- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Việc xác định người từng bị kết án đã được xoá án tích hay chưa từ đó xác định lần phạm tội tiếp theo có tái phạm hay tái phạm nguy hiểm hay không cần nắm vững và áp dụng nhiều quy định khác nhau của BLHS, và các văn bản hướng dẫn khi không chú ý hoặc có trường hợp nhầm lẫn xảy ra dẫn đến xác định bị cáo tái phạm, tái phạm nguy hiểm không đúng ảnh hưởng đến việc xác định khung hình phạt (nếu điều luật có tình tiết định khung là tái phạm nguy hiểm) hoặc áp dụng tình tiết tăng nặng tái phạm, tái phạm nguy hiểm và từ đó quyết định khung hình phạt ( có vụ chỉ 1 tình tiết tái phạm nguy hiểm áp dụng không đúng mà xử phạt nặng hoặc nhẹ đến 4 năm tù).
Xin nêu một số trường hợp diễn ra trong thực tiễn xét xử để trao đổi về xác định xóa án tích, tái phạm, tái phạm nguy hiểm dưới đây để cùng nghiên cứu:
Trường hợp 1:
Năm 2012, A bị kết án 3 năm tù về tội cướp giật tài sản, phải chịu án phí 200 nghìn đồng. Tháng 4 năm 2015, A chấp hành xong hình phạt tù, tháng 9/2018 A nộp án phí của bản án năm 2012;
Tháng 7/2018, A phạm tội đánh bạc (trên 5.000.000 đ), bị phạt 6 tháng tù. Tháng 3/2019, A chấp hành xong hình phạt tù và các quyết định khác của bản án.
Tháng 2/2020, A Trộm cắp tài sản trị giá 5.000.000 đ.
Hỏi: trường hợp phạm tội tháng 2/2020, A tái phạm hay tái phạm nguy hiểm.
Đáp: A tái phạm nguy hiểm bởi vì: Bản án năn 2012, A chấp hành hình phạt xong tháng 4/2015 tính 2 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính (theo Đ73 BLHS) là tháng 4/2017 thì có thể đương nhiên xoá án tích nếu đã chấp hành xong các quyết định khác của bản án . Tuy nhiên đến tháng 9/2018 bị cáo mới chấp hành xong án phí nên tháng 9/2018 bị cáo mới đủ điều kiện để xoá án tích của bản án năm 2012. Tháng 7/2018, A phạm tội đánh bạc khi chưa được xoá án tích của bản án năm 2012 nên là tái phạm (khoản 1 Điều 53, khoản 2 Điều 70 BLHS);
Tháng 2/2020 khi đã tái phạm chưa được xoá án tích bản án năm 2019 lại phạm tội nên là tái phạm nguy hiểm (theo khoản 2 Điều 53 BLHS)
(Lưu ý: đã có nơi xác định A tái phạm vì không để ý đến việc A chấp hành án phí sau khi phạm tội tháng 7/2018 nên xác định bản án năm 2012 được xoá án tích là không đúng)
Trường hợp thứ 2:
B sinh năm 1997, năm 2014 khi chưa 18 tuổi phạm tội Cướp giật tài sản (theo khoản 2 – tội nghiêm trọng), ngày 14/9/2014 bị xử phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách 60 tháng tính từ ngày tuyên án. (B không được giảm thời gian thử thách); tháng 7/2019, B phạm tội Cướp tài sản bị khởi tố, truy tô, xét xử.
Hỏi: khi xét xử về hành vi phạm tội năm 2019 đối với B thì bản án năm 2014 có tính để xác đinh B tái phạm và phải chịu tình tiết tăng nặng “tái phạm” theo điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS không? B Có phải chấp hành bản án năm 2014 không?
Đáp: B không phải chịu tình tiết tăng nặng “tái phạm” theo điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS nhưng B phải chấp hành hình phạt 3 năm tù của Bản án 2012. Bởi vì: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 107 BLHS thì:
" 1. Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:......
b, Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý"
Tức tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng theo quy định này là áp dụng đối với lỗi vô ý và cố ý thì không coi là có án tích.
Như vậy B bị kết án về tội nghiêm trọng khi chưa 18 tuổi (trên 16 tuổi), theo quy định khoản 1 Điều 107 BLHS thì lần kết án này B không coi là có án tích (tức đã được xoá án tích), nên năm 2019 tiếp tục phạm tội thì không phải là tái phạm theo khoản 1Điều 53 BLHS
Đến tháng 9/2019, B mới chấp hành xong thời gian thử thách của án treo, nhưng tháng 7 năm 2019, B đã phạm tội khi chưa hết thời gian thử thách trong thời gian thử thách của án treo tức B phạm tội trong thời gian thử thách của án treo nên buộc B phải chấp hành hình phạt đã cho hưởng án treo và tổng hợp với hình phạt của tội mới thành hình phạt chung theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 65 BLHS .
Trường hợp thứ 3:
Năm 2012, C (trên 18 tuổi) bị kết án 6 tháng tù về tội trộm cắp tài sản, trị giá tài sản 5.000.000 đ. Tháng 6 năm 2013, C chấp hành xong hình phạt tù, đã chấp hành xong các quyết định khác của bản án.
Tháng 7 /2013, C phạm tội cướp tài sản, bản án năm 2013 xử phạt C 5 năm 6 tháng tù (xác định C tái phạm). C chấp hành xong hình phạt và các quyết định của bản án vào tháng 2/2018.
Đến tháng 3/2020, C trộm cắp tài sản xe máy trị giá 15.000.000 đ.
Hỏi: Năm 2020, C phạm tội là thuộc trường hợp tái phạm hay tái phạm nguy hiểm.
Đáp: trường hợp trên C tái phạm, không phải tái phạm nguy hiểm, vì theo quy định tại Điều 73 BLHS thì:
Điều 73. Cách tính thời hạn để xóa án tích
1. Thời hạn để xóa án tích quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Bộ luật này căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên.
2. Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành.
Do thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính ...của bản án mới nên:
Lần kết án năm 2012, thời hạn xoá án tích (theo điều 70 BLHS) là 2 năm (hình phạt dưới 5 năm tù); tháng 2/2018, C chấp hành xong bản án mới 2013, đến tháng 2/2020 là đương nhiên xoá án tích, lần phạm tội tháng 3/2020 khi C đã đương nhiên xoá án tích đối với án năm 2012 (qua hai năm từ khi chấp hành xong bản án năm 2013). Lần kết án năm 2012 của C đã được đương nhiên xóa án không dùng để tính tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
Thời hạn xoá án tích của lần C bị kết án năm 2013 theo Điều 70 BLHS là 3 năm (vì hình phạt trên 5 năm tù). Từ tháng 2.2018 đến tháng 3.2020 chưa được 3 năm C tiếp tục phạm tội, C chưa được xoá án tích Phải xác định C tái phạm (đối với lần phạm tội tháng 3/2020 chưa được xóa án tích của án năm 2013).
Phạm Thị Yến Phòng 7 - VKSND tỉnh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.