Những mốc thời gian đáng nhớ trong 60 năm xây dựng và phát triển của ngành Kiểm sát nhân dâ

Thứ hai - 13/04/2020 00:08

* Ngày 29/4/1958, Quốc hội đã nghe báo cáo và thông qua đề án của Chính phủ về việc thành lập hệ thống Viện Công tố (tiền thân của Viện kiểm sát nhân dân). Viện Công tố Trung ương trực thuộc Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm, quyền hạn ngang một Bộ. Đồng chí Bùi Lâm được cử làm Viện trưởng Viện Công tố Trung ương.

* Ngày 01/7/1959, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 256-TTg về nhiệm vụ, tổ chức của Viện Công tố Trung ương và hệ thống Viện Công tố. Hệ thống Viện Công tố ở các địa phương được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc “song trùng” trực thuộc, vừa chịu sự lãnh đạo của Viện Công tố cấp trên về chuyên môn, nghiệp vụ đồng thời chịu sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính cùng cấp.

* Ngày 31/12/1959, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa I thông qua Hiến pháp năm 1959. Điều 105 Hiến pháp năm 1959 quy định Viện kiểm sát nhân dân tối cao có chức năng “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan Nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan Nhà nước và công dân”.

* Ngày 15/7/1960, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 được Quốc hội khóa II thông qua. Theo đó, Viện kiểm sát có nhiệm vụ: “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật, làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế dân chủ nhân dân được giữ vững. Mục đích của việc kiểm sát là bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, trật tự xã hội, tài sản công cộng và những quyền lợi hợp pháp của công dân, góp phần đảm bảo cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà được tiến hành thắng lợi” (Điều 2). Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II đã bầu đồng chí Hoàng Quốc Việt giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

* Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân gồm 06 Chương, 25 Điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân. Ngày 26/7 hàng năm là Ngày truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân.

* Ngày 12/5/1960 thực hiện quy định của Hiến pháp năm 1959 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, tại phiên họp từ ngày 24-29/4/1961, Thường trực Quân ủy Trung ương đã ra quyết định tổ chức Viện kiểm sát quân sự trong Quân đội. Ngày 12/5/1961, Tổng cục Chính trị Bộ quốc phòng đã ra Thông tri số 06/TT-H hướng dẫn tổ chức các Viện kiểm sát quân sự, ngày 12/5 trở thành Ngày truyền thống của ngành Kiểm sát quân sự.

* Ngày 16/4/1962, Ủy ban thường vụ Quốc Hội thông qua Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tiếp đó, ngày 18/4/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 12/LCT công bố Pháp lệnh.

* Ngày 01/02/1963, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về công tác kiểm sát. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng đối với ngành Kiểm sát nhân dân. Nghị quyết đã xác định những định hướng quan trọng về tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân. Nghị quyết số 68-NQ/TW nhấn mạnh: “Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân của ta là một trong những công cụ chuyên chính của Nhà nước dân chủ nhân dân đang làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản, được tổ chức ra giữa lúc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc bắt đầu lấy việc xây dựng chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm, đồng thời hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Ngành Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế xã hội chủ nghĩa được tôn trọng, do đó mà góp phần vào việc tăng cường chuyên chính đối với bọn phản cách mạng, bảo đảm các quyền dân chủ của nhân dân được tôn trọng; đồng thời cũng góp phần vào việc tăng cường kỷ luật xã hội trong quần chúng nhân dân.

* Ngày 21/4/1970, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký Quyết định số 62/QĐ-TC về bộ máy tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Quyết định này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết số 900/NQ-UBTVQH ngày 25/4/1970.

* Tháng 7 năm 1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI đã bầu đồng chí Trần Hữu Dực giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

* Ngày 15/3/1976, Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành Sắc lệnh số 01-SL/76 quy định về tổ chức Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã thay mặt Chính phủ ký Nghị định số 09-BTP/NĐ ngày 23/4/1976 quyết định thành lập Viện kiểm sát nhân dân ở 21 tỉnh, thành phố miền Nam. Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức và hoạt động trên phạm vi cả nước.

Ngay từ cuối năm 1975, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã triển khai công tác chuẩn bị cho tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố phía Nam. Khi Viện kiểm sát nhân dân 21 tỉnh, thành phố ở miền Nam được thành lập, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã điều động cán bộ ở một số đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát nhân dân ở các tỉnh, thành phố phía Bắc vào tăng cường cho Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố ở miền Nam. Ngày 02/8/1976, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Quyết định số 33/QĐ-76 thành lập Viện kiểm sát nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố tại miền Nam.

* Ngày 21/6/1978, Ban Bí thư ra Quyết định số 53 về thành lập Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

* Ngày 04/7/1981, Quốc hội khóa VII, kỳ họp thứ nhất thông qua Luật tổ chức VKSND năm 1981. Luật quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân. Cũng tại kỳ họp này, đồng chí Trần Lê được bầu làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

* Ngày 20/9/1983, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Nghị quyết số 451/NQ-HĐNN7 quyết định phê chuẩn Quy chế số 02/V9-TC ngày 15/9/1983 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về ngạch Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân. Theo đó, ngạch Kiểm sát viên gồm có Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên sơ cấp.

* Ngày 04/7/1985, ngành Kiểm sát nhân dân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

* Ngày 21/12/1985, Hội đồng Nhà nước thông qua Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự gồm 04 Chương, 34 Điều. Đây là Pháp lệnh đầu tiên quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của các Viện kiểm sát quân sự. Theo Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự, hệ thống Viện kiểm sát quân sự được tổ chức thành 3 cấp: Viện kiểm sát quân sự Trung ương; các Viện kiểm sát quân sự Quân khu, Quân chủng, Tổng cục và cấp tương đương; Viện kiểm sát quân sự Quân đoàn, tỉnh và khu vực, hoạt động theo chế độ tập trung thống nhất. Sau hơn 25 năm kể từ khi thành lập, hệ thống tổ chức, bộ máy Viện kiểm sát quân sự đã được kiện toàn, phát triển trên phạm vi toàn quân, bảo đảm cho việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định, góp phần phục vụ xây dựng Quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Ngày 17/6/1987, Quốc hội khóa VIII kỳ họp thứ nhất bầu đồng chí Trần Quyết giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

* Ngày 21/7/1990, Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành Kiểm sát nhân dân.

* Ngày 24/9/1992, Quốc hội khóa IX đã bầu đồng chí Lê Thanh Đạo giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

* Ngày 08/10/1992, Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ nhất thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992. Luật quy định Viện kiểm sát nhân dân có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật và thực hành quyền công tố, được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong Ngành, thông qua các khâu công tác: kiểm sát chung, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, kiểm sát thi hành án, kiểm sát giam giữ - cải tạo, điều tra tội phạm trong những trường hợp do luật định.

* Ngày 04/11/1996, Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ mười đã bầu đồng chí Hà Mạnh Trí giữ chức Viện trưởng VKSND tối cao.

* Ngày 02/4/2002, Quốc hội thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Luật tiếp tục quy định Viện kiểm sát có chức năng thực hành quyền công tố và có sự điều chỉnh thu hẹp phạm vi chức năng kiểm sát là kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các hoạt động tư pháp, không còn kiểm sát chung. Về tổ chức bộ máy làm việc, không tổ chức Phòng điều tra ở Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố mà chỉ còn Cục Điều tra ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

* Ngày 26/11/2003, Quốc hội thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật đã có những quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự đặc biệt là trách nhiệm phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và trách nhiệm thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

* Ngày 15/6/2004, Quốc hội thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Bộ luật thu hẹp phạm vi tham gia tố tụng dân sự của Viện kiểm sát nhân dân, bỏ quyền khởi tố dân sự của Viện kiểm sát được luật định trong suốt 44 năm (1960-2004); Viện kiểm sát không tham gia 100% phiên tòa sơ thẩm mà chỉ tham gia phiên tòa khi có khiếu nại của đương sự về thu thập chứng cứ của Tòa án; tập trung vào kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án; tham gia 100% các phiên tòa giám đốc thẩm dân sự.

* Ngày 25/7/2007, Quốc hội khóa XII đã bầu đồng chí Trần Quốc Vượng giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

* Ngày 26/7/2010, ngành Kiểm sát nhân dân vinh dự đón nhận Huân chương Sao vàng của Đảng và Nhà nước trao tặng.

* Ngày 26/7/2011, Quốc hội khóa XIII bầu đồng chí Nguyễn Hòa Bình giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

* Ngày 24/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 614/QĐ-TTg về việc thành lập trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

* Ngày 18/10/2013, Tổng Thư ký Hiệp hội Công tố viên quốc tế (IAP) gửi thư cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo về việc Ban Điều hành Hiệp hội khẳng định chính thức tư cách thành viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

* Ngày 24/11/2014, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, theo đó tổ chức bộ máy và các chức danh tư pháp Viện kiểm sát nhân dân có nhiều quy định mới. Hệ thống tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được chia thành 04 cấp: Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố; Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; các chức danh tư pháp cũng được chia thành 04 ngạch: Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp và bổ sung chức danh tư pháp Kiểm tra viên.

* Ngày 28/5/2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam khóa XIII ra Nghị quyết số 953/NQ-UBTVQH13 về thành lập Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

* Ngày 08/4/2016, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV bầu đồng chí Lê Minh Trí giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

* Ngày 01/9/2017, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 328/QĐ-VKSTC về Quy chế thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp trong ngành Kiểm sát nhân dân.

* Ngày 29/3/2018, tại La Habana, trước sự chứng kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro Ruz, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam và Bộ Tư pháp Cộng hòa Cuba ký kết hiệp định tương trợ tư pháp về Hình sự.

* Ngày 04/11/2019, VTV1 Đài truyền hình Việt Nam khởi chiếu bộ phim “Sinh tử”. Đây là bộ phim truyền hình lấy đề tài về chống tham nhũng trong đó tập trung khắc họa đậm nét công việc và hình ảnh của các cán bộ Ngành Kiểm sát nhân dân.

                                                                                                               Đàm Trang, Tiến Thành (tổng hợp)
VKSND thị xã Kinh Môn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây