- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Trải qua 61 năm hình thành và phát triển, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, các ngành cùng sự ủng hộ của nhân dân, ngành Kiểm sát nhân dân đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đạt được những thành tích đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.
Hướng tới kỷ niệm 61 năm ngày thành lập ngành kiểm sát nhân dân, chúng ta cần ôn lại truyền thống của ngành Kiểm sát qua các thời kỳ để từ đó thấy được công lao to lớn của các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, xây dựng nên cơ nghiệp của ngành Kiểm sát nhân dân như hôm nay.
Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Hoàng Quốc Việt chụp ảnh lưu niệm với
đoàn đại biểu VKSND Trung Quốc, nguồn: internet
Lịch sử hình thành và phát triển của Ngành kiểm sát nhân dân gắn liền với quá trình phát triển của Nhà nước và cách mạng Việt Nam:
I. Viện công tố - tiền thân của Viện kiểm sát nhân dân
Ở nước ta, từ năm 1945 đã bắt đầu hình thành cơ quan công tố. Trong Hiến pháp 1946, vẫn chưa có chế định Viện công tố. Quan niệm của chúng ta lúc bấy giờ được thể hiện trong Chương VI của Hiến pháp 1946 với các điều từ Điều 63 đến Điều 69 quy định về các cơ quan tư pháp, trong đó nói rõ các cơ quan tư pháp chỉ có Tòa án tối cao, các Tòa án phúc thẩm, các Tòa đệ nhị cấp và không nói đến Viện công tố. Sau đó, một loạt các sắc lệnh của Chính phủ được ban hành như Sắc lệnh 24, Sắc lệnh 13 ngày 24-1-1946, Sắc lệnh 51 ngày 17-4-1946, Sắc lệnh 131 ngày 20-7-1946 thì cơ quan công tố nằm trong hệ thống tổ chức của Tòa án. Hệ thống này do Bộ Tư pháp quản lý.
Hệ thống Tòa án được tổ chức ở ba cấp: sơ cấp ở cấp quận và huyện; đệ nhị cấp ở cấp tỉnh, thành phố; tòa thượng thẩm ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ:
+ Ở tòa án sơ cấp: Thẩm phán làm nhiệm vụ xét xử và công tố;
+ Trong tòa đệ nhị cấp: Thẩm phán được chia ra làm hai loại chức vị: thẩm phán xử án và thẩm phán buộc tội (thẩm phán công tố viện);
+ Tòa thượng thẩm có công tố viện, do chưởng lý đứng đầu gồm các viên chức làm công tác công tố chuyên trách. Đến đây công tố viện được hình thành. Nhìn từ góc độ cơ cấu của một tổ chức độc lập, dưới sự quản lý, điều hành của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ngay từ ban đầu chúng ta thấy cơ quan thực hiện công tố chịu sự quản lý, điều hành của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp không có quyền trực tiếp làm nhiệm vụ công tố.
Đối với chưởng lý, tức là người đứng đầu cơ quan công tố, ngoài quyền phát ngôn ở phiên tòa hộ và hình ở tòa thượng thẩm còn phải trông nom việc thi hành các đạo luật, sắc lệnh và các quy tắc hiện hành, đồng thời có nhiệm vụ phải đốc thúc việc chấp hành án văn khi có những khoản liên quan đến trật tự chung, trông nom, giữ gìn trật tự các tòa án và hành động của tất cả các nhân viên ban tư pháp cảnh sát kỳ. Về bên hộ, tức là bên dân sự, dưới sự điều khiển của chưởng lý, các thẩm phán trong công tố viện có quyền làm chánh tố trong những trường hợp do luật lệ định trước. Như vậy, ngay từ lúc ban đầu mới được hình thành, mặc dù chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cách tổ chức hệ thống cơ quan tư pháp của Pháp (mà đến nay chúng ta vẫn chịu ảnh hưởng), cơ quan công tố đã thể hiện xu hướng độc lập cả về tổ chức bộ máy và hoạt động. Mặc dù nằm trong cơ cấu Tòa án, nhưng Chánh án không có quyền điều khiển và kiểm soát các công tố viên.
Năm 1950, theo Sắc lệnh 85 ngày 22-6-1950, Thông tư 21 ngày 7-6-1950 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên bộ 18 ngày 8-6-1950 của Bộ Kinh tế và Bộ Tư pháp, cùng với việc thành lập hệ thống Tòa án nhân dân các cấp, cuộc cải cách tư pháp năm 1950 đã làm thay đổi đáng kể tổ chức và hoạt động của cơ quan công tố:
+ Về mặt tổ chức: Ủy ban kháng chiến các cấp điều khiển công tố Viện trong địa hạt của mình, Ủy ban kháng chiến hành chính có thể ra mệnh lệnh cho ngành công tố, đại diện ngành công tố phải tuân theo mệnh lệnh của Ủy ban, mệnh lệnh của Ủy ban có thể là mệnh lệnh chung về đường lối công tố trong thời gian nhất định, cũng có thể là mệnh lệnh riêng trừ tòa án binh có hệ thống riêng, không liên quan.
+ Về mặt thẩm quyền: Theo Sắc lệnh 85 ngày 22-6-1950, công tố Viện không chỉ có quyền kháng cáo về mặt hình sự mà còn có quyền kháng cáo cả về mặt dân sự, đây là sự mở rộng đáng kể thẩm quyền của cơ quan công tố, thể hiện sự thay đổi quan niệm truyền thống, cho rằng những việc dân sự chỉ là những việc mang tính tư nhân, xã hội không can thiệp đến.
Như vậy, để phù hợp với điều kiện lịch sử khách quan của nước ta lúc này, nội dung chủ yếu của cải cách tư pháp lần 2 là thể hiện mạnh mẽ vai trò chỉ đạo của các cơ quan hành chính đối với các cơ quan tư pháp, thể hiện sự mở rộng, tăng cường tính nhân dân trong hoạt động này. Qua đó, cho thấy xu thế tăng cường quyền lực nhà nước chung vào các cơ quan hành chính, rất thích ứng và phát huy hiệu quả trong điều kiện nước ta lúc bấy giờ.
Ngày 29/4/1958, tại kỳ họp thứ VIII, Quốc Hội khóa I, Quốc hội đã thảo luận đề án của Chính phủ: Thành lập Tòa án tối cao và hệ thống Tòa án, Viện công tố trung ương và hệ thống Viện công tố. Cả hai cơ quan tách khỏi Bộ Tư pháp. Tòa án tối cao và Viện công tố trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn ngang Bộ và trực thuộc Chính phủ. Đồng chí Bùi Lắm, Vụ trưởng vụ hành chính tư pháp của Bộ Tư pháp cử sang làm Viện trưởng Viện công tố trung ương. Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Chánh Văn phòng Bộ Công an được cử sang làm Phó Viện trưởng viện công tố trung ương.
Năm 1959, trên cơ sở Nghị định 256 ngày 1-7-1959, Nghị định 321 ngày 2-7-1959 của Chính phủ, Viện công tố với tư cách là một hệ thống cơ quan nhà nước độc lập, có tổ chức từ Trung ương đến địa phương, hệ thống cơ quan công tố được tách ra khỏi Bộ Tư pháp, bao gồm:
- Viện công tố Trung ương đặt trực thuộc Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm, quyền hạn ngang hàng với một bộ.
- Viện công tố phúc thẩm đặt tại Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, khu tự trị Việt Bắc, khu tự trị Thái Mèo.
- Viện công tố thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Viện công tố khu Hồng Quảng, Viện công tố tỉnh và khu vực Vĩnh Linh.
- Huyện và các đơn vị tương đương cấp huyện, có một công tố ủy viên phụ trách và cán bộ giúp việc.
II. Tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân qua các thời kỳ
1. Giai đoạn 1946 đến 1959
Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hoà bình được lập lại ở Đông Dương trên cơ sở công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của nước ta. Trong giai đoạn này, cách mạng nước ta bước vào giai đoạn xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm hậu phương cho đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhu cầu của cuộc cách mạng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi pháp luật phải được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, đòi hỏi một sự nhất trí về mục đích và hành động trong nhân dân, giữa nhân dân và Nhà nước cũng như giữa các ngành hoạt động Nhà nước với nhau. Nếu không đạt được sự thống nhất trong việc chấp hành pháp luật thì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì lẽ trên phải tổ chức ra Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát việc tuân theo pháp luật nhằm giữ vững pháp chế Chủ nghĩa xã hội, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn bức thiết đang đặt ra lúc bấy giờ, Hiến pháp năm 1959 đã lần đầu tiên ghi nhận chế định Viện kiểm sát nhân dân, trong đó xác định vị trí, chức năng và các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của hệ thống Viện kiểm sát nhân dân. Theo Điều 105 Hiến pháp năm 1959, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân. Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương và Viện kiểm sát quân sự có quyền trong phạm vi do luật định.
Trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, tháng 7 năm 1960, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa II đã thông qua Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân gồm 06 Chương, 25 Điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân và đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố ngày 26/7/1960. Đây là các đạo luật quan trọng, đánh dấu sự ra đời của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước ta. Ngày 26/7 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân và nay đã được Quốc hội ghi nhận tại Điều 11 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.
2. Giai đoạn 1960 – 1975
Sau khi được thành lập, ngành Kiểm sát nhân dân vừa phải lo xây dựng hệ thống tổ chức, vừa triển khai hoạt động phục vụ các nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước đề ra. Với phương châm: “vừa chiến đấu vừa xây dựng”, ngành Kiểm sát đã coi trọng việc khai thác và vận dụng những kinh nghiệm của Viện công tố trước đây, tham khảo kinh nghiệm các nước xã hội chủ nghĩa anh em, từng bước xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy để triển khai nhiệm vụ và bồi dưỡng đào tạo đội ngũ cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân.
Quán triệt nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III và Nghị quyết 68/NQ-TW ngày 1/2/1963 của Bộ Chính trị về công tác kiểm sát, được sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp uỷ Đảng, Viện kiểm sát các cấp đã tích cực thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình nhằm phục vụ các mục tiêu: bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ năm 1965 đến năm 1972, miền Bắc phải trực tiếp đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa phải ra sức chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, làm tròn nghĩa vụ hậu phương lớn của cả nước. Trước tình hình, nhiệm vụ mới, ngành Kiểm sát đã kịp thời tập trung phục vụ các yêu cầu của thời chiến trên cả 2 mặt trận sản xuất và chiến đấu, nhằm bảo đảm sức chiến đấu của quân đội và đời sống của nhân dân. Quán triệt quan điểm: khẩn trương, linh hoạt, gọn nhẹ trong tổ chức và hoạt động, bảo đảm phát huy hiệu quả hoạt động của ngành trong tình hình mới.
Năm 1971 ngành Kiểm sát đã tiến hành tổng kết 10 năm hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân. Trong thời kỳ này, ngành Kiểm sát cũng liên tiếp tổ chức các hội nghị chuyên đề về từng khâu nghiệp vụ, về đấu tranh chống từng loại tội phạm, tổng kết công tác kiểm sát phục vụ chính sách dân tộc của Đảng, tổ chức rút kinh nghiệm về một số biện pháp nghiệp vụ thể hiện phương châm vừa chống vừa xây, lấy xây làm mục đích. Đã tích cực chủ động mở Trường đào tạo cán bộ kiểm sát theo hệ chính quy, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ trong ngành về kiến thức pháp lý và nghiệp vụ công tác kiểm sát, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ cho ngành.
Để chuẩn bị cho việc giải phóng miền Nam, vào cuối năm 1972, Ban công tác miền Nam thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao được thành lập, với nhiệm vụ xây dựng đề án về tổ chức cán bộ, về phương thức hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân ở miền Nam và cử một số cán bộ đi vào miền Nam công tác. Viện kiểm sát tối cao đã cùng với hai ngành Toà án và Công an thống nhất chủ trương xây dựng đường lối công tác tư pháp ở vùng mới giải phóng và đào tạo đội ngũ cán bộ cho miền Nam.
Năm 1975, đất nước ta được hoàn toàn giải phóng, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Ngành Kiểm sát đã kịp thời điều động hàng trăm cán bộ thuộc Viện kiểm sát các cấp cùng với cán bộ ngành Toà án tiếp quản các cơ sở hoạt động tư pháp của ngụy quyền cũ, khẩn trương xây dựng hệ thống các cơ quan Viện kiểm sát ở các tỉnh phía Nam đáp ứng yêu cầu bảo vệ các thành quả của cách mạng và giữ vững trật tự trị an ở vùng mới giải phóng.
Trong 15 năm (1960 – 1975), ngành Kiểm sát đã đạt được những kết quả to lớn trong việc thực hiện chức năng kiểm sát, phục vụ tích cực hai nhiệm vụ chiến lược: ở miền Bắc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời, là hậu phương vững chắc cho miền Nam; ở miền Nam, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Viện kiểm sát nhân dân đã thực hiện được các nhiệm vụ trọng tâm là đấu tranh chống lại bọn phản cách mạng, bảo vệ các quyền dân chủ của công dân, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và chế độ quản lý của Nhà nước.
Công tác kiểm sát giai đoạn này đã thể hiện rõ tư tưởng của đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên: Công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị, công tác kiểm sát phải phục vụ nhiệm vụ chính trị.
3. Giai đoạn từ 1975 đến 1986
Đây là thời kỳ đất nước đã thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội nhưng vẫn còn phải đương đầu với cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch. Ba mươi năm chiến tranh và những tàn dư của chế độ cũ đã để lại trên đất nước ta nhiều hậu quả trầm trọng về kinh tế, xã hội, sản xuất thấp kém, đời sống khó khăn, tệ nạn xã hội nặng nề. Mặt khác, bọn phản động trong nước cấu kết với các thế lực thù địch bên ngoài điên cuồng chống phá cách mạng. Việc quản lý xã hội, quản lý kinh tế còn nhiều lỏng lẻo, sơ hở. Những nhân tố tiêu cực trên đây làm cho tình hình tội phạm càng thêm phức tạp và nghiêm trọng. Tình hình đó đặt ra cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm những yêu cầu mới cần phải được giải quyết để bảo vệ các lợi ích của Nhà nước, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Chuyển sang thời kỳ mới, ngành Kiểm sát có bước phát triển mới cả về tổ chức và hoạt động. Hiến pháp mới (1980) xác định nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa là một trong những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quản lý Nhà nước. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (1981) một lần nữa đã khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của ngành Kiểm sát trong việc bảo đảm pháp chế thống nhất trong cả nước.
Trên cơ sở Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân mới, chức năng, nhiệm vụ công tác kiểm sát của ngành Kiểm sát đã được xác định rõ hơn.
Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh phía Nam tuy mới được xây dựng nhưng đã cố gắng phục vụ đắc lực các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ở vùng mới giải phóng. Đã cùng với các cơ quan chức năng trấn áp kịp thời các đối tượng phản cách mạng, gián điệp do Mỹ - ngụy cài lại, các đối tượng phản động lợi dụng hoạt động tôn giáo chống phá cách mạng, trừng trị nghiêm khắc những kẻ cầm đầu các tổ chức vũ trang bạo loạn, xúi giục, lừa đảo người trốn đi nước ngoài, những kẻ lưu manh, côn đồ, giết người, cướp của... Vận dụng đúng đắn đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc xoá bỏ giai cấp tư sản mại bản, đưa đi tập trung cải tạo những tên ngụy quân, ngụy quyền có tội ác với nhân dân, tham gia giải quyết các tệ nạn xã hội cũ để giữ vững trật tự, trị an, củng cố chính quyền cách mạng. Đồng thời, đã tích cực phục vụ chủ trương các chính sách của Đảng và Nhà nước như chính sách thống nhất tiền tệ, chính sách vận động nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể… Qua hoạt động thực tiễn, đội ngũ cán bộ kiểm sát ở miền Nam đã có bước trưởng thành nhanh chóng.
Trên phạm vi cả nước, Viện kiểm sát nhân dân đã chú trọng hướng công tác kiểm sát phục vụ các nhiệm vụ kinh tế - xã hội do Đảng và Nhà nước đề ra như nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất lương thực, sản xuất hàng tiêu dùng, thu mua sản phẩm, cải tiến phân phối lưu thông, bảo vệ tài sản và chế độ quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa; về an ninh quốc phòng đã góp phần phục vụ tích cực cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới và trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ các quyền dân chủ của nhân dân.
Về xây dựng ngành, trên cơ sở Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981, ngành Kiểm sát đã xây dựng Quy chế ngạch kiểm sát viên, trình Hội đồng Nhà nước phê duyệt. Đồng thời, xây dựng các điều lệ công tác, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc của mỗi cấp kiểm sát, các quy chế về trình tự hoạt động của từng phương thức kiểm sát làm cơ sở đưa hoạt động kiểm sát đi dần vào nề nếp và bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất trong ngành. Quan hệ giữa Viện kiểm sát với các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan hữu quan được chú ý. Việc phối hợp 3 ngành Kiểm sát, Công an, Toà án cùng kiểm tra công tác giải quyết án hình sự ở một số tỉnh, thành phố lớn trong thời kỳ này đã đưa lại kết quả tích cực.
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ được đặc biệt quan tâm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ trong ngành được thực hiện ở tất cả 3 cấp với những hình thức thích hợp: tập trung tại trường, tại chức, tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn trong nước và ngoài nước.
Công tác tổng kết nghiệp vụ, xây dựng lý luận khoa học công tác kiểm sát thời kỳ này được chú ý. Trên cơ sở những luận điểm của Đảng ta về chuyên chính vô sản, về pháp chế xã hội chủ nghĩa và công tác kiểm sát kết hợp với tổng kết công tác thực tiễn và tổng kết lý luận, ngành Kiểm sát đã bước đầu xây dựng được hệ thống giáo trình môn học công tác kiểm sát tương đối hoàn chỉnh. Quan hệ hợp tác tương trợ giữa Viện kiểm sát Việt Nam với Viện kiểm sát các nước xã hội chủ nghĩa anh em từng bước được mở rộng.
4. Thời kỳ từ năm 1986 đến nay
Quán triệt quan điểm đổi mới của Đảng được đề cập trong các văn kiện của Đảng như Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, VII, VIII, IX và các Nghị quyết khác của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, ngành Kiểm sát đã có sự đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đã đạt được những kết quả tích cực.
Công tác kiểm sát tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội (kiểm sát chung) những năm 1986 – 2002 đã luôn luôn bám sát các Nghị quyết của Đảng, những chủ trương lớn của Nhà nước về phát triển kinh tế- xã hội. Ngành kiểm sát thực hiện công tác kiểm sát theo kế hoạch thống nhất, tập trung vào những ngành kinh tế trọng điểm, có vị trí then chốt trong nền kinh tế quốc dân, đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ và kháng nghị đối với các Bộ ngành ở Trung ương về củng số pháp chế trong quản lý Nhà nước ở các ngành như ngân hàng, quản lý ngoại tệ và hàng viện trợ (năm 1990 - 1991), lĩnh vực xây dựng cơ bản ở các ngành kinh tế trọng điểm (năm 1993), lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai (năm 1994), quản lý Nhà nước trong ngành Hải quan (năm 1995), lĩnh vực chấp hành pháp luật về thuế và thu ngân sách năm (năm 1996)... góp phần vào công tác củng cố pháp chế và trật tự pháp luật trong các lĩnh vực nói trên, đóng góp tích cực vào việc quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội theo pháp luật.
Ngành Kiểm sát đã tổ chức nhiều Hội nghị pháp chế ở Trung ương và địa phương với các đơn vị được kiểm sát nhằm phòng ngừa vi phạm, phục vụ cho việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Hàng năm, ngành Kiểm sát đã kháng nghị, kiến nghị yêu cầu thu hồi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, yêu cầu khởi tố nhiều vụ án hình sự, dân sự, yêu cầu xử lý nghiêm minh những người vi phạm pháp luật nhằm khôi phục trật tự pháp luật trên các lĩnh vực được kiểm sát. Nhiều Viện kiểm sát tổ chức tốt việc nắm thông tin vi phạm pháp luật để xác định đúng đối tượng cần kiểm sát, vận dụng đồng bộ các phương thức kiểm sát, tăng cường phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra nên các cuộc kiểm sát đã đạt chất lượng và hiệu quả ngày càng cao.
Qua kiểm sát các văn bản quy phạm pháp luật, hàng năm, ngành Kiểm sát đã phát hiện và kháng nghị, kiến nghị khắc phục hàng nghìn văn bản có vi phạm pháp luật, trong đó có nhiều văn bản của các Bộ, ngành ở Trung ương. Nhiều Viện kiểm sát địa phương đã tổng hợp vi phạm, kiến nghị với chính quyền địa phương mở Hội nghị rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Năm 2002, đánh dấu bước điều chỉnh quan trọng về chức năng hoạt động của Viện kiểm sát theo yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp. Để thực hiện cải cách tư pháp, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 đã quy định Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội nữa.
Thực hiện các quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 và các văn bản pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân mới được ban hành như Pháp lệnh kiểm sát viên năm 2002, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, Nghị quyết số 388 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra, tiếp tục thực hiện các yêu cầu của cải cách tư pháp theo tinh thần các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng như Chỉ thị số 53-CT/TW ngày 21/3/2000, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/1/2002 của Bộ Chính trị... các lĩnh vực công tác của Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã có những tiến bộ đáng kể, nhất là công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự.
Từ năm 2010 đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi một cách toàn diện cho phù hợp.
Năm 2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp mới vào ngày 28/11/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Những sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp mới là rất căn bản, sâu sắc, khẳng định con đường chúng ta đi theo là đúng và được nâng lên tầm cao hơn, tạo điều kiện cho bước phát triển mới của đất nước. Đối với ngành Kiểm sát nhân dân, Hiến pháp 2013 đã có những nội dung mới quan trọng về chế định Viện kiểm sát nhân dân; bổ sung, làm rõ hơn những nguyên tắc mới, tiến bộ của tố tụng tư pháp liên quan trực tiếp đến hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân. Đồng thời, trước yêu cầu phát triển và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, để thực hiện mục tiêu cải cách tư pháp là “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Để phù hợp với những chế định mới theo Hiến pháp, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân cần sửa đổi để tạo cơ sở pháp lý đổi mới toàn diện cả về hệ thống tổ chức và các nguyên tắc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; chuẩn hóa các chức danh tư pháp và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự giám sát bên trong và bên ngoài hệ thống, nhất là sự giám sát của cơ quan dân cử... Với sự chuẩn bị chu đáo, đầy trách nhiệm của cán bộ, công chức ngành Kiểm sát; sự chỉ đạo sâu sát của Đảng và sự quan tâm, ủng hộ của các ngành, các cấp, dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2014.
Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 có nhiều quy định mới trong đó có những quy định đã xác định rõ vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong mối quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước. Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân được xác định là thiết chế kiểm sát hoạt động tư pháp, có trách nhiệm phối hợp, đồng thời kiểm sát chặt chẽ, thường xuyên đối với Cơ quan điều tra, Tòa án, Cơ quan thi hành án và các cơ quan khác trong việc thực hiện hoạt động tư pháp nhằm đảm bảo cho hoạt động tư pháp được thực hiện đúng pháp luật, mọi vi phạm pháp luật được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Những thành tựu ngành Kiểm sát nhân dân đạt được trong 61 năm qua là kết quả phấn đấu không ngừng của nhiều thế hệ cán bộ, kiểm sát viên dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Để kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của 61 năm xây dựng và phát triển, ngành Kiểm sát nhân dân nguyện đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, đổi mới toàn diện, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, tiếp tục sự nghiệp của các thế hệ cán bộ kiểm sát đi trước, mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Nguyễn Hữu Khang
VPTH Viện KSND tỉnh (sưu tầm, tổng hợp). |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.