Viện công tố-tiền thân của Viện kiểm sát nhân dâ

Thứ sáu - 23/07/2021 05:42

Viện công tố-tiền thân của Viện kiểm sát nhân dâ

Lịch sử hình thành và phát triển của Ngành kiểm sát nhân dân gắn liền với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử ấy, các tầng lớp cán bộ trong ngành đã có đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước.

Ở nước ta, trước khi hình thành hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân đã có quá trình xây dựng Viện công tố. Bắt đầu bằng một loạt các sắc lệnh của Chính phủ như Sắc lệnh 24, Sắc lệnh 13 ngày 24-1-1946, Sắc lệnh 51 ngày 17-4-1946, Sắc lệnh 131 ngày 20-7-1946. Theo nội dung của các sắc lệnh trên thì cơ quan công tố nằm trong hệ thống tổ chức của Tòa án. Hệ thống Tòa án này do Bộ Tư pháp quản lý.

Hệ thống Tòa án được tổ chức ở ba cấp: sơ cấp ở cấp quận và huyện; đệ nhị cấp ở cấp tỉnh, thành phố; tòa thượng thẩm ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ:

+ Ở tòa án sơ cấp: Thẩm phán làm nhiệm vụ xét xử và công tố;

+ Trong tòa đệ nhị cấp: Thẩm phán được chia ra làm hai loại chức vị: thẩm phán xử án và thẩm phán buộc tội.

+ Tòa thượng thẩm có công tố viện: Do chưởng lý đứng đầu gồm các viên chức làm công tác công tố chuyên trách. Đến đây công tố viện được hình thành. Nhìn từ góc độ cơ cấu của một tổ chức độc lập, dưới sự quản lý, điều hành của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ngay từ ban đầu chúng ta thấy cơ quan thực hiện công tố chịu sự quản lý, điều hành của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp không có quyền trực tiếp làm nhiệm vụ công tố.

Đối với chưởng lý, tức là người đứng đầu cơ quan công tố, ngoài quyền phát ngôn ở phiên tòa hộ và hình ở tòa thượng thẩm còn phải trông nom việc thi hành các đạo luật, sắc lệnh và các quy tắc hiện hành, đồng thời có nhiệm vụ phải đốc thúc việc chấp hành án văn khi có những khoản liên quan đến trật tự chung, trông nom, giữ gìn trật tự các tòa án và hành động của tất cả các nhân viên ban tư pháp cảnh sát kỳ. Về bên hộ, tức là bên dân sự, dưới sự điều khiển của chưởng lý, các thẩm phán trong công tố viện có quyền làm chánh tố trong những trường hợp do luật lệ định trước. Như vậy, ngay từ lúc ban đầu mới được hình thành, mặc dù chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cách tổ chức hệ thống cơ quan tư pháp của Pháp (mà đến nay chúng ta vẫn chịu ảnh hưởng), cơ quan công tố đã thể hiện xu hướng độc lập cả về tổ chức bộ máy và hoạt động. Mặc dù nằm trong cơ cấu Tòa án, nhưng Chánh án không có quyền điều khiển và kiểm soát các công tố viên.

Năm 1950, theo Sắc lệnh 85 ngày 22- 6-1950, Thông tư 21 ngày 7-6-1950 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên bộ 18 ngày 8-6-1950 của Bộ Kinh tế và Bộ Tư pháp, cùng với việc thành lập hệ thống Tòa án nhân dân các cấp, cuộc cải cách tư pháp năm 1950 đã làm thay đổi đáng kể tổ chức và hoạt động của cơ quan công tố:

+ Về mặt tổ chức: Ủy ban kháng chiến các cấp điều khiển công tố Viện trong địa hạt của mình, Ủy ban kháng chiến hành chính có thể ra mệnh lệnh cho ngành công tố, đại diện ngành công tố phải tuân theo mệnh lệnh của Ủy ban, mệnh lệnh của Ủy ban có thể là mệnh lệnh chung về đường lối công tố trong thời gian nhất định, cũng có thể là mệnh lệnh riêng trừ tòa án binh có hệ thống riêng, không liên quan.

+ Về mặt thẩm quyền: Theo Sắc lệnh 85 ngày 22-6-1950, công tố Viện không chỉ có quyền kháng cáo về mặt hình sự mà còn có quyền kháng cáo cả về mặt dân sự, đây là sự mở rộng đáng kể thẩm quyền của cơ quan công tố, thể hiện sự thay đổi quan niệm truyền thống, cho rằng những việc dân sự chỉ là những việc mang tính tư nhân, xã hội không can thiệp đến.

Như vậy, để phù hợp với điều kiện lịch sử khách quan của nước ta lúc này, nội dung chủ yếu của cải cách tư pháp lần 2 là thể hiện mạnh mẽ vai trò chỉ đạo của các cơ quan hành chính đối với các cơ quan tư pháp, thể hiện sự mở rộng, tăng cường tính nhân dân trong hoạt động này. Qua đó, cho thấy xu thế tăng cường quyền lực nhà nước chung vào các cơ quan hành chính, rất thích ứng và phát huy hiệu quả trong điều kiện nước ta lúc bấy giờ.

Ngày 29/4/1958, tại kỳ họp thứ VIII, Quốc Hội khóa I, Quốc hội đã thảo luận đề án của Chính phủ: Thành lập Tòa án tối cao và hệ thống Tòa án, Viện công tố trung ương và hệ thống Viện công tố. Cả hai cơ quan tách khỏi Bộ Tư pháp. Tòa án tối cao và Viện công tố trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn ngang Bộ và trực thuộc Chính phủ.

Đ/c: Bùi Lâm - Viện trưởng Viện công tố trung ương (thời kỳ1958-1960)

Năm 1959, trên cơ sở Nghị định 256 ngày 1-7-1959, Nghị định 321 ngày 2-7-1959 của Chính phủ, Viện công tố với tư cách là một hệ thống cơ quan nhà nước độc lập, có tổ chức từ Trung ương đến địa phương, hệ thống cơ quan công tố được tách ra khỏi Bộ Tư pháp, bao gồm:

- Viện công tố Trung ương đặt trực thuộc Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm, quyền hạn ngang hàng với một bộ.

- Viện công tố phúc thẩm đặt tại Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, khu tự trị Việt Bắc, khu tự trị Thái Mèo.

- Viện công tố thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Viện công tố khu Hồng Quảng, Viện công tố tỉnh và khu vực Vĩnh Linh.

- Huyện và các đơn vị tương đương cấp huyện, có một công tố ủy viên phụ trách và cán bộ giúp việc.

Trước yêu cầu mới của cuộc cách mạng xây dựng xã hội chủ nghĩa, cải cách bộ máy nhà nước ta, việc cải cách cơ quan Công tố và thành lập Viện kiểm sát nhân dân trở thành yêu cầu khách quan, tất yếu. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, ngày 15 tháng 7 năm 1960, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Đây là đạo luật quan trọng đánh dấu sự ra đời của hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy Nhà nước ta và kể từ đó, ngày 26/7 hàng năm trở thành ngày truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân. Có thể nói, việc xác định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy và nguyên tắc tổ chức theo hệ thống dọc của VKSND là một bước tiến mới bảo đảm cho việc thực hiện chế độ pháp chế thống nhất trong lịch sử nước ta. Cũng tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã được Quốc hội bầu làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

                                                                                  Nguyễn Quang Hưng
VKSND TP Hải Dương  (Sưu tầm)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây