Lời dạy của Bác Hồ với cán bộ ngành Kiểm sát nhân dâ

Chủ nhật - 19/04/2020 21:13

Lời dạy của Bác Hồ với cán bộ ngành Kiểm sát nhân dâ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng, chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên đồng thời đặt vấn đề đạo đức của người cách mạng lên hàng đầu. Người luôn làm gương và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng, phải kết hợp chặt chẽ giữa phẩm chất với năng lực, giữa “đức” với “tài”, trong đó luôn lấy “đức” làm gốc. Khi nói về đạo đức, Bác đã ví:
"Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Thiếu một mùa thì không thành trời

Thiếu một phương thì không thành đất

Thiếu một đức thì không thành người”

Lời dạy về đạo đức của Bác với mỗi ngành, nghề, mỗi tầng lớp nhân dân luôn thật giản dị, sâu sắc mà thấm thía.

 Riêng đối với cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân, bên cạnh những yêu cầu chung về đạo đức cách mạng của người cán bộ, Bác còn dạy: “Cán bộ Kiểm sát phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đến nay mười chữ vàng mà Bác căn dặn luôn được xem là nội dung quan trọng để giảng dạy về đạo đức cho các thế hệ cán bộ Kiểm sát và là tiêu chí phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của mỗi cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân.

Trước hết, chuẩn mực đầu tiên Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát phải Công minh, nghĩa là trong công việc người cán bộ Kiểm sát phải luôn công bằng và sáng suốt, luôn rõ ràng và minh bạch. Sự công minh của cán bộ Kiểm sát trước hết đòi hỏi cán bộ Kiểm sát phải làm đúng các quy định của pháp luật, nhất là trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Cái tâm của người cán bộ Kiểm sát có trong sáng thì xem xét và quyết định mọi việc mới công bằng. Là người được giao nhiệm vụ “cầm cân nẩy mực” giữ gìn cán cân công lý, cán bộ Kiểm sát quyết không thể vì tiền tài, vật chất, vì lợi ích riêng tư hoặc vì nể nang mà bẻ cong cán cân công lý.

Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát phải Chính trực, nghĩa là trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, cán bộ Kiểm sát phải có dũng khí đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, phải luôn ngay thẳng trong mọi công việc. Người cán bộ Kiểm sát được giao một trọng trách rất lớn khi thực hiện công vụ, có liên quan đến nhiều người và nhiều mặt của đời sống xã hội do đó thấy đúng phải kiên quyết bảo vệ, thấy sai, thấy vi phạm pháp luật và tội phạm phải kiên quyết đấu tranh, không vì bất cứ lý do nào mà làm trái pháp luật. Nếu cán bộ Kiểm sát khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà không chính trực thì dễ dẫn đến việc để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát phải Khách quan, nghĩa là khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, cán bộ Kiểm sát phải xuất phát từ thực tế khách quan để xem xét, đánh giá sự việc một cách toàn diện, cụ thể trong từng sự việc, tránh cái nhìn chủ quan, phiến diện. Đối tượng tác động của hành vi thực hiện chức năng nhiệm vụ của người cán bộ Kiểm sát là những vấn đề rất cơ bản và quan trọng đối với con người, ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ, do vậy người cán bộ Kiểm sát phải luôn khách quan, không được vì ý thức chủ quan hay lợi ích riêng tư mà thiên lệch trong công việc. Có một điều cán bộ Kiểm sát cũng cần lưu ý là không vì “chạy theo thành tích” hay vì “thỏa hiệp” trong hoạt động tố tụng mà làm mất đi sự khách quan cần phải có.

Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát phải Thận trọng, nghĩa là trong khi thực hiện chức năng nhiệm vụ, người cán bộ Kiểm sát phải cân nhắc, suy nghĩ cẩn trọng, không để sai sót trong mọi việc. Bởi vì sai sót trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của người cán bộ Kiểm sát cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến oan, sai. Nếu để xảy ra oan, sai không những đã xâm phạm đến quyền và lợi ích của người bị oan, sai mà một số trường hợp còn gây hậu quả xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan pháp luật, trong đó có ngành Kiểm sát chúng ta.

Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát phải Khiêm tốn, nghĩa là trong công việc cũng như cuộc sống đời thường, người cán bộ Kiểm sát phải tự đánh giá đúng mực bản thân, không tự mãn, kiêu căng, không cho mình là giỏi hơn người khác, có như vậy mới có điều kiện để cùng mọi người làm tròn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Viện kiểm sát nhân dân là của nhân dân và vì nhân dân do vậy cán bộ Kiểm sát phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, gần dân và quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phải luôn khiêm tốn, xứng đáng là công bộc tận tụy của dân.


Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Hoàng Quốc Việt (người đứng bên phải Bác)
chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu  VKSND Trung Quốc. Ảnh tư liệu (Nguồn ảnh: Internet)


Điều quan trọng, các cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân cần nhận thức sâu sắc và tự mình phải thực hiện đúng, đầy đủ năm đức tính mà Bác Hồ đã dạy, không xem nhẹ một đức tính nào. Có như vậy mới góp phần cùng toàn Ngành hoàn thành trách nhiệm lớn lao và cũng là vinh dự mà Đảng, Nhà n­ước và Nhân dân tin t­ưởng giao phó, ra sức phấn đấu hoàn thành thật tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cải cách tư pháp, có nhiều việc phải làm song trước hết là học tập để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời phải nghiêm túc lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát nhân dân. Lời dạy của Bác phải được cụ thể hóa bằng hành động trong từng công việc cụ thể hàng ngày, là kim chỉ nam trong mọi hành động thực tiễn cũng như khi giải quyết công việc chuyên môn.

Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Ngành kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2020) đang đến gần, đây cũng là dịp chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của Ngành kiểm sát đã đạt được trên chặng đường xây dựng và phát triển. Đây cũng là dịp để mỗi cán bộ Kiểm sát chúng ta tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, học tập và làm theo lời Bác, phấn đấu để ngành Kiểm sát nhân dân thật sự trở thành chỗ dựa của công lý, nơi gửi gắm niềm tin của Đảng và Nhân dân, một lần nữa xứng đáng với lời Bác dạy “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy quyền không thể khuất phục”.

                                                                                                                       Đàm Thị Trang
VKSND thị xã Kinh Môn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây