Ý nghĩa chính trị của cuộc bầu cử

Thứ ba - 23/03/2021 22:33

Ý nghĩa chính trị của cuộc bầu cử

Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Bầu cử là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung và thành lập cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương nói riêng.

Ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Ảnh minh họa)

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 nhằm bầu ra đại diện cho nhân dân tại Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho nhân dân địa phương tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Thông qua cuộc bầu cử góp phần tạo sự đồng bộ trong việc bố trí, sắp xếp hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng trong các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Cuộc bầu cử này còn nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong năm 2021.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức cùng một ngày (Chủ nhật, ngày 23/5/2021) trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Trước tình hình đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức nhằm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Để góp phần vào thành công ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Viện KSND huyện Nam Sách đã tổ chức quán triệt đến công chức, người lao động và đảng viên nhận thức được tầm quan trọng của việc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; yêu cầu nghiên cứu, nắm vững những nội dung chủ yếu của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là những nội dung về quyền và nghĩa vụ công dân trong bầu cử; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm công dân đối với hoạt động chính trị quan trọng này của đất nước; tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động cho cán bộ, đảng viên trong việc tham gia bầu cử theo đúng quy định của pháp luật.

                                                                         Nguyễn Thị Hiên (tổng hợp)
Viện KSND huyện Nam Sách

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây