Phân biệt tội Cướp tài sản và Tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sả

Thứ tư - 03/04/2019 05:50

Tội Cướp tài sản, Tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại các Điều 168 và  Điều 169 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS 2015), đều xâm phạm đến Quyền sở hữu đối với tài sản và quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, sức khỏe của công dân, tổ chức; nhưng không phải lúc nào cũng phân định được rõ ràng, nhất là hiện nay, khi “tín dụng đen” có biểu hiện phức tạp, đối tượng coi thường pháp luật để xiết nợ, đòi nợ, gây nhiều hệ lụy trong xã hội.  Việc nhận diện (phân biệt) hai tội này là rất cần thiết.

Tội Cướp tài sản (Điều 168 khoản 1 BLHS)  Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm);

Tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169 khoản 1 BLHS) Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

Từ cấu thành cơ bản nêu trên, cho thấy Hành vi nguy hiểm cho xã hội trong mặt khách quan của Tội cướp tài sản là (1)Người nào dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản; (2)Người nào đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt tài sản; (3) Người nào có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản; Tội phạm hoàn thành kể từ khi Người phạm tội  nhằm chiếm đoạt tài sản;

Với tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Điều luật chỉ quy định: Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, mà không quy định hành vi cụ thể như Tội Cướp tài sản; Qua thực tiễn và nghiên cứu (*) thì thấy, Hành vi nguy hiểm cho xã hội trong mặt khách quan của tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là (1) Hành vi bắt cóc là hành vi giữ người trái phép bằng các thủ đoạn khác nhau có thể dùng vũ lực một cách rõ ràng, có thể không; (2) Nạn nhân bị giữ có mối quan hệ với chủ sở hữu tài sản trực tiếp; Người hoặc qua trung gian ra “điều kiện” buộc người chủ tài sản phải thỏa mãn yêu cầu vật chất của người phạm tội, nếu muốn bảo vệ tính mạng sức khỏe của người bị bắt cóc.

Nếu trong tội Cướp tài sản hành vi dùng vũ lực- sử dụng sức mạnh vật chất tấn công chủ sở hữu tài sản, người đang quản lý tài sản, người khác để đè bẹp sự phản kháng, làm tê liệt ý chí của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản một cách công khai; thì hành vi dùng vũ lực trong tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, không nhất thiết phải làm tê liệt ý chí phản kháng của người bị bắt cóc, người phạm tội vẫn có dấu hiệu muốn che giấu hành vi với người khác; mức độ sử dụng vũ lực chỉ nhằm bắt cóc được người khác làm con tin;

Người phạm Tội Cướp tài sản và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, bao giờ cũng có lỗi cố ý trực tiếp, động cơ mục đích vụ lợi; nhưng khác nhau ở chỗ; Cướp tài sản là chiếm đoạt, nhằm chiếm đoạt ngay tài sản của nạn nhân đang quản lý, sở hữu- không cần yêu sách, điều kiện khác; còn Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản lại nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân, mà tại thời điểm họ bị bắt cóc, tài sản này không có trong người họ, mà phải thông qua người thân của họ, người phạm tội đưa ra yêu sách, buộc nạn nhân phải liên lạc với người thân hoặc người phạm tội trực tiếp liên lạc với người thân của nạn nhân, ra điều kiện với họ phải đưa tiền, tài sản đổi lấy sự an toàn về sức khỏe, tính mạng, tự do đi lại… của nạn nhân.

Nói cách khác: Cướp tài sản là dùng vũ lực để chiếm đoạt ngay tài sản của nạn nhân một cách công khai trắng trợn; Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, dùng vũ lực để bắt cóc nạn nhân, thông qua việc bắt cóc, bắt giữ nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản; việc dùng vũ lực trong hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản chỉ là cách thức, thủ đoạn để phạm tội.

Ví dụ: Nguyễn Văn A vay của Nguyễn Văn B 10.000.000 đồng (không có giấy biên nhận, không thỏa thuận lãi xuất, ngày thanh toán). 7 ngày đầu anh A đã trả B được 9.000.000 đồng, còn 1.000.000 đồng anh A không trả vì cho rằng B chỉ giao cho mình 7.000.000 đồng ban đầu (tiền lãi trừ ngay vào số tiền vay ban đầu), biết B tìm mình đòi tiền, nhưng anh A tắt điện thoại không liên lạc với B; Nguyễn Văn B tìm được anh A đòi lại tiền, anh A không trả và bỏ đi; B liền gọi C, D, E đến đuổi theo, bắt trói anh A cho vào xe ô tô của C, đưa anh A về hiệu Cầm đồ của mình, tát, đấm anh A bắt anh A viết giấy biên nhận nợ 7.000.000đ; rồi bắt anh A gọi điện về cho bố đẻ yêu cầu mang tiền đến trả nợ thì mới cho anh A về; Trường hợp này Nguyễn Văn B và D, C, E phạm tội Cướp tài sản, số tiền 7.000.000 đồng; mặc dù có hành vi dùng vũ lực bắt cóc anh A và yêu cầu anh A gọi điện cho Người thân mang tiền đến “ chuộc” anh A về;

Cũng  ví dụ trên, nếu B, C, E chỉ bắt trói anh A cho vào xe ô tô của C, đưa anh A về hiệu Cầm đồ của mình; rồi bắt anh A gọi điện về cho bố đẻ yêu cầu mang 7.000.000 đồng đến trả nợ thì mới cho anh A về thì B, C, E phạm tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Sự khác nhau giữa 2 trường hợp này ở chỗ, anh A buộc phải viết giấy biên nhận vay 7.000.000 đồng của B (thực tế không có việc vay nợ 7.000.000 đồng), khi bị B, C, E dùng vũ lực làm tê lệt ý chí phản kháng của anh A;

Tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có thể dễ nhầm lẫn với tội Bắt giữ người trái pháp luật, nếu không có sự phân biệt đánh giá toàn diện,

Ví dụ khác: Anh Nguyễn Văn H và Nguyễn Văn T mâu thuẫn với nhau; T nhờ X ,Y, Z đến đánh anh H giải quyết mâu thuẫn giúp T; X dùng dao đâm vào chân anh H (thương tật 3%) anh H bám vào ghế, Y, Z xông vào cùng X lôi anh H lên xe ô tô, cùng T chở anh H từ huyện TH tỉnh Hải Dương đến nhà X tại Quận LC thành phố Hải Phòng. Tại nhà X, Y dùng búa đập vào người anh H, bắt anh H viết giấy biên nhận nợ Y 50.000.000 đồng, giấy cam kết không được đánh T; Anh H quá sợ hãi phải viết giấy biên nhận, cam kết theo nội dung Y chuẩn bị.  Viết xong giấy biên nhận nợ, Y bắt anh H gọi điện về cho người thân buộc thông báo mang tiền ra TP Hải Phòng, thì mới thả anh H về. Không gọi được cho gia đình, anh H gọi cho bạn mượn xe máy, nhờ bạn mang đi “cắm được 10.000.000 đồng”. X, Y, Z, T đưa anh H về huyện TH lấy được 10.000.000 đồng, số còn lại Y , Z tiếp tục đòi anh H phải trả. Anh H được thả về, đã dùng 10.000.000 đồng lấy xe máy tại hiệu cầm đồ về trả cho bạn.

Trường hợp này X, Y, Z và T phạm hai tội Cướp tài sản và tội Bắt giữ người trái pháp luật, chứ không phạm tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, bởi vì: Ban đầu khi đánh anh H thì Y và đồng phạm, bắt giữ đưa anh H về TP Hải Phòng thì  không có mục đích chiếm đoạt tài sản (đánh để không cho anh H đánh T); Y và đồng phạm dùng vũ lực (dùng búa) tấn công anh H tại TP Hải Phòng, bắt anh H phải viết giấy nhận nợ 50.000.000 đồng, để chiếm đoạt tài sản của anh H. Tội Cướp tài sản hoàn thành ngay từ lúc này; mặt khác số tiền 10.000.000 đồng là của anh H do anh H được bạn mình cho mượn thông qua việc cầm cố xe máy; việc Y bắt anh H gọi điện cho người thân, là căn cứ xác định Y và đồng phạm quyết tâm thực hiện việc chiếm đoạt tài sản đến cùng, không phải là thủ đoạn trong tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ này cho thấy, trong tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, thì mục đích chiếm đoạt tài sản phải có trước khi thực hiện hành vi bắt cóc con tin, trong tội bắt cóc cũng có việc bắt giữ người trái pháp luật, nhưng Người thực hiện hành vi bắt giữ người trái pháp luật không có mục đích chiếm đoạt tài sản;

Như vậy, việc phân biệt cấu thành tội Cướp tài sản, Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản không chỉ có ý nghĩa nghiên cứu mà còn rất cần thiết trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, tội phạm mang tính chất “xã hội đen” hiện nay./.
* Bình luận khoa học Bộ luật hình sự đã được sửa đổi bổ sung năm 2009 (Tiến sỹ Trần Minh Hưởng, học viện Cảnh sát nhân dân/ NXB Lao động/2009)

                                                                                                 Nguyễn Quang Trung
P7- VKSND tỉnh Hải Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây