- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Nhận thức rõ mục tiêu và tầm quan trọng của nhiệm vụ cải cách tư pháp trong ngành Kiểm sát theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện KSND tỉnh Hải Dương đã kịp thời chỉ đạo việc phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát được nêu trong Nghị quyết 49-NQ/TW và các văn bản về cải cách tư pháp. Viện KSND tỉnh Hải Dương đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về việc quán triệt, tổ chức thực hiện và kết quả thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW; tập trung tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp. Tham gia hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực hoạt động tư pháp theo chỉ đạo của VKSND tối cao như tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính…Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, của Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Tỉnh ủy…
Tổ tuyên truyền của Viện KSND tỉnh, Trang tin điện tử Viện KSND tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền về những chủ trương, những nội dung của Nghị quyết số 49-NQ/TW; hàng năm trong việc xây dựng Kế hoạch công tác tuyên truyền của đơn vị đều tập trung các biện pháp để tăng cường công tác tuyên truyền về cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết.
Việc tuyên truyền các nội dung, chủ trương, chính sách đúng đắn của Nghị quyết số 49-NQ/TW được đơn vị hai cấp ngành Kiểm sát Hải Dương thực hiện hiệu quả thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Công tác kiểm sát của đơn vị có nhiều thay đổi theo hướng tích cực; chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp đã được nâng lên, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Từng bước nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên toà xét xử. Chủ động tham gia xét hỏi, tranh luận tại phiên toà; kiểm sát chặt chẽ hoạt động xét xử của Toà án và những người tham gia tố tụng, đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; tăng cường kiểm sát bản án, quyết định của Toà án. Chú trọng công tác tổ chức rút kinh nghiệm xét xử nhằm nâng cao các kỹ năng xét hỏi, luận tội, tranh luận của Kiểm sát viên. Tỉ lệ vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung do lỗi của Kiểm sát viên ngày càng giảm. Trong hoạt động kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, duy trì kiểm sát định kỳ, đột xuất các Nhà tạm giữ Công an huyện, kịp thời phát hiện những vi phạm trong công tác quản lý và việc chấp hành chế độ đối với người bị bắt, tạm giữ, tạm giam và chấp hành án phạt tù. Thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự; kiểm sát việc thi hành án dân sự. Đề cao trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp của các cơ quan tư pháp. Trong thời gian qua, đơn vị hai cấp đã phối hợp với Toà án tổ chức 743 phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp để cán bộ, Kiểm sát viên học tập, rút kinh nghiệm. Với các biện pháp này đã từng bước nâng cao kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà, đảm bảo việc xét xử của Toà án dân chủ, công khai, nghiêm minh, bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Kiểm sát 16.819 tin báo, tố giác tội phạm, qua kiểm sát đã yêu cầu khởi tố 330 vụ án, 329 bị can. Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 16.010 vụ/24.185 bị can, tỷ lệ giải quyết án ở giai đoạn điều tra trung bình đạt 84,6%; Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 12.386 vụ/22.647 bị cáo, không có vụ nào Toà án tuyên không phạm tội, tuyên khác với tội danh Viện kiểm sát truy tố. Tăng cường kiểm tra bản án, quyết định hình sự của Toà án, qua kiểm sát đã phát hành 231 kháng nghị phúc thẩm (tỷ lệ kháng nghị đã xét xử chấp nhận, trung bình hàng năm đạt tỷ lệ 92,43%, không tính các vụ án về ma túy, Tòa án áp dụng Công văn 234), 19 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng chiếm tỷ lệ thấp, trung bình khoảng 1,3%/năm....
Chú trọng xác định án trọng điểm Viện kiểm sát đã phối hợp với Cơ quan Điều tra và Toà án xác định 1.017 vụ án trọng điểm, tập trung giải quyết kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, góp phần trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân, đấu tranh chống tội phạm, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.
Tích cực vận động cán bộ, công chức đưa tin, viết bài tuyên truyền về các hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp; trong thời gian qua đã có 2.900 tin, bài của các Tổ viên, Cộng tác viên và công chức, nhân viên trong ngành được đăng tải trên các báo, tạp chí Đài phát thanh và truyền hình của Ngành và địa phương, Trang thông tin điện tử Viện KSND tỉnh.
Tổ tuyên truyền, trang Thông tin điện tử của đơn vị đã xây dựng Kế hoạch tuyên truyền về Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Viện KSND năm 2014; tuyên truyền 07 đạo luật mới về tư pháp (Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và Luật tổ chức CQĐT hình sự); tuyên truyền về thực hiện Nghị quyết số 37, Nghị quyết số 63, Nghị quyết 96, Nghị quyết số 111 của Quốc hội khóa 13; tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên trong Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; tuyên truyền về công tác Thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, án hành chính; tuyên truyền về thực hiện Nghị quyết của Đảng, công tác xây dựng ngành KSND gắn với cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” và việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, rèn luyện đức tính của người cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn”
Tuyên truyền thông qua việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của Viện KSND như: công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp trên 1.800 lượt công dân; phối hợp với Cơ quan Công an, Toà án tổ chức 1.581 phiên toà hình sự xét xử lưu động; 743 phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm (Có 04 phiên được truyền hình trực tuyến đến đơn vị hai cấp), 182 phiên tòa rút kinh nghiệm về án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động; qua công tác THQCT, kiểm sát việc xét xử tại phiên tòa KSV đã chú trọng lồng ghép có hiệu quả việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho những người tham gia tố tụng và người đến dự phiên toà, góp phần vào công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được sâu rộng, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho quần chúng nhân dân và để hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
VKS hai cấp tích cực tham gia cuộc thi tìm hiểu về Hiến pháp, thi Kiểm sát viên giỏi và đặc biệt là Tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu Luật tổ chức Viện KSND năm 2014 với hơn 200 bài dự thi, đã tổng kết vào trao giải cho 11 cá nhân, 05 tập thể; tổ chức “Kiểm tra kiến thức về Quy chế, Quy định nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân” với 177 bài dự thi, kết quả 100% đạt khá, giỏi; cuộc thi viết “Tìm hiểu Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Luật tố tụng hành chính năm 2015” với 177 bài dự thi... Từ những hoạt động này đã góp phần tuyên truyền về ngành được hiệu quả hơn. VKS tỉnh Hải Dương thường xuyên mời các phóng viên báo, đài ở địa phương tới dự và đưa tin tuyên truyền về các hoạt động của ngành Kiểm sát Hải Dương. Phối hợp với Đài truyền hình Hải Dương xây dựng phóng sự “Ngành kiểm sát Hải Dương - nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm sát theo tinh thần cải cách tư pháp”.
Năm 2015, Viện KSND tỉnh Hải Dương đã chọn, cử đội thi tuyên truyền Tổ chức Viện KSND năm 2014 và 55 năm truyền thống vẻ vang của ngành kiểm sát nhân dân tham gia cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên” do Viện KSND tối cao phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức đã giành giải Nhất toàn quốc, góp phần tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ công chức, nhân viên ngành KSND và đông đảo nhân dân cả nước.
Trang thông tin điện tử Viện KSND tỉnh đã được thành lập năm 2014 và đi vào hoạt động với đầy đủ các chuyên mục (trong đó có chuyên mục tuyên truyền về chủ trương cải cách tư pháp). Đến nay, trang tin điện tử tiếp tục hoạt động có hiệu quả, do đó công tác tuyên truyền của các đơn vị hai cấp có chuyển biến rõ rệt, số tin, bài tăng đáng kể, cả về số lượng và chất lượng (Năm 2014 là 196 tin, bài; năm 2015 là 416 tin, bài, tăng 220 tin, bài so với năm 2014; năm 2016 là 675 tin, bài tăng 259 tin, bài so với năm 2015; năm 2017 là 845 tin, bài tăng170 tin, bài so với năm 2016; năm 2018 là 818 tin, bài); đã có tổng số gần 04 triệu lượt truy cập, khai thác thông tin, trung bình 01 ngày có khoảng từ 200 đến 400 lượt truy cập.
Đơn vị đã ban hành Quy chế về tổ chức hoạt động của Tổ Tuyên truyền, Trang tin điện tử Viện KSND tỉnh… Các Quy chế, quy định thường xuyên được rà soát sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế từng giai đoạn; chú trọng kiện toàn về tổ chức và hoạt động các thành viên Tổ tuyên truyền, các tiểu ban và phân công cán bộ làm đầu mối phụ trách công tác tuyên truyền tại đơn vị hai cấp….
Công tác thông tin, tuyên truyền với vai trò là “cầu nối” đưa các chủ trương, nhiệm vụ, nội dung, kết quả cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp đi vào cuộc sống. Với những giải pháp, biện pháp đã thực hiện thời gian vừa qua của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương góp phần nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp, đã góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; tăng cường sự hiểu biết của toàn xã hội, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp. Hoạt động thông tin, tuyên truyền dưới các hình thức phong phú, nội dung sâu sắc, có tính thuyết phục, có sức lan tỏa rộng về các chủ trương, nhiệm vụ, nội dung, kết quả của cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp tới cán bộ, đảng viên các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể... trong xã hội. Công tác tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp góp phần đưa các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp cùng những hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, địa phương nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến với mọi tầng lớp nhân dân, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi pháp luật của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp….
Tuy nhiên, kết quả của công tác thông tin, tuyên truyền chưa tương xứng, chưa đủ mạnh để tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp. Hình thức tuyên truyền chưa thật sự phong phú, có lúc còn nghèo nàn và thiếu linh hoạt dẫn đến hiệu quả chưa cao. Tài liệu tuyên truyền ít, thông tin khô cứng, chưa gắn liền thực tiễn cuộc sống. Nội dung thông tin, tuyên truyền chưa bám sát các đối tượng phù hợp; thông tin tuyên truyền chậm, chưa đáp ứng nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chất lượng một số tin, bài còn hạn chế; số lượng bài viết sâu, có tính giám sát, phản biện còn ít...
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp, thời gian tới, ngành Kiểm sát Hải Dương cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường hơn công tác quán triệt, thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất về nhận thức trong việc thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân các tổ chức, tạo sự ủng hộ, tham gia tích cực của họ đối với quá trình cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp.
Hai là, hình thức, phương pháp thông tin tuyên truyền phải phù hợp, thiết thực với từng đối tượng; cần đa dạng hóa các loại hình; trong từng nội dung, từng thời điểm cần phải lựa chọn hình thức phù hợp, hiệu quả.
Ba là, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tích cực, chủ động của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tuyên truyền; tiếp tục đổi mới hoạt động của các Tổ tuyên truyền, công tác tuyên truyền; trong phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổ chức có hiệu quả các loại hình thông tin, tuyên truyền.
Bốn là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về cải cách tư pháp.
Năm là, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Viện, các đoàn thể cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, vật lực cho công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu kiến thức pháp luật và nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm…
Đức Dũng - VPTH |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.