Ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

Thứ tư - 22/04/2020 20:39

Ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

Kỷ niệm 150 ngày sinh V. I. Lênin (22/4/1870-22/4/2020)

V. I. Lênin (1870 - 1924) (Ảnh internet)

Vơlađimia Ilich Lênin (Vladimir Ilyich Lenin) là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển  học thuyết của Các Mác và Phriđơrich Ăngghen. Ông là người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng tháng Mười Nga, thành lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo (07/11/1917). Cách mạng tháng Mười Nga thành công là mốc son chói lọi trong cuộc đời và sự nghiệp của Lênin, đồng thời mang lại ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại to lớn.

Một là, về tính chất của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga

Trong lịch sử loài người đã diễn ra những cuộc cách mạng xã hội khác nhau. Cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng xã hội do giai cấp công nhân lãnh đạo, nhằm thực hiện sứ mệnh lịch sử là giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người khỏi sự bóc lột, áp bức và bất công, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới.

Tính chất của một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là yếu tố cơ bản để phân biệt các cuộc cách mạng khác nhau trong lịch sử. Cơ sở để xác định tính chất của một cuộc cách mạng xã hội là từ nhiệm vụ giải quyết những mâu thuẫn cơ bản của xã hội. Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga mang tính chất toàn diện, triệt để, gay go, quyết liệt, phức tạp và lâu dài; mang tính nhân dân, tính quốc tế sâu sắc. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Cách mạng Tháng Mười là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác và học thuyết Lênin ở một nước lớn là Liên Xô, rộng một phần sáu thế giới. Đó là thắng lợi vĩ đại nhất của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức do giai cấp công nhân và đội tiền phong của họ là Đảng Bônsêvích lãnh đạo”.

Hai là, về mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga

Đây là cuộc cách mạng thực hiện mục tiêu rất cao cả là giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại và giải phóng con người thoát khỏi áp bức, bóc lột, xây dựng xã hội mới không còn sự phân chia giai cấp và thực hiện các mục tiêu của thời đại: hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản từ chỗ chỉ là một ước mơ cao đẹp của loài người, sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã trở thành một hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn lôi cuốn hàng nghìn triệu người vào hành động cách mạng, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

Như vậy, mục tiêu trước mắt của cách mạng xã hội chủ nghĩa nói chung và của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga nói riêng là giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động, để từng bước cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới để tiến đến mục tiêu lâu dài đó là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản văn minh trên phạm vi từng nước và toàn thế giới. Mục tiêu đó phản ánh tập trung, sâu sắc tính chất cách mạng triệt để và tính nhân văn, nhân đạo mà các cuộc cách mạng xã hội trước không thể thực hiện được.


Lãnh tụ Đảng Bolshevich V. I. Lenin tuyên bố thành lập chính quyền Xô Viết tại Đại hội Xô Viết ngày 7-11-1917 tại điện Smolny, ngay sau khi chiếm Cung điện mùa Đông. Ảnh tư liệu (Nguồn ảnh: internet)

Ba là, về động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga

Động lực chủ yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga chính là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức Nga; trong đó giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo và quyết định sự thắng lợi của cách mạng, sử dụng bạo lực cách mạng để đánh đổ giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến địa chủ, lập nên chính quyền của công - nông - binh, chính quyền Xôviết: “Cách mạng Tháng Mười đã dùng bạo lực cách mạng đánh đổ giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến địa chủ, lập nên chính quyền của những người lao động, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, một xã hội không có người bóc lột người”.

Xây dựng, củng cố vững chắc khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và trí thức sẽ tạo nên một lực lượng cách mạng to lớn, đủ sức để lật đổ giai cấp tư sản. Đồng thời, sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa luôn phải sử dụng sức mạnh tổng hợp của các lực lượng cách mạng; phát huy sức mạnh của liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và trí thức; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Nếu chỉ tuyệt đối hoá hoặc coi nhẹ một lực lượng cách mạng nào, ở trong nước hay quốc tế thì sự nghiệp cách mạng ở nước đó khó có thể thành công. Đặc biệt, trong khối liên minh ấy, cần có sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”.

Thứ tư, về nội dung cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga

Đây là cuộc cách mạng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá, trong đó căn bản là chính trị và kinh tế.

Nội dung cách mạng về chính trị: lật đổ quyền thống trị của giai cấp tư sản Nga, giành quyền lãnh đạo xã hội về giai cấp công nhân Nga, giải phóng nhân dân lao động khỏi địa vị nô lệ và trở thành người làm chủ xã hội mới. Cách mạng về chính trị có vị trí quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, bởi nó là cơ sở và tiền đề cho việc thực hiện các nội dung cách mạng về kinh tế, tư tưởng, văn hoá. Chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội, là công cụ thống trị xã hội, duy trì quyền lực của giai cấp thống trị để cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới. Do vậy, để xoá bỏ xã hội tư bản chủ nghĩa và xây dựng xã hội mới, thì giai cấp công nhân thông qua chính đảng của mình lãnh đạo nhân dân lao động làm cuộc cách mạng về chính trị là màn giáo đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Nội dung cách mạng về kinh tế: đây là nội dung có ý nghĩa quyết định sự thắng lợi vững chắc của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga. Bởi vì, chủ nghĩa xã hội muốn chiến thắng phải tạo ra năng suất lao động cao hơn chủ nghĩa tư bản, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân lao động. Cho nên, giai cấp công nhân phải thực hiện nội dung cách mạng về kinh tế nhằm từng bước xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, phát triển lực lượng sản xuất, thay đổi địa vị kinh tế - xã hội của nhân dân lao động.

Thứ năm, về ý nghĩa lịch sử của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 có ý nghĩa lịch sử về nhiều mặt, không chỉ vạch mốc thời đại, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga và các dân tộc bị nô dịch, phụ thuộc trên thế giới, mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc ở chỗ đã trở thành ngọn cờ hiệu triệu của thời đại mới, thời đại đấu tranh vì những mục tiêu cao cả: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Đánh giá tổng quát về ý nghĩa lịch sử của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”. Với ý nghĩa đó, Người khẳng định: “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người”.

Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, Lenin đã để lại một kho tàng lý luận đồ sộ, trong đó có vấn đề nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của người cộng sản trong điều kiện Đảng Cộng sản cầm quyền lãnh đạo đất nước. Người quan nệm những người cộng sản phải luôn kiên định, giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên quyết đấu tranh "không khoan nhượng" để "tẩy sạch" ra khỏi tổ chức của mình tất cả phần tử thoái hóa, biến chất nhằm làm trong sạch nội bộ Đảng và Nhà nước. Tư tưởng ấy ngày nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự.

Nguồn tham khảo:

        - Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự thật 2001

                                                                                                       Đàm Thị Trang (sưu tầm, tổng hợp)
VKSND thị xã Kinh Môn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây