Quy trình đột xuất kiểm sát Nhà tạm giữ

Thứ sáu - 13/09/2019 00:03

Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 15/5/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao “Về tăng cường trách nhiệm của VKSND trong kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự”, Hướng dẫn số 01/HD-VKSTC ngày  07/01/2019 của Vụ 8 VKSNDTC đã yêu cầu VKSND các cấp phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn kiểm sát chặt chẽ việc việc tạm giữ, tạm giam bảo vệ quyền con người, quyền công dân; không để xảy ra trường hợp quá hạn tạm giữ, tạm giam thuộc trách nhiệm của VKSND; tăng cường đột xuất kiểm sát cơ sở giam giữ. Việc đột xuất kiểm sát đã được quy định tại Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và một số văn bản khác. Tuy vậy, đến nay có VKSND cấp huyện vẫn còn lúng túng, thực hiện đột xuất kiểm sát thiếu hiệu quả. Qua nghiên cứu các Chỉ thị,  Quy chế, Hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và thực tiễn công tác, tôi xin đưa ra Quy trình đột xuất kiểm sát Nhà tạm giữ và một số vấn đề cần lưu ý để các VKSND cấp huyện tham khảo:

1- Ra quyết định và tổ chức nhân sự

Theo yêu cầu cấp ủy, HĐND cùng cấp hoặc trên cơ sở đề xuất của KSV về sự cần thiết đột xuất kiểm sát Nhà tạm giữ, Lãnh đạo viện xem xét ra Quyết định và tổ chức nhân sự thực hiện quyết định.

Lưu ý:

- Quyết định Trực tiếp kiểm sát đột xuất…cần ghi rõ thời điểm tiến hành kiểm sát từ ngày ..tháng .. năm đến ngày .. tháng.. năm..; thời gian kiểm sát ghi từ ngày .....đến ngày ...., nếu chỉ 01 ngày thì phải ghi thêm giờ.

- Về nhân sự bố trí theo yêu cầu công việc và khả năng huy động, không nên nhiều người quá hoặc ít người quá; nhất thiết phải có KSV chuyên trách kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam; nên mời đại diện UBMTTQ cùng cấp phối hợp, theo quy chế phối hợp.

- Trước khi quyết định đột xuất kiểm sát VKS cần nắm tình hình để khi kiểm sát có thể xác định được vi phạm của Nhà tạm giữ; Kiểm sát đột xuất khi cần thiết được hiểu là những lý do ngoài lý do theo yêu cầu cấp ủy, HĐND như khi thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là các vụ việc đột xuất như người bị tạm giữ, tạm giam trốn, chết (do tự sát, treo cổ, tai nạn hoặc bị giết, đánh nhau, bị thương tích)...hoặc kể cả khi thấy rằng VKS cần đột xuất sát xem có vấn đề gì không - việc này luật không cấm. Tuy vậy cũng nên tránh việc trực tiếp kiểm sát mà không xác định được vi phạm gì.

2- Công bố quyết định

Sau khi ra quyết định, Đoàn kiểm sát phải đến ngay Nhà tạm giữ công bố quyết định và đề ra nội dung công việc trong đó có việc Trưởng Nhà tạm giữ báo cáo bằng văn bản về tình hình chấp hành pháp luật và cung cấp các sổ sách, hồ sơ, tài liệu có liên quan cho Đoàn kiểm sát.

Lưu ý: Phải lập biên bản về hoạt động trên.

 

3- Kiểm sát khu vực Nhà tạm giữ

Ngay sau khi công bố quyết định cần tiến hành kiểm sát khu Nhà tạm giữ, chỗ nào nghi có vi phạm thì thực hiện xác nhận trước, sau đó thực hiện theo thứ tự nhất định, tránh bỏ sót công việc.

Lưu ý:

- Nếu Đoàn nhiều thành viên thì có thể cử một người tiếp nhận, kiểm tra sổ sách, hồ sơ, tài liệu có liên quan...

- Cách thức kiểm sát khu Nhà tạm giữ là: quan sát, gặp hỏi và ghi nhận việc quản lý, canh gác, cửa, khóa, cùm, bảng Nội quy, buồng thăm gặp, việc an toàn, vệ sinh, có bao nhiêu người bị tạm giữ, tạm giam..., có bị giam, giữ chung buồng trái quy định không, có bị đánh đập, xúc phạm không, có được mượn chăn, chiếu, màn, có được phát bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt, có đủ nước vệ sinh không, có được hưởng đầy đủ các chế độ khác không...

- Nếu có nhiều vi phạm có thể lập luôn biên bản hai bên cùng ký xác nhận ngay.

4- Kiểm sát sổ sách, hồ sơ, tài liệu

Sau khi hoàn thành việc nêu trên, đoàn kiểm sát tập trung vào nghiên cứu sổ sách, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm sát, yêu cầu Trưởng Nhà tạm giữ chuyển báo cáo bằng văn bản tới để nghiên cứu.

Lưu ý:

- Cần nghiên cứu khái quan chung, sau đó đi vào từng nội dung cụ thể theo nội dung kiểm sát ghi trong quyết định, có thể mở rộng khi cần thiết.

- Cần đối chiếu, so sánh...để phát hiện mâu thuẫn, nếu cần thì đi xác minh...

5- Tổng hợp, đề xuất, dự thảo Kết luận

Thư ký đoàn kiểm sát tập hợp kết quả, nghiên cứu, đề xuất sơ bộ Lãnh đạo viện dự thảo Kết luận, kiến nghị, kháng nghị (nếu có).

Lưu ý:

Nếu có vi phạm thì công bố cả dự thảo Kiến nghị hoặc Kháng nghị.

6- Công bố dự thảo Kết luận

Sau khi Lãnh đạo viện nhất trí dự thảo kết luận thì tổ chức họp công bố dự thảo Kết luận, Kiến nghị, kháng nghị (nếu có).

Lưu ý:

Biên bản cần ghi rõ những vi phạm đã nêu trong dự thảo Kết luận và những ý kiến phản hồi.

7- Báo cáo đề xuất Viện trưởng về Kết luận

Trên cơ sở kết quả kiểm sát, nội dung dự thảo Kết luận, những vi phạm và những ý kiến phản hồi (nếu có), thư ký Đoàn kiểm sát báo cáo đề xuất tới Viện trưởng nội dung Kết luận, Kháng nghị, Kiến nghị (nếu có).

Lưu ý:

Việc trình tới Viện trưởng VKSND cấp huyện tùy thuộc vào quy định của từng đơn vị...

8- Phát hành Kết luận...

Sau cuộc kiểm sát VKSND cấp huyện cần phát hành ngay Kết luận, Kháng nghị, Kiến nghị (nếu có)... bảo đảm hoạt động Kiểm sát sớm có hiệu quả.

Lưu ý:

Các Biểu mẫu áp dụng theo Quyết định số 39/QĐ-VKSTC ngày 26/1/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; kiến nghị không áp dụng mẫu 55/TG mà nên vận dụng Mẫu 57/TH vì mẫu này gắn với Kết luận trực tiếp kiểm sát.

 

Trên đây là Quy trình đột xuất kiểm sát Nhà tạm giữ gồm 8 bước và một số vấn đề cần lưu ý, mời  đồng nghiệp tham gia ý kiến để cùng hoàn thiện, cùng áp dụng, nhằm áp dụng nâng cao chất lượng công tác Kiểm sát.

                                                                                                          Nguyễn Văn Đoàn
Phòng 8-VKSND tỉnh Hải Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây