Ngành kiểm sát Hải Dương 61 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ năm - 22/07/2021 04:49

Ngành kiểm sát Hải Dương 61 năm xây dựng và trưởng thành

Cách đây 61 năm, ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 20-LCT công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đánh dấu sự ra đời của ngành Kiểm sát nhân dân trong hệ thống bộ máy Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trải qua 61 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước và các tổ chức ở Trung ương và địa phương, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, ngành Kiểm sát tỉnh Hải Dương đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành về mọi mặt; góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân; cùng các ngành, các cấp đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. 

Ngay sau khi thành lập Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương, ngày 27/3/1961 Viện trưởng VKSND tối cao Hoàng Quốc Việt ký Quyết định bổ nhiệm ông Phạm Viết Bính - nguyên Viện trưởng Viện công tố tỉnh Hải Dương giữ chức vụ Viện trưởng VKSND tỉnh Hải Dương; ngày 28/3/1961 Phó Viện trưởng VKSND tối cao ký quyết định bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng VKSND cấp huyện[1].

Tháng 6/1961 Phó Viện trưởng VKSND tối cao ký quyết định bổ nhiệm ông Hà Văn Kiều - nguyên Bí thư Huyện uỷ huyện Gia Lộc giữ chức vụ Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hải Dương và bổ nhiệm 03 Kiểm sát viên VKSND tỉnh Hải Dương[2]. Biên chế của VKSND tỉnh Hải Dương (cả hai cấp) có 40 người, trong đó VKS tỉnh 16 người, VKS cấp huyện 24 người, chủ yếu chuyển từ Viện công tố và các cơ quan Công an, Tòa án, các đồng chí là cấp ủy viên huyện, cấp uỷ viên Đảng bộ, liên chi bộ cơ sở sang.  

Thực hiện chủ trương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ngành Kiểm sát và để đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cấp kiểm sát theo chức năng, nhiệm vụ được Hiến pháp quy định, trong các năm 1961 - 1962 các cấp ủy đảng (tỉnh, huyện) đã điều động một số đồng chí là Tỉnh uỷ viên, ủy viên Ban Thường vụ, cấp ủy viên cấp huyện sang công tác tại VKSND tỉnh và một số VKSND huyện, giữ các chức vụ: Viện trưởng, Phó Viện trưởng, ủy viên Uỷ ban kiểm sát, Kiểm sát viên tỉnh, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện. 

Thời kỳ này mới thành lập nên hết sức khó khăn, nhiều Viện kiểm sát cấp huyện không có Viện trưởng hoặc chỉ có Viện trưởng không có Kiểm sát viên; một số Viện kiểm sát cấp huyện chưa có trụ sở làm việc phải tạm nhờ trụ sở cơ quan khác, các điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện làm việc đều thiếu thốn. Toàn ngành chưa ai có trình độ Đại học, một số ít được đào tạo nghiệp vụ kiểm sát 6 tháng.  

Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III về thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là: xây dựng thành công CNXH ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất đất nước, ngành Kiểm sát Hải Dương đã hướng các hoạt động kiểm sát tập trung vào phục vụ công cuộc cải tạo và xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng và các loại tội phạm. Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền bắc, Hải Dương cũng là một trọng điểm bắn phá của không lực Hoa Kỳ, ngành Kiểm sát Hải Dương đã kịp thời chuyển hướng hoạt động sang phục vụ các yêu cầu của thời chiến trên cả hai mặt trận, với mục tiêu hàng đầu là giữ vững an ninh chính trị, xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa vững mạnh, kịp thời chi viện cho tiền tuyến.

Hoạt động kiểm sát trong thời kỳ này tập trung đấu tranh với các biểu hiện buông lỏng kỷ luật thời chiến, vi phạm các quyền dân chủ của nhân dân; phối hợp cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật đấu tranh chống các loại tội phạm an ninh quốc gia, tội phạm về kinh tế, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, các hành vi gây cản trở việc chi viện cho tiền tuyến và các hành vi xâm phạm chính sách hậu phương quân đội. Thực hiện việc chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và của Tỉnh uỷ, ngành Kiểm sát Hải Dương đã tập trung phục vụ cuộc vận động “ba y, ba chống” trong các cơ sở công nghiệp quốc doanh và cuộc vận động “cải tiến quản lý hợp tác xã”; phối hợp với các ngành Công an, Toà án giải quyết nhiều vụ án xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm nguy hiểm, trấn áp kịp thời, xử lý nghiêm khắc bọn chống phá cách mạng, điển hình là vụ “tiễu phỉ” ở huyện Chí Linh và huyện Đông Triều... 

Thực hiện Nghị quyết số 504/NQ-UBTVQH ngày 26/01/1968 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc hợp nhất tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng, tháng 3 năm 1968 VKSND tỉnh Hải Hưng được thành lập trên cơ sở hợp nhất giữa VKSND tỉnh Hải Dương với VKSND tỉnh Hưng Yên; về tổ chức VKSND tỉnh Hải Hưng có khối văn phòng VKSND tỉnh, gồm 04 bộ phận công tác: Bộ phận hình sự, Bộ phận dân sự, Bộ phận kiểm sát chung, Bộ phận văn phòng tổ chức và 22 VKSND cấp huyện. Biên chế toàn ngành có 97 cán bộ (Viện kiểm sát tỉnh có 39 người, Viện kiểm sát cấp huyện có 58 người), trong đó VKSND tỉnh có Viện trưởng và 05 Phó Viện trưởng, 05 ủy viên Uỷ ban kiểm sát, 05 Kiểm sát viên, 17 cán sự và nhân viên nghiệp vụ, 06 nhân viên hành chính và người phục vụ; Viện kiểm sát cấp huyện có 17 Viện trưởng (còn 05 đơn vị chưa có Viện trưởng), 15 Phó Viện trưởng, 22 Kiểm sát viên, 01 cán bộ và 03 nhân viên hành chính; trong số cán bộ của Ngành có 05 người là cán bộ miền Nam tập kết, 07 là nữ, 89 đảng viên (nguyên cấp ủy viên 16 người, cấp tỉnh 01 người, cấp huyện 15 người), mới có 02 người học lớp tư pháp 02 năm, chưa ai có trình độ cao đẳng, đại học. 

Năm 1975, đất nước ta được thống nhất, ngành Kiểm sát được tổ chức và hoạt động trên phạm vi cả nước. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, ngành Kiểm sát đổi mới và kiện toàn về tổ chức, cấp tỉnh thành lập các tổ nghiệp vụ tương ứng với từng khâu công tác. Thực hiện chỉ đạo của VKSNDTC, VKSND tỉnh Hải Hưng đã thành lập 08 tổ nghiệp vụ và 02 tổ văn phòng tổng hợp, tổ chức cán bộ. Về biên chế, tại thời điểm 1975 toàn ngành có 129 người, VKS tỉnh có 39 người, gồm: Viện trưởng và 03 Phó Viện trưởng, 02 ủy viên Uỷ ban kiểm sát, 09 Kiểm sát viên, 22 cán bộ nghiệp vụ, 02 nhân viên hành chính; cấp huyện có 90 người, gồm: 16 Viện trưởng, 19 Phó Viện trưởng, 32 Kiểm sát viên, 23 cán bộ và nhân viên phục vụ. Trong số biên chế toàn ngành có 17 nữ, 59 bộ đội chuyển ngành, 04 thanh niên xung phong; 112 đảng viên; độ tuổi từ 45 tuổi trở xuống 95 người, 38 người được học các lớp chính trị thuộc hệ thống trường Đảng tỉnh và huyện.

Ảnh: Đ/c Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND tối cao thăm Viện KSND tỉnh năm 2017

Thời gian này VKSND các tỉnh phía Nam mới được thành lập, lực lượng cán bộ thiếu. Thực hiện chỉ đạo của VKSNDTC, VKSND tỉnh Hải Hưng trong các năm từ 1975 đến 1985 đã cử 46 cán bộ, Kiểm sát viên vào tăng cường cho các VKSND các tỉnh phía Nam. Các cán bộ, Kiểm sát viên đi tăng cường đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều người được đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ chủ chốt của VKSND tỉnh và VKSND cấp huyện (01 người được bổ nhiệm Phó Viện trưởng VKSND tỉnh).

Trong giai đoạn này, toàn ngành Kiểm sát đã vận dụng đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong việc xoá bỏ giai cấp tư sản mại bản phản động, tham gia giải quyết các tệ nạn của xã hội cũ để lại nhằm giữ vững trật tự trị an, củng cố chính quyền cách mạng, tích cực phục vụ chủ trương, chính sách thống nhất tiền tệ, cải tạo công thương nghiệp tư bản tự doanh và thực hiện cách mạng quan hệ sản xuất ở nông thôn.

Thông qua các hoạt động kiểm sát, ngành Kiểm sát Hải Hưng đã phát hiện được nhiều vi phạm phổ biến ở một số lĩnh vực về quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, đã tổ chức được nhiều Hội nghị pháp chế, qua đó giúp các ngành có biện pháp phòng ngừa, khắc phục sơ hở, thiếu sót và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân, góp phần ngăn chặn vi phạm và tội phạm. Nhằm làm tốt công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm, thực hiện chủ trương của VKSNDTC về việc xây dựng “Điểm tiên tiến tuân theo pháp luật” để nhận ra các điểm khác, ngành Kiểm sát Hải Hưng đã chọn: xã Long Hưng, huyện Mỹ Văn và xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ để xây dựng điểm tiên tiến tuân theo pháp luật. Các điểm được xây dựng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức pháp luật và đã làm tốt việc phòng chống vi phạm, tội phạm. Sau khi làm điểm thành công được cấp ủy Đảng và chính quyền đánh giá cao, đã chỉ đạo các đơn vị đến học tập để nhân rộng mô hình điểm ra toàn tỉnh.

Thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 1981 và để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, VKSNDTC chỉ đạo các VKSND tỉnh thành lập các phòng nghiệp vụ trên cơ sở các tổ nghiệp vụ và tăng biên chế cho các đơn vị. Đầu năm 1982, VKSND tỉnh Hải Hưng đã thành lập 09 đơn vị gồm: 07 phòng nghiệp vụ, phòng tổ chức cán bộ và văn phòng tổng hợp. Về biên chế ngành Kiểm sát Hải Hưng được giao chỉ tiêu 167 người (VKSND tỉnh 64 người, VKSND cấp huyện 103 người). 

Năm 1986, thực hiện quan điểm đổi mới theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, ngành Kiểm sát có sự chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động. Về tổ chức, ngành Kiểm sát Hải Hưng đã kiện toàn đủ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, bổ nhiệm cán bộ quản lý cấp phòng và lãnh đạo VKSND cấp huyện, đồng thời bổ sung đủ biên chế được VKSNDTC giao: Về biên chế có 179 người, cấp tỉnh 69 người, gồm: Viện trưởng và 02 Phó Viện trưởng, 07 Trưởng phòng, 05 Phó Trưởng phòng, 22 Kiểm sát viên trung cấp, 16 Kiểm sát viên sơ cấp, 07 cán bộ nghiệp vụ, 09 nhân viên hành chính và công nhân kỹ thuật; cấp huyện 110 người gồm: 12 Viện trưởng, 20 Phó Viện trưởng, 45 Kiểm sát viên sơ cấp, 33 cán bộ nghiệp vụ. Trong tổng số biên chế có 138 đảng viên, 38 nữ, bộ đội chuyển ngành 111; về trình độ chuyên môn có 04 đại học, 46 trung cấp kiểm sát và pháp lý, 90 học các lớp nghiệp vụ kiểm sát ngắn hạn; về trình độ chính trị có 01 cao cấp, 46 trung cấp; số cán bộ có thâm niên trong Ngành từ 04 năm trở lên có 151 người. 

Thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 1992, quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, ngành Kiểm sát tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức và được tăng cường lực lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; Viện KSND tỉnh Hải Hưng thành lập thêm phòng Kiểm sát thi hành án và phòng Điều tra hình sự; biên chế được giao là 190 người. Để tăng cường và nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả công tác, Viện trưởng VKSNDTC bổ nhiệm đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh và đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tỉnh phụ trách công tác kiểm sát chung (KSTTPL) là Kiểm sát viên cao cấp, 12 Viện trưởng VKSND cấp huyện và 2 Phó Viện trưởng cấp huyện là Kiểm sát viên trung cấp.  

Ở cấp tỉnh có 64 biên chế gồm: Viện trưởng và 02 Phó Viện trưởng, 09 Trưởng phòng, 02 Phó Trưởng phòng, 23 Kiểm sát viên trung cấp, 16 Kiểm sát viên sơ cấp, 05 cán bộ nghiệp vụ, 04 nhân viên hành chính, 02 công nhân kỹ thuật; cấp huyện có 126 biên chế, gồm: 12 Viện trưởng và 13 Phó Viện trưởng, 86 Kiểm sát viên sơ cấp, 15 cán bộ nghiệp vụ. Trong tổng số biên chế có 143 đảng viên, 53 nữ, 127 bộ đội chuyên ngành; trình độ về chuyên môn của cán bộ trong giai đoạn này được nâng lên, có 75 đại học (trong đó đại học pháp lý 40), 90 cao đẳng kiểm sát. Số cán bộ lãnh đạo của VKSND hai cấp tham gia Cấp ủy nhiều hơn (Viện trưởng VKSND tỉnh là Tỉnh ủy viên, hầu hết các Viện trưởng huyện là Huyện uỷ viên). Các công tác nghiệp vụ trong giai đoạn từ 1981 - 1996 có sự đổi mới phương thức nên có kết quả cao trên các lĩnh vực hoạt động.  

Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội luôn luôn bám sát Nghị quyết của Đảng, những chủ trương lớn của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo kế hoạch thống nhất trên phạm vi cả nước, tập trung kiểm sát những ngành kinh tế trọng điểm có nhiều vi phạm pháp luật. Qua công tác kiểm sát đã phát hiện nhiều vi phạm mang tính phổ biến và những sơ hở, thiếu sót về cơ chế quản lý ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, điển hình như: Ngân hàng, lương thực, xây dựng, thương nghiệp... đã kháng nghị, kiến nghị với các ngành và đơn vị được kiểm sát có biện pháp khắc phục vi phạm và yêu cầu thu hồi cho Nhà nước hàng tỷ đồng; yêu cầu khởi tố nhiều vụ án hình sự, điển hình là các vụ cố ý làm trái ở Chi cục Dự trữ Quốc gia của tỉnh, các vụ lừa đảo trong lĩnh vực bán phân đạm, máy kéo trong Hợp tác xã Nông nghiệp...; yêu cầu xử lý nghiêm minh những người vi phạm pháp luật nhằm khôi phục trật tự pháp luật trên các lĩnh vực được kiểm sát.  

Hai cấp Kiểm sát đã tổng hợp vi phạm và phát hành nhiều kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường quản lý, khắc phục những sơ hở, thiếu sót góp phần chấn chỉnh công tác quản lý trong lĩnh vực kinh tế phục vụ cho việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Công tác kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật đã kết hợp chặt chẽ với kiểm sát hành vi nên phát hiện được nhiều văn bản có vi phạm, Viện kiểm sát đã kháng nghị, kiến nghị khắc phục hàng trăm văn bản có vi phạm, trong đó có cả văn bản của UBND tỉnh và các Sở, ngành của tỉnh; Viện kiểm sát đã tổng hợp, kiến nghị với chính quyền mở nhiều Hội nghị rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Công tác Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử được ngành Kiểm sát Hải Hưng tập trung thực hiện, hai cấp Kiểm sát đã quán triệt các quan điểm của Đảng và Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm, tăng cường phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật ở tỉnh, phát hiện và xử lý nghiêm minh các loại tội phạm. Đã tập trung lực lượng điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án lớn, án nghiêm trọng về an ninh quốc gia, tham nhũng, buôn lậu, tệ nạn xã hội và một số tội phạm nghiêm trọng khác. Đồng thời trong những năm này, Viện kiểm sát hai cấp đã tự khởi tố, điều tra và đưa ra xử lý nhiều vụ án lớn, như vụ tham ô ở Công ty Ong Hưng Yên, vụ tham ô ở Hợp tác xã Nông nghiệp Nguyên Giáp - Tứ Kỳ..., có tác dụng giáo dục, phòng ngừa tốt, được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo các quyền dân chủ của công dân.

Công tác kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam và quản lý, giáo dục người thi hành án tại các nơi giam, giữ, cải tạo được tăng cường góp phần hạn chế các vi phạm trong lĩnh vực này.

Ảnh: Đ/c Lê Minh Trí, Ủy viên TW Đảng, Viện trưởng Viện KSND tối cao và Đ/c Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương chụp ảnh lưu niệm cũng lãnh đạo VKS tỉnh Hải Dương năm 2019

Công tác kiểm sát thi hành án, kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; kiểm sát giải quyết khiếu nại tố cáo được coi trọng và từng bước được nâng cao chất lượng, hai cấp Kiểm sát đã phát hiện nhiều vi phạm của các cơ quan, đơn vị trong các lĩnh vực công tác này; đã phát hành nhiều kháng nghị nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của Nhà nước, đơn vị và công dân, đồng thời ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu các cơ quan, đơn vị khắc phục, sửa chữa các vị phạm. 

Phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và đường lối đổi mới lĩnh vực kinh tế của Đảng đối với nông nghiệp - nông thôn, Viện kiểm sát cấp tỉnh và huyện đã phối hợp chặt chẽ với các ngành tham mưu với cấp uỷ, chính quyền giải quyết các điểm có khiếu nại phức tạp về tranh chấp đất đai, gây rối trật tự công cộng, đền bù giải phóng mặt bằng, như: Tân Việt - huyện Cẩm Bình, Thái Sơn - huyện Kim Môn, Thanh Sơn - huyện Nam Thanh, Đông Xuyên - huyện Ninh Giang, Xuân Trúc - Kim Thi,... Đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp giải quyết kịp thời, nghiêm minh các vụ án xảy ra ở các địa bàn có phức tạp về khiếu kiện, góp phần giữ gìn an ninh nông thôn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa. 

Giai đoạn 1997-2010: Thực hiện nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị số 875/CT-TTg ngày 15/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ về tái lập lại tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên, tháng 12/1996, VKSND tỉnh Hải Dương được tái lập và tháng 4/1997 mười hai VKSND huyện, thị xã được tái lập, đi vào hoạt động. Biên chế ngành Kiểm sát Hải Dương có 145 người, trong đó 131 người có trình độ Đại học, Cao đẳng kiểm sát. 

Đây là giai đoạn triển khai thực hiện các nhiệm vụ về cải cách tư pháp theo Chỉ thị số 53-CT/TW ngày 21/3/2000 của Bộ Chính trị về một số công việc cấp bách của các cơ quan tư pháp thực hiện năm 2000, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Năm 2002, đánh dấu một bước điều chỉnh quan trọng về chức năng, nhiệm vụ của VKSND theo yêu cầu của cải cách tư pháp; Hiến pháp năm 1992 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung, theo đó: "...Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật...". Viện kiểm sát không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế; có sự thu hẹp một số quyền trong tố tụng dân sự, tổ chức cơ quan điều tra; thực hiện tăng thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử đối với cấp huyện.   

Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Viện tỉnh và các đơn vị hai cấp tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ về cải cách tư pháp theo kế hoạch, chương trình của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp của VKSND tối cao, của Tỉnh ủy, trong đó tập trung các biện pháp, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; công tác xây dựng đội ngũ công chức và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác. Trong công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan nắm, quản lý tình hình tội phạm, kiểm sát chặt chẽ việc phân loại, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra ngay từ đầu và trong suốt quá trình điều tra; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa; hằng năm đã phối hợp giải quyết hàng nghìn vụ án hình sự, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, cơ bản không để xảy ra oan, sai nghiêm trọng; phối hợp xác định hàng nghìn vụ án trọng điểm, tổ chức xét xử hàng nghìn phiên tòa lưu động, góp phần giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân; phối hợp giải quyết ổn định tình hình tại điểm có khiếu kiện phức tạp (xã Minh Hòa, Kinh Môn). Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đã từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát hiện và ban hành hang trăm kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm trong hoạt động tư pháp và kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật, thể hiện rõ vai trò của Viện kiểm sát trong bảo vệ pháp chế, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Công tác xây dựng Ngành luôn được coi trọng để đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp. Từ năm 2002 đến 2010 đã tuyển dụng 49 cán bộ (cán bộ nghiệp vụ kiểm sát 35 người, cán bộ nghiệp vụ khác 14 người), toàn ngành có 173 cán bộ; bổ nhiệm mới và bổ nhiệm lại đối với 99 người giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, bổ nhiệm mới 15 Kiểm sát viên và 14 Kiểm tra viên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được tăng cường, 100% Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong độ tuổi được đào tạo, bồi dưỡng theo chuẩn các chức danh vị trí việc làm (Bằng cử nhân luật, chứng chỉ về nghiệp vụ kiểm sát, tin học).

Ảnh:  Đ/c Lê Minh Trí, Ủy viên TW Đảng, Viện trưởng Viện KSND tối cao và Đ/c Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương nói chuyện thân mật tại VKSND tỉnh năm 2019

Công tác quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ quy hoạch ở hai cấp được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện và các tổ chức Đảng, đoàn thể, chính quyền quan tâm thực hiện; cán bộ trong quy hoạch đều được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn cán bộ theo yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và cải cách tư pháp, đáp ứng nhu cầu bổ sung đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Ngành (từ năm 1989 đến 2010 không có cán bộ lãnh đạo, quản lý của Ngành được điều động, bổ nhiệm từ ngành khác đến). Viện trưởng VKSND tỉnh và nhiều Viện trưởng VKSND cấp huyện tham gia các cấp uỷ tại các nhiệm kỳ Đại hội Đảng (2000 - 2005 và 2005 - 2010). 

Về cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường, hầu hết các đơn vị trong toàn Ngành được đầu tư xây dựng trụ sở mới. Trang thiết bị, phương tiện làm việc ngày được trang bị đầy đủ hơn, đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Ngành. 

Giai đoạn 2011-2020: Triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp theo các Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức VKSND năm 2014 đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy VKSND. Theo đó, tiếp tục khẳng định "Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp", "Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất" (Điều 107 Hiến pháp 2013).

Giai đoạn này, cũng là giai đoạn hệ thống các đạo luật về tư pháp tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ, thể hiện rõ các nguyên tắc bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 (như Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật Dân sự, Luật Tố tụng hành chính; Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Thi hành việc tạm giữ, tạm giam, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, …); là giai đoạn mà Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ban hành nhiều Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án (Nghị quyết số 37/2012/QH13, số 63/2013/QH13, số 111/2015/QH14, số 96/2019/QH14), trong đó đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đối với các cơ quan tư pháp, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân.

Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, Viện kiểm sát hai cấp đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; phối hợp xây dựng, ban hành quy chế phối hợp công tác giữa Viện kiểm sát với các cơ quan hữu quan, nhất là các cơ quan tư pháp[1] đảm bảo việc quản lý tình hình tội phạm và vi phạm được kịp thời; kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết nguồn tin tội phạm; nâng cao chất lượng yêu cầu điều tra; bám sát tiến độ điều tra; kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra ngay từ đầu và trong suốt quá trình điều tra; phối hợp tổ chức hàng nghìn phiên tòa xét xử án hình sự để học tập, rút kinh nghiệm, triển khai việc số hóa hồ sơ, trình chiếu chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa, qua đó nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa; hằng năm đã phối hợp giải quyết hàng nghìn vụ án hình sự, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai nghiêm trọng và bỏ lọt tội phạm; các hoạt động tố tụng đã bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phối hợp xác định hàng nghìn vụ án trọng điểm, tổ chức xét xử hàng nghìn phiên tòa lưu động, góp phần giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đã từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hằng năm, phát hiện và ban hành hang trăm kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm trong hoạt động tư pháp và kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật; Viện kiểm sát hai cấp đã chủ động phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết ổn định tình hình tại các điểm nóng (vụ án Chống người thi hành công vụ, Gây rối trật tự công cộng xảy ra ở xã Ứng Hòe, huyện Ninh Giang; các vụ khiếu kiện xã Lương Điền, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng; xã Lai Vu, huyện Kim Thành; xã Duy Tân, TX Kinh Môn….), hoạt động kiểm sát thể hiện rõ vai trò của Viện kiểm sát trong bảo vệ pháp chế, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền công dân, các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ do Quốc hội giao đều hoàn thành, nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt mức (tỷ lệ giải quyết tin báo trung bình đạt 98% (vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao 8%), tỷ lệ án giải quyết án giai đoạn truy tố trung bình đạt 99,3% (vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao 4,3%), án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng chiếm tỷ lệ thấp (dưới 2%, chỉ tiêu của Ngành là dưới 5%), xác định án trọng điểm trung bình hàng năm đạt 13,5% (vượt chỉ tiêu của Ngành là 5,5%), ban hành hơn 7 nghìn kiến nghị, yêu cầu trên các lĩnh vực, trong đó có gần 200 kiến nghị phòng ngừa vi phạm và tội phạm;… Kết quả công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Công tác xây dựng Ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực, các đơn vị VKS hai cấp đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh; kỷ cương và trách nhiệm”; thực hiện hiệu quả các phương châm Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở", "Đoàn kết, đổi mới – trách nhiệm, kỳ cương – Thực chất, hiệu quả".

Về tổ chức bộ máy: năm 2011, thành lập Phòng kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, lao động, kinh doanh thương mại (Phòng 10) tại Viện kiểm sát tỉnh; năm 2014 thành lập Tổ Thanh tra trực thuộc Phòng Tổ chức cán bộ; năm 2017 thành lập đơn vị Thanh tra Viện KSND tỉnh Hải Dương; năm 2020 thực hiện việc sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy VKSND tỉnh giảm từ 12 đơn vị cấp phòng xuống còn 9 đơn vị (nhập Phòng kiểm sát thi hành án dân sự vào Phòng kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; nhập Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin vào Văn phòng tổng hợp và nhập Thanh tra vào Phòng kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp).   

Công tác cán bộ đã triển khai nhiều biện pháp để nâng chất đội ngũ công chức về trình độ chuyên môn, kỹ năng, ý thức trách nhiệm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, như tổ chức thi tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi, thi viết xây dựng bản Cáo trạng, thi viết xây dựng bản Luận tội, tìm hiểu Luật tổ chức Viện KSND năm 2014; tìm hiểu “Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; tìm hiểu Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính năm 2015; thi đánh giá kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin; cuộc thi viết Bài phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp dân sự, hành chính.... cử đội thi tham gia và đạt giải nhất toàn quốc cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên” do VKSND tối cao tổ chức. Phối hợp với cơ sở đào tạo trong và ngoài ngành tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tại địa phương. Việc tuyển chọn, bổ nhiệm các chức danh Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thông qua hình thức thi tuyển và kiểm tra đánh giá năng lực.  

Toàn ngành hiện nay có 173 công chức nghiệp vụ kiểm sát, về trình độ chuyên môn có: 01 Tiến sĩ Luật (0,57%), 33 Thạc sỹ Luật (19,08%), 139 Cử nhân Luật (80,35%), 100% Kiểm sát viên, Kiểm tra viên đã được đào tạo nghiệp vụ kiểm sát; về trình độ lý luận chính trị có 37 người có trình độ cao cấp (21,38%), 99 người có trình độ trung cấp (57,22%); về quản lý Nhà nước: 02 người được bồi dưỡng chương trình chuyên viên cao cấp (1,15%), 75 người được bồi dưỡng chương trình chuyên viên chính (43,35%); cơ bản cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, cấp phòng được bồi dưỡng kiến thức an ninh - quốc phòng (đối tượng 3) và bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng.

Công tác quy hoạch cán bộ, luân chuyển, đào tạo bồi dưỡng cán bộ quy hoạch được quan tâm thực hiện, đảm bảo đúng các quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành, đã chủ động tạo nguồn trong việc bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý các đơn vị VKSND hai cấp, gắn với việc giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy địa phương, 01 đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tỉnh tham gia BCH Đảng bộ tỉnh, 100% (12/12) Viện trưởng cấp huyện tham gia cấp ủy địa phương nhiệm kỳ 2021-2025.

Ảnh: Thừa ủy quyền của Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao trao Huân chương Lao động Hạng Nhì cho Viện KSND tỉnh, năm 2020

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác ở đơn vị hai cấp được tăng cường, đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trụ sở làm việc của VKSND tỉnh, trụ sở làm việc VKS huyện Gia Lộc, VKS TP Chí Linh; triển khai sửa chữa, bảo trì trụ sở các đơn vị VKS cấp huyện; mua sắm trang thiết bị cho đơn vị hai cấp đảm bảo phục vụ tốt cho công tác.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, Viện KSND tỉnh đã đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ hiệu quả công tác chuyên môn nghiệp vụ, công chức của Ngành Kiểm sát Hải Dương đã xây dựng một số phần mềm mang tính ứng dụng cao (phần mềm quản lý hồ sơ lưu trữ; quản lý đơn và tiếp công dân; theo dõi thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố)…

Công tác tuyên truyền trong giai đoạn này tiếp tục được chú trọng và có nhiều khởi sắc; đã xây dựng và đưa vào hoạt động Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương từ năm 2013. Hàng năm có khoảng trên 500 tin, bài được đăng tải trên trang tin điện tử và hàng trăm tin, bài tuyên truyền được đăng tải trên Báo bảo vệ pháp luật, Tạp chí kiểm sát, Trang tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương, Báo Hải Dương và cổng thông tin điện tử của các địa phương trong tỉnh.

Công tác thi đua khen thưởng có nhiều đổi mới; xây dựng Quy chế chia cụm và khối thi đua giữa các đơn vị trực thuộc Viện KSND tỉnh; xây dựng bảng tiêu chí chấm điểm thi đua cho từng đơn vị trên cơ sở hệ thống hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ngành; hàng năm thực hiện việc phát động và ký kết giao ước thi đua; xây dựng và triển khai hiệu quả Quy chế xét, công nhận sáng kiến để làm căn cứ công nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở. Công tác thi đua ngày càng đi vào thực chất, khách quan, đề xuất thi đua chính xác, khoa học do đó tạo được khí thế thi đua sôi nổi giữa các đơn vị trong khối thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ngành. 

Với những thành tích qua 61 năm xây dựng và phát triển, ngành Kiểm sát tỉnh Hải Dương vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 14 Huân chương Lao động (trong đó có 2 Huân chương Lao động hạng Nhất, 5 Huân chương Lao động hạng Nhì, 7 Huân chương Lao động hạng Ba); 07 đơn vị được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Viện KSND tỉnh nhiều năm được tặng Cờ thi đua xuất sắc (từ năm 2002 đến nay VKSND tỉnh đều được tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen của VKSNDTC); có 281 lượt đơn vị phòng nghiệp vụ và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện được công nhân là “Tập thể lao động xã hội chủ nghĩa” “Tập thể lao động xuất sắc”, nhiều Viện kiểm sát cấp huyện, phòng thuộc Viện kiểm sát cấp tỉnh được tặng Cờ thi đua dẫn đầu khối; 01 đồng chí được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, 02 đồng chí được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, 02 đồng chí được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, 03 đồng chí được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 06 đồng chí được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 01 đồng chí được công nhận là Chiến sỹ thi đua toàn quốc, 23 đồng chí được công nhận là Chiến sỹ thi đua Ngành, 481 lượt cán bộ, công chức được công nhận là Chiến sỹ thi đua cơ sở, 236 đồng chí được tặng thưởng Huy chương và Kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa (nay là Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Kiểm sát).  

Đạt được những kết quả đó trước hết là do có sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Uỷ ban nhân dân, sự quan tâm, ủng hộ của của các cấp, các đoàn thể và nhân dân tỉnh nhà cùng với sự nỗ lực rèn luyện, phấn đấu của các thế hệ cán bộ, công chức, nhân viên ngành Kiểm sát tỉnh Hải Dương trong 61 năm qua.

Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong giai đoạn mới, ngành Kiểm sát Hải Dương tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần đảm bảo pháp chế trong lĩnh vực tư pháp, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ của Ngành có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có dũng khí bảo vệ pháp chế, có tinh thần trách nhiệm và chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, khu vực; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các đơn vị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác của Ngành./.


[1] Đã phối hợp ban hành Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân tỉnh với Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Thanh tra tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh…


[1] Gồm Viện trưởng VKSND các huyện: Ninh Giang, Kim Thành, Thanh Hà, Nam Sách, Kinh Môn, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Bình Giang, Chí Linh và Đông Triều (khi đó thuộc Hải Dương), 06 Kiểm sát viên cấp huyện của các VKSND huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Chí Linh, Bình Giang, Thanh Hà.

[2] Các ông Đoàn Văn Tự, Nguyễn Đức Kình và bà Lã Thị Kim Đào.

                                                                                       Văn phòng tổng hợp
VKSND tỉnh Hải Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây