VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN HUYỆN GIA LỘC TIẾP BƯỚC TRUYỀN THỐNG 56 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

Thứ năm - 28/07/2016 21:06

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN HUYỆN GIA LỘC TIẾP BƯỚC TRUYỀN THỐNG 56 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH


 
Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 20-LCT công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, đánh dấu sự ra đời của Ngành kiểm sát trong hệ thống bộ máy nhà nước XHCN ở nước ta. Kể từ đó ngày 26/7 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân. Trải qua chặng đường 56 năm xây dựng và trưởng thành, Ngành kiểm sát tỉnh Hải Dương nói chung và VKSND huyện Gia Lộc nói riêng đã không ngừng được củng cố và ngày càng phát triển.
Năm 1961 VKSND huyện Gia Lộc được thành lập theo quyết định số 01-QĐ ngày 31/12/1960 của VKSND tối cao về việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân địa phương các cấp. Đơn vị được thành lập với tổng số 03 biên chế, trong đó có 01 đồng chí lãnh đạo Viện là Kiểm sát viên, 02 đồng chí chuyên viên. Trong thời kỳ này, hoạt động kiểm sát của đơn vị chủ yếu tập trung phục vụ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền dân chủ ở nông thôn và bảo vệ tài sản XHCN, đấu tranh chống các đối tượng phản cách mạnh và các tội phạm nghiêm trọng khác.
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước hoàn toàn được giải phóng, cả nước chung sức xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 1979 thực hiện Quyết định của Hội đồng Chính phủ về việc hợp nhất hai huyện Gia Lộc và Tứ Kỳ thành huyện Tứ Lộc. Viện kiểm sát hai huyện Gia Lộc và Tứ Kỳ sáp nhập thành VKSND huyện Tứ Lộc. Những ngày đầu mới sáp nhập còn gặp không ít khó khăn và lúng túng về mọi mặt. Song với sự đoàn kết nhất trí cao, tập thể cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị đã tập trung trí tuệ, đoàn kết nhất trí, biết trân trọng, kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương, của các lớp cha, anh đi trước, biết tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, của Ngành dọc cấp trên và được sự phối hợp giúp đỡ của chính quyền địa phương, các ngành các cấp và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân nên đã sớm vượt qua khó khăn, từng bước ổn định bộ máy, triển khai các hoạt động công tác kiểm sát theo chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Qua kiểm sát đã phát hiện nhiều vi phạm pháp luật trong việc ban hành văn bản pháp qui và trong biện pháp thi hành pháp luật, kịp thời ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước, cho tập thể và công dân, lập lại trật tự pháp luật trong các lĩnh vực đi vào kiểm sát, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm.
Năm 1997, VKSND huyện Tứ Lộc được tách theo địa giới hành chính thành 02 Viện kiểm sát Gia Lộc và Tứ Kỳ. Những năm đầu mới tách, biên chế của VKSND huyện Gia Lộc chỉ có 06 đồng chí do đồng chí Nguyễn Minh Nội làm Viện trưởng. Mặc dù lực lượng có hạn, cơ sở vật chất lại rất khó khăn, song với nhiệt huyết của mình, với trách nhiệm cao trước toàn Đảng, toàn dân; Các thế hệ cán bộ, kiểm sát viên VKSND huyện Gia Lộc đã từng bước ổn định và ngày càng trưởng thành về mọi mặt, vượt qua khó khăn thử thách để vừa xây dựng, vừa triển khai thực hiện đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Năm 2002, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được ban hành đánh dấu bước điều chỉnh quan trọng về chức năng hoạt động của Viện kiểm sát theo yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp. Để thực hiện cải cách tư pháp, VKSND huyện Gia Lộc đã tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; kiểm sát chặt chẽ việc quản lý, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiểm sát chặt chẽ  từ khi khởi tố vụ án cũng như quá trình điều tra vụ án đảm bảo chất lượng điều tra, truy tố; tập trung nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Vì vậy đã hạn chế thấp nhất việc xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; không xảy ra việc hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế, đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, kịp thời, nghiêm minh. 
Những ngày đầu thành lập với số lượng cán bộ còn hạn chế, chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ nhưng đến nay lực lượng cán bộ của VKSND huyện Gia Lộc đã trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Tổng số cán bộ trong đơn vị năm 2016 gồm 10 biên chế và 02 lao động hợp đồng theo Nghị định 68 của Chính phủ; trong đó có 03 đồng chí lãnh đạo viện và 09 đồng chí cán bộ, kiểm sát viên; 01 đồng chí có trình độ lý luận chính trị cao cấp; 02 đồng chí có trình độ lý luận chính trị trung cấp; 07 đồng chí có trình độ lý luận chính trị sơ cấp; 03 đồng chí có trình độ thạc sỹ; 100% các đồng chí cán bộ, Kiểm sát viên làm nghiệp vụ có trình độ đại học; 01 đồng chí là Kiểm sát viên trung cấp, 05 đồng chí là Kiểm sát viên sơ cấp.
Trong chặng đường 56 năm năm xây dựng và trưởng thành, Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lộc đã đạt được nhiều thành tích nổi bật rất đáng tự hào, hàng năm đều được công nhận là đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; năm 1979 đơn vị được Viện kiểm sát nhân dân tối cao tặng Cờ thi đua đơn vị khá nhất; năm 2010, 2015 được VKSND tối cao tặng bằng khen; VKSND tỉnh Hải Dương tặng 07 giấy khen; 03 cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở”; 04 cá nhân được Viện trưởng VKSND tối cao tặng bằng khen, 08 cá nhân được VKSND tỉnh tặng giấy khen; Chủ tịch UBND huyện tặng 05 giấy khen; Ban chấp hành đảng bộ huyện tặng 02 giấy khen; 04 năm liên tiếp được UBND huyện chứng nhận đạt danh hiệu cơ quan “An toàn về an ninh, trật tự”….
Có được những thành quả nêu trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của VKSND tỉnh Hải Dương, Thường vụ huyện ủy, sự giám sát của Hội đồng nhân dân và UBMTTQ huyện, sự phối hợp hỗ trợ tích cực của UBND, các cơ quan đơn vị, ban ngành từ huyện đến cơ sở trong đó phải kể đến sự phối hợp của các cơ quan trong khối nội chính như Công an, Tòa án, Chi cục thi hành án dân sự, sự cố gắng nỗ lực, phấn đấu của tập thể lãnh đạo, công chức, nhân viên trong đơn vị.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, VKSND huyện Gia Lộc tiếp tục quán triệt và thực hiện đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp, nhất là Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tập trung thực hiện có hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Tiếp tục nâng cao vai trò và trách nhiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa. Phối hợp với các cơ quan Công an, Tòa án có biện pháp hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục vi phạm trong tố tụng. Chú trọng xác định nguyên nhân của tình trạng phạm tội để đề xuất, kiến nghị và tham gia tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm.
Với những kinh nghiệm mà VKSND huyện Gia Lộc đã rút ra từ thực tiễn hoạt động, tập thể lãnh đạo, cán bộ và Kiểm sát viên trong đơn vị sẽ không ngừng cố gắng, tiếp tục phấn đấu phát huy truyền thống của ngành, của đơn vị, kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm trong quá trình thành lập và phát triển của ngành, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và các quy định của pháp luật liên quan nhằm thực hiện tốt nhất chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây