Viện KSND tỉnh Hải Dương 15 năm thực hiện nhiệm vụ Cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ chính trị

Thứ sáu - 12/07/2019 02:58

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, là một định hướng quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp nói chung và chức năng Thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nói riêng.

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đã tổ chức quán triệt, sâu kỹ nội dung Nghị quyết và các chương trình, kế hoạch của cấp ủy, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp cấp trên; việc tổ chức quán triệt đã góp phần nâng cao nhận thức của mỗi đảng viên công chức về mục tiêu, yêu cầu, các quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp. Hàng năm, đơn vị VKS hai cấp đều xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện, tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm những thiếu sót, hạn chế để kịp thời đề ra biện pháp khắc phục.

Qua 15 năm triển khai về cơ bản đơn vị đã thực hiện hiệu quả các mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết đề ra; chất lượng công tác THQCT và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự được nâng lên, góp phần chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; thực hiện các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm sát hoạt động tư pháp, khẳng định được vị trí, vai trò của VKS trong việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại, trong kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự; nâng cao trách nhiệm, chất lượng trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp của các cơ quan tư pháp. Công tác xây dựng ngành được quan tâm, thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, luôn coi trọng công tác đào tạo, giáo dục đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, ý thức trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên; cơ sở vất chất từng bước được tăng cường cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra… Kết quả hoạt động công tác kiểm sát góp phần tích cực trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ quyền lợi Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để đạt được kết quả trên, đơn vị đã tập trung thực hiện tốt các nội dung đó là: Tổ chức quán triệt thường xuyên, sâu kỹ, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp, trên cơ sở đó xây dựng các chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình, có biện pháp và lộ trình thực hiện cụ thể. Trong tổ chức thực hiện phải luôn bám sát nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong kế hoạch, chương trình để thực hiện đảm bảo tiến độ. Nhiệm vụ cải cách tư pháp phải gắn liền với thực tiễn, xuất phát từ đòi hỏi khách quan của thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Nội dung cải cách tư pháp phải khắc phục được những vướng mắc, bất cập qua thực tiễn tổ chức thực hiện; đồng thời phải đạt được tính đồng bộ trong đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Các cơ quan tư pháp cần tăng cường công tác phối hợp với nhau và với các cơ quan Nhà nước khác để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh; có tinh thần trách nhiệm cao, bản lĩnh và lương tâm nghề nghiệp. Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong việc thực hiện cải cách tư pháp. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; xác định rõ trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tăng cường trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian tới, tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, tội phạm công nghệ cao, tội phạm liên quan đến tín dụng đen, tội phạm hoạt động có tính chất liên tỉnh, xuyên quốc gia xảy ra nhiều; các tranh chấp về dân sự, kinh tế, lao động, hành chính, nhất là các vụ khiếu kiện, tranh chấp có liên quan đến yếu tố nước ngoài xảy ra nhiều… Do vậy nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tiếp theo là: Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, của công luận và của nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Xây dựng Viện kiểm sát nhân dân chính quy, hiện đại về cơ cấu tổ chức và điều kiện làm việc; xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp. Xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, nâng cao và cụ thể hóa tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội. Tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật hình sự và dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền; hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người./.

                                                                                                                    VPTH - VKSND tỉnh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây