Mội số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Ủy ban MTTQVN với VKSND hai cấp tỉnh Hải Dương

Thứ ba - 02/09/2014 22:25

Mội số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Ủy ban MTTQVN với VKSND hai cấp tỉnh Hải Dương

          Ngày 21/12/2004 giữa Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Viện KSND tỉnh ký Quy chế phối hợp, đồng thời 12 đơn vị cấp huyện ký Quy chế phối hợp giữa Ban thường trực UB MTTQ Việt Nam và Viện KSND. Qua 10 năm thực hiện Quy chế  phối hợp công tác giữa Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ và VKSND đã thu được kết quả tốt trên các lĩnh vực hai cơ quan đã ký kết. Các hoạt động phối hợp có kết quả tốt như: việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia các hoạt động tố tụng hình sự, tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật; đặc biệt là hiệu quả công tác phối hợp giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự...góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và pháp chế trong hoạt động tư pháp.Sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả góp phần để hai cơ quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và nâng cao vai trò, vị trí của MTTQ và VKSND tại địa phương.
Từ trái qua phải: các đ/c Lương Anh Tế - Chủ tịch UB MTTQ tỉnh, đ/c Nguyễn Huy Thái – Viện trưởng VKSND tỉnh, đ/c Nguyễn Thành Công – Ủy viên thường trực HĐND tỉnh tham dự hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện quy chế phối hợp tại điểm cầu Hải Dương
 
          Từ năm 2005 đến nay, đã phối hợp giám sát, kiểm sát 190 cuộc nhà tạm giữ, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự ở hai cấp, thông qua hoạt động trên đã phát hành 1 kháng nghị, 189 kết luận-kiến nghị yêu cầu khắc phục, chấm dứt vi phạm pháp luật. Phối hợp giám sát, kiểm sát hoạt động xét, đề nghị đặc xá đối với 477 phạm nhân chấp hành án phạt tù tại Trại tạm giam Kim Chi – Công an tỉnh, qua giám sát, kiểm sát đề nghị loại khỏi danh sách 91 phạm nhân không đủ điều kiện, đề nghị đặc xá cho 386 phạm nhân, đảm bảo việc đặc xá đúng pháp luật và tham gia phối hợp với chính quyền các cấp tạo điều kiện giúp những phạm nhân được đặc xá sớm hòa nhập cộng đồng. Phối hợp kiểm sát, giám sát 103 cuộc đối với UBND cấp xã về thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, thông qua hoạt động kiểm sát, giám sát đã phát hành 34 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.  Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phối hợp MTTQ hai cấp đã kịp thời thông tin các vi phạm pháp luật của các cơ quan tư pháp, tình hình tội phạm đến Viện KSND để kiểm sát giải quyết theo quy định của pháp luật; Viện KSND tỉnh, Viện KSND cấp huyện đã thông báo kịp thời đầy đủ kết quả giải quyết các vụ, việc, thông tin vi phạm cho MTTQ 2 cấp biết.
          Tuy nhiên trong công tác phối hợp có lúc, có việc chưa thường xuyên, chặt chẽ; hình thức, phương pháp phối hợp chưa linh hoạt, mới tập trung vào một số việc nhất định. Phối hợp trong tuyên truyền phổ biến pháp luật; giám sát, kiểm sát việc thi hành án treo, cải tạo không giam giữ ở cấp xã thực hiện còn ít, hiệu quả chưa cao. Việc kiểm tra, hướng dẫn của cấp tỉnh đối với cấp huyện trong thực hiện Kế hoạch phối hợp hàng năm còn hạn chế.
          Nguyên nhân chủ quan cơ bản của những tồn tại, thiếu sót trên là Kế hoạch phối hợp hàng năm ở từng cấp, từng đơn vị thiếu cụ thể về thời gian, giải pháp; chỉ đạo, điều hành phối hợp chưa tốt, thiếu chặt chẽ và chưa tích cực; việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm chưa làm thường xuyên...
Để phát huy những kết quả đạt được , khắc phục những hạn chế, thiếu sót qua 10 năm thực hiện Quy chế phối hợp ở cấp tỉnh và cấp huyện và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp trong thời gian tới, một số giải pháp cần thực hiện là:
          1. Triển khai thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp sửa đổi, bổ sung của Ủy ban thường trực Trung ương MTTQ Việt Nam và Viện KSND tối cao đã ký kết; trên cơ sở Quy chế này nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi Quy chế phối hợp giữa UBMTTQ và VKSND cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với tình hình đặc điểm của địa phương.
          2. Phối hợp chặt chẽ để thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, Chỉ thị, Nghị quyết của cấp ủy địa phương, các văn bản có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, tuyên truyền triển khai thực hiện Hiến pháp 2013 (sửa đổi); tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục về pháp luật, về quyền và nghĩa vụ của công dân trong tố tụng để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và hiểu biết pháp luật trong các tầng lớp nhân dân nhất là các đối tượng thanh thiếu niên. 
          3.Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tạo điều kiện thuận lợi để Ban Thường trực UBMTTQ hai cấp tham gia các hoạt động tố tụng. Ban thường trực UBMTTQ hai cấp tăng cường công tác kiểm tra,  giám sát việc thi hành pháp luật trong hoạt động tố tụng, kịp thời thông tin về tội phạm, thông tin cho VKS về các vụ án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thấu tình đạt lý, chưa đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân để Viện kiểm sát xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật; thông báo kịp thời các vi phạm của các cơ quan tư pháp, cơ quan bổ trợ tư pháp, chính quyền địa phương do mình phát hiện hoặc qua đơn thư tố giác của công dân với Viện KSND để Viện KSND thực hiện việc kiểm sát theo chức năng, nhiệm vụ do luật định; Viện KSND hai cấp thông báo kịp thời việc giải quyết các thông tin, các vụ, việc...với Ban thường trực MTTQ cấp tỉnh và cấp huyện.
          4. Tăng cường phối hợp liên ngành giám sát, kiểm sát theo Kế hoạch liên tịch trong các lĩnh vực: tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố; bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Tập trung giám sát, kiểm sát đối với các trại tạm giam, nhà tạm giữ của công an tỉnh và công an cấp huyện về thực hiện chế độ đối với người tạm giữ, tạm giam và chấp hành án phạt tù; việc tổ chức thi hành án treo, cải tạo không giam giữ của cấp xã, việc tổ chức thi hành án dân sự đối với các trường hợp có điều kiện thi hành án nhưng chưa thi hành của cơ quan thi hành án dân sự.
          5. Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh và VKSND tỉnh phối hợp chặt chẽ trong tuyển chọn Kiểm sát viên Viện KSND; tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Quy chế phối hợp tại các đơn vị cấp huyện để việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan. 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây