Bàn về việc định tội danh Công nhiên chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 137 BLHS năm 1999 và Điều 172 BLHS năm 2015

Thứ năm - 19/09/2019 05:18

Qua thực tiễn định Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 137 BLHS năm 1999 và Điều 172 BLHS năm 2015 chúng tôi nhận thấy việc định tội danh đối với tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản còn có sự khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) để cùng trao đổi với các đồng chí.

Một là: Về xác định đối tượng tác động của tội phạm. Điều 137 BLHS năm 1999 quy định: "Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm...".

Điều 172 bộ luật hình sự năm 2015, quy định:

“1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.”.

Theo Điều 105 của Bộ luật dân sự năm 2015, quy định: “Vật, tiền, giấy tờ có giá trị và các quyền tài sản”.

Vấn đề đặt ra ở đây các giấy tờ, vật có giá như: Sổ tiết kiệm, séc, thẻ ATM, ngân phiếu, trái phiếu, cổ phiếu... có phải là đối tượng tác động của tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản không? Trong thực tiễn áp dụng Điều 137 BLHS năm 1999  và Điều 172 BLHS năm 2015 thì việc xử lý đối với người phạm tội gặp nhiều khó khăn về hành vi công nhiên chiếm đoạt sổ tiết kiệm hoặc séc có giá trị tiền từ 2 triệu đồng trở lên. Bởi lẽ, do quy định của pháp luật về tín dụng và thủ tục lĩnh tiền trong sổ tiết kiệm nên việc chiếm đoạt được sổ tiết kiệm không đồng nhất với việc chiếm đoạt được số tiền trong sổ tiết kiệm. Như vậy cần có sự hướng dẫn giải thích của cơ quan có thẩm quyền về khái niệm tài sản trong Bộ luật dân sự và tài sản được quy định trong Bộ luật hình sự để các cơ quan tố tụng áp dụng thống nhất.

Hai là: Điều 137 BLHS năm 1999 và Điều 172 BLHS năm 2015 không mô tả cụ thể hành vi khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, cho nên dẫn đến việc định tội danh đối với tội phạm này trong một số trường hợp còn gặp khó khăn, như sau:

- Các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng hiểu như thế nào hành vi đó là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản.

- Các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, xác thời điểm nào thì được coi là người không có khả năng ngăn cản hành vi công khai chiếm đoạt tài sản hoặc không có khả năng bảo vệ tài sản của mình.

Trong thực tiễn đã xảy ra người phạm tội công khai chiếm đoạt tài sản trước sự chứng kiến của trẻ em cũng bị coi là phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, trong trường hợp khác, hành vi công khai chiếm đoạt tài sản trước sự chứng kiến của người thành niên cũng bị coi là phạm tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản.

So với khoản 1 Điều 172 của Bộ luật hình sự năm 2015, cũng không mô tả cụ thể hành vi khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên nhà làm luật đã quy định cụ thể hơn về các yếu tố định tội ở các điểm a, b, c, d khoản 1 của điều luật. Điều luật đã loại bỏ các yếu tố có tính chất định tính như: Gây hậu quả nghiêm trọng; gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Bổ sung thêm các yếu tố có tính chất định lượng. Như vậy, khoản 1 Điều 172 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định mang tính khái quát cao và cụ thể hơn Điều 137 Bộ luật hình sự năm 1999, phần nào đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc xảy ra trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có duy nhất Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự năm 2015 mà chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào khác, hướng dẫn cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong áp dụng pháp luật để xử lý đối với tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản.   

Trên đây là một số nội dung khó khăn, vướng mắc về việc định tội danh đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản chúng tôi xin trao đổi với các đồng chí để cùng thống nhất nhận thức.

                                                                                                                     Nguyễn Quang Đại
VKSND huyện Ninh Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây