Kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa VKSND và Ban thường trực MTTQ huyện Thanh Hà

Thứ ba - 09/09/2014 03:25

Kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa VKSND và Ban thường trực MTTQ huyện Thanh Hà

          Ngày 5/9/2014 tại huyện Thanh Hà, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương cùng với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh kiểm tra kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa Thường trực MTTQ huyện và VKSND huyện Thanh Hà.
          Hai năm qua ( từ 1/1/2013 đến 31/8/2014), Thường trực MTTQ huyện và VKSND huyện Thanh Hà đã bám sát chỉ đạo của VKSND tỉnh, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh trong việc  xây dựng Quy chế phối hợp (bổ sung) phù hợp với đặc điểm và nhiệm vụ chính trị được giao; tổ chức thực hiện các nội dung phối hợp, và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trên nhiều mặt công tác.


          Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Thường trực MTTQ huyện đã thông tin đến VKSND huyện nhiều thông tin nhận tin báo từ cộng đồng dân cư, nhất là những vụ việc có dấu hiệu phạm tội  hình sự. Đây là một nguồn tin quan trọng để Cơ quan điều tra, VKSND huyện phân loại xử lý Tố giác, tin báo về tội phạm; tổng hợp nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, kiến nghị Uỷ ban nhân dân huyện tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm Cướp tài sản, Cướp giật tài sản; Trộm cắp tài sản tại trụ sở cơ quan, trường học trên địa bàn… góp phần phòng chống hiệu quả loại tội này. Bên cạnh đó, Thường trực MTTQ huyện còn tích cực vận động quần chúng nhân dân tham gia theo dõi các phiên tòa lưu động ( 25 phiên toà) do VKSND phối hợp với Tòa án nhân dân huyện tổ chức tại các xã thực hiện chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giúp quần chúng nhân dân nâng cao ý thức phòng ngừa tội phạm và tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại cộng đồng dân cư.
          Công tác phối hợp giám sát, kiểm sát  việc tạm giữ của Công an huyện của hai cơ quan cũng được thường xuyên quan tâm. Thường trực MTTQ huyện đã cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm sát  của VKSND huyện định kỳ hoặc đột xuất kiểm sát trực tiếp 6/8 lượt tại Nhà tạm giữ Công an huyện, nhằm bảo đảm các chế độ của người bị tạm giữ được chấp hành nghiêm chỉnh theo quy định pháp luật. Kết quả, VKSND huyện  đã  ban hành 2 kiến nghị yêu cầu Trưởng nhà tạm giữ Công an huyện khắc phục vi phạm.
          Việc kiểm sát, giám sát việc thực hiện Luật thi hành án hình sự, thi hành án dân sự của Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã, được VKSND huyện và Thường trực Uỷ ban MTTQ huyện phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong thời gian qua. Trong 18 cuộc Kiểm sát trực tiếp việc quản lý đối tượng phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, có 15cuộc Thường trực MTTQ huyện tham gia giám sát, đồng thời vận động và giáo dục pháp luật các bị án, giúp họ thực hiện nghiêm  pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Vì vậy trong 2 năm qua chỉ có 1/100 bị án treo, cải tạo không giam giữ tái phạm. Những vi phạm, thiếu sót của người thi hành pháp luật được phát hiện kiến nghị khắc phục kịp thời.
          Công tác phối hợp tham gia xây dựng,  phổ biến pháp luật cũng được hai cơ quan đặc biệt chú trọng như góp ý xây dựng Hiến pháp 2013, Dự thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi), Luật đất đai (sửa đổi), Luật khiếu nại, Luật Tố cáo…
          Với Dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) Thường trực MTTQ huyện đã góp ý, đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến Tổ chức VKSND 4 cấp theo Kết luận 79/2010, Kết luận 92/2014 của Bộ Chính trị, cơ chế bổ nhiệm Kiểm sát viên... báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
          Tuy nhiên trong công tác phối hợp có lúc, có việc chưa thường xuyên, chặt chẽ;  việc phối hợp công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương còn chung chung, thiếu cụ thể; công tác phối hợp giám sát chưa thực hiện thường xuyên; việc đấu tranh phòng chống tội phạm, tham gia các hoạt động tố tụng, phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong hoạt động tư pháp, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân còn hạn chế. Nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, thiếu sót trên là Kế hoạch phối hợp hàng năm không cụ thể về thời gian, chỉ tiêu, tiến độ thực hiện; thiếu phương pháp trong tổ chức thực hiện, chưa vận dụng được sức mạnh tổng hợp của Ban Mặt trận cơ sở…
           Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện và Viện kiểm sát nhân dân huyện xác định một số nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện ngay trong những tháng cuối năm 2014 như sau:
          Sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ huyện và VKSND huyện phù hợp với Quy chế 01 ngày 27/8/2014 của Ủy ban thường trực Trung ương MTTQ Việt Nam và VKSND Tối cao, Ban thường trực MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương và VKSND Tỉnh với các nội dung sát đúng, đảm bảo tính khả thi.
 Tăng cường phối hợp giám sát, kiểm sát việc thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, cụ thể là Ban Thường trực MTTQ huyện cử đại diện tham gia các cuộc kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật  tại Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, Chi Cục thi hành án dân sự huyện, đồng thời phối hợp với VKSND huyện trong xác minh điều kiện thi hành án dân sự.
          Tăng cường phối hợp công tác xây dựng pháp luật, cụ thể là  Luật về Mặt trận Tổ quốc ( sửa đổi), đảm bảo nội dung, thời gian theo yêu cầu của Quốc hội.
Ghi nhận  kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ huyện và VKSND huyện Thanh Hà, Đoàn kiểm tra của tỉnh yêu cầu hai đơn vị tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện phương hướng phối hợp từ đầu năm, thực hiện kịp thời chỉ đạo của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh và VKSND tỉnh về công tác phối hợp trong thời gian tới, từ đó nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây