Kiểm sát quyết định về thi hành án dân sự - những vấn đề cần lưu ý

Thứ hai - 06/03/2023 20:58
Kiểm sát quyết định về thi hành án dân sự - những vấn đề cần lưu ý

Hiến pháp năm 2013 quy định: "Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành". Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành không chỉ thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật mà còn có ý nghĩa trực tiếp ảnh hưởng đến sự tin tưởng của nhân dân đối với pháp luật. Nếu như quá trình điều tra, truy tố, xét xử thể hiện rõ nét sự nghiêm minh của pháp luật thì việc thi hành án có ý nghĩa quyết định và bảo vệ sự nghiêm minh đó. Việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giữ vững kỷ cương phép nước, củng cố pháp chế và trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, đảm bảo cho quyền lực tư pháp được thực thi trên thực tế.

Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác thi hành án dân sự được quy định tại khoản 2, Điều 12 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014: "Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án dân sự”.

4 Thi hành án dân sự

 Hình ảnh buổi công bố Quyết định, Kế hoạch kiểm sát trực tiếp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Thanh Hà

Trong quá trình kiểm sát thi hành án dân sự thì việc kiểm sát Quyết định thi hành án là rất quan trọng. Quyết định thi hành án dân sự và các loại quyết định về thi hành án được ban hành trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định được qui định tại Điều 1 và Điều 2 Luật THADS và do người có thẩm quyền ban hành, nhưng phạm vi mỗi quyết định bao hàm những nội dung khác nhau. Để làm rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền ban hành quyết định và trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát từng loại quyết định, cần phân biệt một số đặc điểm của Quyết định THADS và các loại Quyết định về THADS.

Quyết định thi hành án dân sự bao gồm: Quyết định thi hành án chủ động, Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu. Các quyết định này được ban hành trong quá trình tổ chức thi hành án bao gồm các nội dung cần phải thi hành. Ngoài ý nghĩa để phân biệt, hai loại quyết định này có vị trí quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định, thể hiện thông qua thẩm quyền ban hành và phạm vi nội dung của quyết định. Về thẩm quyền ban hành, Quyết định thi hành án dân sự phải được Thủ trưởng cơ quan Thi hành án ban hành (các loại quyết định về thi hành án khác có thể do Chấp hành viên được phân công thụ lý ban hành tùy theo nội dung, giai đoạn thi hành án như quyết định cưỡng chế…). Mặc dù một số quyết định về thi hành án khác có thể cũng do Thủ trưởng cơ quan thi hành án ban hành nhưng nội dung của những quyết định đó hẹp hơn.Ví dụ: Quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án; quyết định thu hồi quyết định về thi hành án; quyết định rút hồ sơ thi hành án… Về phạm vi nội dung và hiệu lực thi hành: Quyết định THADS là quyết định mở đầu cho cả quá trình tổ chức thi hành án; bao trùm  toàn bộ quá trình thi hành án; mọi quyết định về thi hành án đều nhằm thực hiện quyết định này. Quá trình tổ chức thi hành án được bắt đầu sau khi có quyết định THADS, quyết định này có tính bắt buộc thi hành đối với các chủ thể có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án, các cơ quan, tổ chức, công dân trong phạm vi trách nhiệm của mình cũng có nghĩa vụ chấp hành và phối hợp thực hiện.

Ngoài hai loại quyết định nêu trên còn các quyết định khác về thi hành án như: Quyết định cưỡng chế, kê biên tài sản; Quyết định về việc chưa có điều kiện; Quyết định tạm đình chỉ thi hành án; Quyết định đình chỉ thi hành án; Quyết định hoãn thi hành án, quyết định giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá.....

Khi tiến hành kiểm sát các quyết định về thi hành án, trước hết Kiểm sát viên cần kiểm sát tính có căn cứ, đúng pháp luật của quyết định; cần làm rõ quyết định đó có căn cứ vào văn bản pháp luật nào; thẩm quyển ban hành, thời hạn ban hành quyết định có phù hợp quy định pháp luật hay không? Ví dụ: Việc ra quyết định thi hành án theo đơn phải căn cứ khoản 1 Điều 23, Điều 35, khoản 1 Điều 36 và khoản 1 Điều 45 Luật THADS. Trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định, Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên thụ lý hồ sơ chỉ được ban hành các quyết định mà nội dung các quyết định phải tuân theo pháp luật, theo đúng nội dung quyết định của Tòa án hoặc các quyết định của cơ quan có thẩm quyền khác như quy định tại Điều 2 Luật THADS. Do vậy trong phần căn cứ để ra quyết định thường căn cứ pháp luật như nêu ở phần trên; đồng thời căn cứ vào bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền nào đó. Ví dụ: căn cứ bản án, quyết định sơ thẩm; bản án, quyết định phúc thẩm; quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự … của Tòa án. Khi kiểm sát tính có căn cứ của Quyết định, Kiểm sát viên cần đối chiếu với phần quyết định của Bản án, quyết định đã có hiệu lực của Toà án, cần đặc biệt lưu ý đối với các trường hợp Bản án, quyết định cần được thi hành ngay, Bản án, quyết định có hiệu lực một phần hoặc Bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng cáo quá hạn, bị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm…nếu phát hiện vi phạm Kiểm sát viên có thể đề xuất ra kiến nghị, kháng nghị đối với Lãnh đạo Viện.

           Thi hành án là hoạt động rất phức tạp, vừa phải tuân theo pháp luật, đảm bảo các phán quyết trong các bản án, quyết định được thi hành nghiêm chỉnh, lại phải được sự đồng tình của nhân dân cũng như chính quyền địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện. Do đó hoạt động kiểm sát thi hành án cũng cần hết sức thận trọng, khách quan, vừa kiên quyết thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, vừa vận dụng linh hoạt quyền hạn trong từng tình huống cụ thể, đảm bảo cho các bản án, quyết định được thi hành đầy đủ, kịp thời, đúng pháp luật.

Để thực hiện tốt việc kiểm sát các quyết định về thi hành án, trong cả quá trình kiểm sát cho dù đang kiểm sát ở giai đoạn nào, Kiểm sát viên luôn cần chú ý kiểm sát chặt chẽ việc gửi các Quyết định về thi hành án, vì có gửi đầy đủ đúng thời hạn thì VKS kiểm sát các Quyết định về thi hành án kịp thời, hiệu quả;  kiểm sát  tính có căn cứ, thẩm quyền ban hành và nội dung trong quyết định phải đảm bảo đúng quy định. Kiểm sát về thẩm quyền ra quyết định thi hành án, cần phân biệt rõ thẩm quyền theo lãnh thổ và thẩm quyền theo chức danh, nhiệm vụ, quyền hạn do luật định.

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây số lượng các Quyết định thi về hành án mà Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Hà đã thụ lý kiểm sát ngày càng tăng. Nhìn chung Cơ quan THADS cùng cấp đã ban hành quyết định THADS và các quyết định về thi hành án dân sự  cơ bản có căn cứ đúng pháp luật về thẩm quyền, trình tự thủ tục; nội dung; hình thức; thời hạn.

Tuy nhiên bên cạnh đó thông qua kiểm sát quyết định thi hành án nhận từ Chi cục THADS, công tác trực tiếp kiểm sát đột xuất, thường kỳ VKSND huyện Thanh Hà đã phát hiện một số vi phạm trong việc ban hành quyết định về THADS như: chậm gửi quyết định về thi hành án đến Viện kiểm sát; không thông báo cho các đương sự; căn cứ  ra quyết định thi hành án thiếu điều luật áp dụng; nội dung quyết định thi hành án không đúng với nội dung của bản án như thiếu vật chứng, ghi sai họ, tên, năm sinh; chậm ra quyết định thi hành án…Việc tăng cường kiểm sát các quyết định thi hành án đã đạt được nhiều kết quả, qua đó VKSND huyện Thanh Hà đã ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị về những vi phạm của Thủ trưởng cơ quan thi hành án và Chấp hành viên.

 Năm 2019,  2022 qua kiểm sát các Quyết định về thi hành án, VKSND huyện Thanh Hà đã ban hành 02 kháng nghị đối với Chi cục THADS huyện Thanh Hà về việc ban hành Quyêt định thi hành án theo yêu cầu nhưng căn cứ vào Bản án chưa có hiệu lực pháp luật, Chi cục THADS đã tiếp thu và thu hồi quyết định thi hành án. Kết quả phúc tra việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị, Cơ quan thi hành án dân sự đều tiếp thu những sai sót, vi phạm trong quá trình ra quyết định và tổ chức thi hành đối với các quyết định về thi hành án dân sự.

Trong những năm qua, công tác kiểm sát thi hành án dân sự của VKSND huyện Thanh Hà đã góp phần đảm bảo việc tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đúng theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, quyền lợi ích của nhà nước và của cơ quan, tổ chức khác. Góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm sát nói chung, đảm bảo cho pháp luật được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và triệt để./.

                                                                                                     
       Tiêu Thị Hồng

VKSND huyện Thanh Hà

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây