- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Luật thi hành án hình sự năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 được xây dựng để đáp ứng tình hình mới về thi hành án hình sự nhất là việc thực hiện các Điều 65, Điều 66 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, do vậy về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã có một số nội dung mới và khác so với Luật thi hành án hình sự năm 2014 như sau:
Để thực hiện Điều 66 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (về tha tù trước thời hạn có điều kiện) Luật thi hành án hình sự năm 2019 có hẳn một Điều 61 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:
"1. Ủy ban nhân dân cấp xã được giao quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tiếp nhận hồ sơ, tổ chức quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; bàn giao hồ sơ cho cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền theo quy định của Luật này;
b) Yêu cầu người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình; có biện pháp giáo dục, phòng ngừa khi người đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
c) Biểu dương người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có nhiều tiến bộ hoặc lập công;
d) Giải quyết cho người được tha tù trước thời hạn có điều kiện được vắng mặt ở nơi cư trú theo quy định của Luật này và pháp luật về cư trú;
đ) Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, gia đình và cơ quan, tổ chức nơi người được tha tù trước thời hạn có điều kiện làm việc, học tập trong việc quản lý người đó;
e) Lập hồ sơ, có văn bản đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh đề nghị Tòa án cùng cấp xem xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách; (quy định thêm tại điều 65)
g) Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tiến hành trình tự, thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện và buộc người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành trong trường hợp người đó vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 66 của Bộ luật Hình sự;
h) Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện khi người được tha tù trước thời hạn có điều kiện bỏ trốn;
i) Nhận xét bằng văn bản quá trình chấp hành nghĩa vụ trong thời gian thử thách của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện;
k) Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền về kết quả quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách.
2. Công an cấp xã có nhiệm vụ tham mưu, trực tiếp giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này."
* Ngoài ra luật mới còn quy định Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:
- Tạo điều về việc lao động, học tập cho người được tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 63);
- Rà soát người đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật Hình sự, lập hồ sơ và có văn bản đề nghị rút ngắn thời gian thử thách gửi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện (Điều 65);
- Phối hợp với cơ quan, tổ chức, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cơ sở tổ chức họp để kiểm điểm người người được tha tù trước thời hạn có điều kiện (nếu trong thời gian thử thách, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm lần đầu nghĩa vụ quy định tại Điều 62 của Luật này hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính lần đầu), lập thành biên bản, lưu hồ sơ quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện (Điều 66);
- Quản lý việc có mặt, vắng mặt của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 67);
- Xác nhận cho người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vì lý do chính đáng mà phải thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc (Điều 68);
- Có văn bản đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện kèm theo biên bản vi phạm nghĩa vụ hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các tài liệu khác có liên quan đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện để tiến hành thủ tục đề nghị hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 69).
Để thực hiện Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (về án treo) Luật thi hành án hình sự năm 2019 có Điều 86 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã với một số khác biệt so với Điều 63 Luật thi hành án hình sự năm 2014 như sau:
- Hai luật mới và cũ đều quy định UBND cấp xã tổ chức giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, nhưng luật mới không có nội dung phân công người giám sát, giáo dục người được hưởng án treo.
- Luật mới quy định thêm các trách nhiệm mới:
+ Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tiến hành trình tự, thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền quyết định buộc người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo theo quy định của Luật này.
+ Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện khi người được hưởng án treo bỏ trốn;
+ Hằng tháng nhận xét bằng văn bản về quá trình chấp hành án của người được hưởng án treo và lưu hồ sơ giám sát, giáo dục (luật cũ chỉ nhận xét khi người chấp hành án chuyển đi nơi khác).
- Hai luật mới và cũ đều quy định UBND cấp xã Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền về kết quả thi hành án, nhưng luật mới không có có việc thống kê.
- Luật mới không quy định UBND cấp xã xử phạt hành chính, giải quyết KNTC về thi hành án treo;
- Luật mới quy định rõ Công an xã trực tiếp giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều 86, luật cũ không có từ "trực tiếp".
* Ngoài ra Luật mới còn quy định thêm nội dung tại khoản 2 Điều 93 như sau:
Theo đề xuất của Công an cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo, đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tiến hành trình tự, thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền quyết định buộc người thi hành án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo nếu trong thời gian thử thách người được hưởng án treo đã bị kiểm điểm theo quy định tại Điều 91 Luật thi hành án hình sự năm 2019 nhưng sau khi kiểm điểm vẫn tiếp tục vi phạm và đã được nhắc nhở bằng văn bản mà vẫn cố ý vi phạm.
Những nội dung khác biệt nêu trên là vấn đề quan trọng, Kiểm sát viên cần nắm chắc, nhất là để tiến hành trực tiếp kiểm sát UBND cấp xã. Qua đó, mới xác định rõ UBND cấp xã có bao nhiêu trách nhiệm, đã làm đúng, làm đủ những trách nhiệm gì, vi phạm điều khoản nào, đề xuất lãnh đạo kháng nghị, kiến nghị xử lý, khắc phục vi phạm, nâng cao hiệu quả cuộc kiểm sát.
Nguyễn Văn Đoàn Phòng 8, VKSND tỉnh Hải Dương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.