻ chia, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc. Chính phủ thông qua dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội phê duyệt một gói hỗ trợ “chưa từng có tiền lệ” cho hàng triệu người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các doanh nghiệp mặc dù đang gặp khó, nhưng vẫn cố gắng hết sức hỗ trợ người lao động: các ngân hàng giảm lãi suất, hỗ trợ cho vay, điện lực giảm giá tiền điện, miễn phí điện, nước cho các khu cách ly, ... Nhiều tổ chức, cá nhân đã tổ chức những suất cơm miễn phí và rất nhiều những ủng hộ nghĩa tình cho những người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, để trong cuộc chiến này, sẽ “không ai bị bỏ lại phía sau”. Bên cạnh đó, những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” cũng không đứng ngoài cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Nếu như trong chiến tranh, chúng ta có những giai điệu hào hùng như “hò kèo pháo”, “chào em cô gái Lam Hồng”, “Đất nước trọn niềm vui”... cổ vũ tinh thần những người chiến sĩ, thì trong cuộc chiến với dịch bệnh, những người nghệ sĩ trẻ của chúng ta cũng cho ra đời những giai điệu như: “Ghen cô vy”, “Việt Nam ơi! Đánh bay Covid!”..., những lời hát vừa hiện đại, trẻ trung, hợp xu hướng nhưng vẫn hết sức thực tế, gắn liền với mục đích tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, cổ vũ tinh thần các “chiến sĩ” ở tuyến đầu chống dịch, không những được hưởng ứng trong nước mà còn gây tiếng vang với bạn bè quốc tế. Có thể thấy, chúng ta đang chống dịch trên mọi mặt trận, mọi người dân, mọi lứa tuổi, mọi thành phần xã hội, đều bằng khả năng của mình để góp phần trong trận chiến “chống dịch như chống giặc” này. Có được sự đoàn kết, đồng lòng ấy chính là bởi niềm tin của nhân dân vào Đảng và Chính phủ. Việt Nam chúng ta, với nguồn lực kinh tế, y tế còn nhiều hạn chế so với các nước phát triển, nhưng đã và đang làm rất tốt trong việc kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh một cách hiệu quả và hết sức nhân văn, được đông đảo nhân dân ủng hộ, cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Diễn biến của dịch bệnh tại Việt Nam cũng như trên thế giới còn nhiều phức tạp, nhưng với sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, sự đoàn kết, đồng lòng và niềm tin của nhân dân vào Đảng, tin rằng Việt Nam sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Cao Thị Thu Trang VKSND thành phố Chí Linh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.