Một số giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát THADS, HC

Thứ hai - 07/09/2020 04:14

Một số giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát THADS, HC

Kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính (sau đây gọi là thi hành án dân sự, hành chính) là một trong các công tác thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Để công tác này có chất lượng, tôi xin mạnh dạn đưa ra một số giải pháp để các đồng chí trong ngành cùng nghiên cứu, tham khảo, trao đổi và thực hiện trong công tác kiểm sát THADS, HC nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát THADS trong trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Cụ thể:

* Đối với cơ quan, đơn vị

1. Xây dựng chương trình công tác phù hợp với đặc điểm tình hình ở địa phương mình đảm bảo về mặt nội dung cũng như những chỉ tiêu nghiệp vụ cơ bản theo đúng hướng dẫn của Ngành và kế hoạch công tác của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương.

2. Bố trí cán bộ cho phù hợp và đảm bảo tính ổn định để có thời gian tích luỹ kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ.

3. Tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức cho công chức, KSV về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khâu công tác kiểm sát THADS, HC để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

4. Phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, Tòa án và Ban pháp chế hội đồng nhân dân cùng cấp để giải quyết các việc thi hành án phức tạp, có quan điểm khác nhau giữa các ngành, có khiếu nại, tố cáo kéo dài.

5. Đối với cấp tỉnh, phân công Kiểm sát theo dõi công tác kiểm sát THADS của các đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện, kịp thời ban hành các thông báo rút kinh nghiệm về nghiệp vụ để hướng dẫn cho các đơn vị kiểm sát cấp huyện.

6. Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong Ngành giải quyết các việc, các vấn đề có khó khăn, vướng mắc về nhận thức và áp dụng pháp luật có liên quan đến THADS, HC; trong việc trao đổi thông tin về các việc thi hành án có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu tội phạm và các việc cần thiết khác. Nếu phát hiện vi phạm thì kiên quyết kiến nghị hoặc kháng nghị yêu cầu cơ quan có vi phạm khắc phục, sửa chữa.

7. Cần tổng hợp các vi phạm phổ biến, kéo dài ban hành kiến nghị đối với Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn đối với các Chi cục thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

8. Tăng cường trực tiếp kiểm sát đối với cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới. Chú trọng phúc tra việc thực hiện kết luận trực tiếp kiểm sát, kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu. Nâng cao chất lượng các văn bản kháng nghị, kiến nghị đảm bảo cơ sở pháp lý được ngành bạn tiếp thu, chấp nhận.


Ảnh: Kiểm sát viên VKSND tỉnh Hải Dương tham gia kiểm sát cưỡng chế thi hành án

* Đối với cán bộ, Kiểm sát viên

1. Cần nắm chắc các quy định của pháp luật về THADS; thực hiện nghiêm túc Quy chế công tác kiểm sát THADS; kịp thời cập nhật những văn bản sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn về THADS.

2. Tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đảng viên, cán bộ kiểm sát trong thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án và phân loại việc thi hành án; việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án, nhất là việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở, các tài sản có giá trị lớn; tài sản thi hành án có yếu tố nước ngoài; việc thi hành án để thu hồi tài sản do tham nhũng, thu hồi tài sản cho nhà nước, việc thi hành án dân sự liên quan đến các tổ chức tín dụng; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thi hành án dân sự, hành chính; quan tâm làm tốt công tác tiếp công dân. Nếu xác định có vi phạm kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo ban hành kiến nghị, kháng nghị yêu cầu cơ quan THADS chấm dứt và khắc phục ngay các vi phạm, không để các vi phạm kéo dài.

3. Đối với các đồng chí công chức, Kiểm sát viên mới được phân công sang công tác kiểm sát THADS cần tích cực học hỏi trao đổi kinh nghiệm và rèn luyện các kỹ năng kiểm sát để kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

4. Thường xuyên tổng hợp, phân tích rõ nguyên nhân, trách nhiệm của những vi phạm mà Viện kiểm sát đã kiến nghị, kháng nghị đến nay còn tiếp tục tái diễn; những kiến nghị, kháng nghị Viện kiểm sát đã ban hành, không được Cơ quan THA chấp nhận hoặc chấp nhận một phần, kịp thời báo cáo, đề xuất Lãnh đạo có đề xuất với Viện kiểm sát cấp trên để có hướng giải quyết.

5. Trong quá trình kiểm sát có những vi phạm chưa đến mức phải ban hành kiến nghị, kháng nghị thì Kiểm sát viên chủ động nhắc nhở Chấp hành viên để kịp thời khắc phục.

Để công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính có chất lượng, hiệu quả ổn định hơn thì VKSND hai cấp tỉnh Hải Dương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trên. Rất mong các đồng nghiệp cùng tham gia thảo luận.

                                                                                                              Nguyễn Thị Thanh Minh
Phòng 8 - VKSND tỉnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây