Tìm hiểu về các thế hệ lãnh đạo đầu tiên của ngành Kiểm sát

Thứ sáu - 26/07/2019 03:06

Tìm hiểu về các thế hệ lãnh đạo đầu tiên của ngành Kiểm sát

Trải qua 59 năm xây dựng và phát triển, từ ngày thành lập 26/7/1960 đến nay, cùng với những biến cố của đất nước, toàn ngành đã đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Thành tích của ngành Kiểm sát nhân dân đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý. Ngành Kiểm sát nhân dân đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh 2 lần: Năm 1985 Viện kiểm sát nhân dân được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ nhất. Năm 1990, Viện kiểm sát nhân dân được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2. Năm 2010 nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, Viện kiểm sát nhân dân được tặng thưởng Huân chương Sao vàng.

Có được những thành tích rực rỡ đáng tự hào ấy ngoài việc chung sức đồng lòng xây dựng đất nước, xây dựng ngành của các thế hệ cán bộ, công chức, nhân viên ngành Kiểm sát từ trung ương đến cấp huyện còn là sự đóng góp to lớn của thế hệ lãnh đạo đầu tiên của ngành, những người đặt nền móng vững chãi cho sự phát triển của ngành sau này. Xin được tóm tắt một số chi tiết về đồng chí Bùi Lâm (Viện trưởng công tố đầu tiên) và đồng chí Hoàng Quốc Việt (Viện trưởng VKSND đầu tiên).

Đồng chí Bùi Lâm tên thật là Nguyễn Văn Di, sinh ngày 15 tháng 3 năm 1905 ở xã Gia Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Nguyên Viện trưởng Viện Công tố Trung ương Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1958-1960); Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa II (1960-1965); Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Bungari và Cộng hòa Dân chủ Đức; Nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam. Là người thuộc thế hệ cách mạng tiền bối, đồng chí hoạt động cách mạng từ năm 1922 tại Pháp cùng với Nguyễn Ái Quốc, sau này trở về Việt Nam hoạt động cách mạng cùng với các đồng chí như: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Công Hòa…sau nhiều lần bị địch bắt tù đày, đồng chí tích cực hoạt động cách mạng giành chính quyền năm 1945. Ngày 14 tháng 2 năm 1946, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà ra sắc lệnh (số 21) lập Toà án quân sự đặc biệt và cử đồng chí phụ trách. Với cương vị quan trọng này đồng chí Bùi Lâm đã góp phần quan trọng thực hiện đường lối bảo vệ cách mạng của Đảng, kịp thời trừng trị bọn phản cách mạng điển hình là vụ Ôn Như Hầu. Đồng chí được coi như Bao công trong ngành Tòa án quân sự. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí phụ trách Tòa án Quân sự liên khu III, rồi phụ trách Toà án nhân dân Liên khu III. Từ năm 1954 đến năm 1957, đồng chí giữ chức Giám đốc Vụ Hành chính Tư pháp (thuộc Bộ Tư pháp) và Viện trưởng Viện Công tố Trung ương (năm 1958). Năm 1960 đồng chí trúng cử đại biểu quốc hội khoá II và được cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại nước Cộng hoà nhân dân Bungari và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại nước Cộng hoà dân chủ Đức (năm 1964). Sau khi về nước đồng chí được cử giữ chức Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đồng chí qua đời ngày 10 tháng 5 năm 1974. Đồng chí được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.


Ảnh: Đ/C Bùi Lâm (người ngồi ngoài cùng bên phải) cùng với đồng đội (nguồn: internet)

Đồng chí Hoàng Quốc Việt (1905-1992) là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người cộng sản kiên trung, bất khuất. Đồng chí có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, thể hiện biểu tượng cao đẹp của nhân cách người cộng sản suốt đời vì dân, vì nước. Tên thật là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28/5/1905 tại Đáp Cầu- thành phố Bắc Ninh ngày nay.


Ảnh: Đ/c Hoàng Quốc Việt người đeo kính ngồi hàng đầu tiên (nguồn ảnh: internet)

Đồng chí tham gia các phong trào cách mạng từ năm 1925, cùng hoạt động với Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự. Năm 1925, học năm thứ ba Trường Kĩ nghệ Thực hành ở Hải Phòng, tham gia phong trào bãi khoá và biểu tình phản đối chính quyền thực dân kết án tử hình nhà yêu nước Phan Bội Châu. Bị đuổi học, đồng chí lên mỏ Phấn Mễ (Thái Nguyên) làm thợ nguội rồi về làm ở mỏ Mạo Khê (Quảng Yên) và Nhà máy cơ khí Carông (Hải Phòng). Năm1928, tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1929, đồng chí bị đuổi ra khỏi nhà máy, sau đó được tổ chức cử vào Nam Kỳ hoạt động cách mạng bí mật. Năm 1930 đồng chí vào Nam Kỳ và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí từng bị thực dân Pháp bắt (khi được cử cùng Phạm Hữu Lầu ra Bắc họp hội nghị thực hiện việc hợp nhất Đảng), và xử tù chung thân cùng với Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng... nhưng đến năm 1936 thì được trả tự do. Đồng chí trở về hoạt động cách mạng ở Hà Nội, cùng một số đồng chí của mình khôi phục tổ chức Đảng và các tổ chức cách mạng ở Bắc Kỳ, phát động đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ. Năm 1937, được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1938, do bị chính quyền trục xuất khỏi Hà Nội, Hoàng Quốc Việt về hoạt động ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Năm 1941, đồng chí tham dự Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Hồ Chí Minh chủ trì, được cử vào Ban Chấp hành Trung ương và được bầu làm Ủy viên Thường vụ Trung ương. Đồng chí tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng Tám, sau đó được cử vào Nam công tác. Tại Đại hội II Đảng Cộng sản Việt Nam (1951), đồng chí lại được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận - Mặt trận, và giữ cương vị Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam.

Năm 1960, đồng chí được bầu làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt - Trung. Tháng 12 năm 1976, trong Đại hội IV Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Ông tiếp tục giữ nhiều chức vụ: Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977), Chủ tịch danh dự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1983), Đại biểu Quốc hội từ khóa V-VIII.

Trên cương vị là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân đầu tiên và giữ chức vụ này lâu nhất cho đến nay (từ 1960 đến 1976). Là người lãnh đạo cao nhất trong ngành Kiểm sát nhân dân, đồng chí đồng chí Hoàng Quốc Việt đã đặt móng xây nền cho việc củng cố và phát triển ngành Kiểm sát nhân dân trong hệ thống bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cùng với việc xây dựng ngành về tổ chức, đồng chí đã cùng với tập thể lãnh đạo của ngành có những chủ trương đúng đắn, có tính định hướng quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc chỉ đạo công tác kiểm sát, nhằm phục vụ tốt những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, góp phần củng cố trật tự kỷ cương pháp luật. Đồng chí luôn quan tâm đến việc chăm lo xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ tốt cho ngành, chú trọng rèn luyện về đạo đức, phẩm chất, thường xuyên nhắc nhở cán bộ Kiểm sát: Phải luôn xác định công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị, vì vậy phải quán triệt đường lối chính sách của Đảng và vận dụng đường lối chính sách của Đảng vào công tác kiểm sát để phục vụ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cách mạng mà Đảng đề ra trong từng thời kỳ cách mạng; phải thận trọng, cụ thể, sâu sát quần chúng, yêu thương đồng chí đồng đội, chăm lo đoàn kết. Xây dựng con người trong ngành kiểm sát thực sự cách mạng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao được nhân dân tin tưởng tuyệt đối.


Ảnh: Đ/c Hoàng Quốc Việt (đúng thứ 2 từ phải sang trái) cùng Bác Hồ, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương và Trường Chinh tại chiến khu Việt Bắc
(nguồn ảnh: internet)


Trải qua gần 70 năm hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng luôn đi sâu, đi sát thực tiễn, hòa mình vào nhân dân, dựa vào nhân dân, gắn bó với nhân dân, được nhân dân tin yêu. Ở những thời điểm có tính chất bước ngoặt, đồng chí luôn nêu cao tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không lùi bước trước khó khăn thử thách, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

                                                                                                               Nguyễn Văn Nhiệm
VKSND TP Hải Dương (tổng hợp)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây