Nhiệm vụ đột xuất kiểm sát và những việc cần phải làm

Thứ ba - 12/03/2019 05:44

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2019 đối với công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự là tăng cường kiểm sát đột xuất tại cơ sở giam giữ. Điều đó đòi hỏi các Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên làm công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự phải nâng cao nhận thức, xác định những việc cần làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết cần quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 28/12/2018 của Viện trưởng VKSNDTC, trong đó có Chỉ thị tăng cường kiểm sát đột xuất tại cơ sở giam giữ, đây cũng là lý do VKSND các cấp xác định đó là một nhiệm vụ trọng tâm của khâu kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.

Tăng cường kiểm sát đột xuất tại cơ sở giam giữ là một việc quan trọng để thực thi pháp luật theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm của ngành Kiểm sát theo Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 15/5/2018 “Về tăng cường trách nhiệm của VKSND trong kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự”

Điều 4 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, quy định:

"1. Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp...

2. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm:

a) ...

b) Việc bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù, chế độ tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù theo đúng quy định của pháp luật; quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù không bị luật hạn chế phải được tôn trọng và bảo vệ."

Điều 141 Luật thi hành án hình sự quy định:

"Khi thực hiện kiểm sát thi hành án hình sự, Viện kiểm sát có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

......

3. Phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự theo thẩm quyền; quyết định trả tự do ngay cho người đang chấp hành án phạt tù không có căn cứ và trái pháp luật;

4. Định kỳ và đột xuất kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành án của cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự"

Điều 42 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, quy định:

"1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam..."

Trên cơ sở quy định của pháp luật, Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã có quy định:

"Theo yêu cầu của cấp ủy, Hội đồng nhân dân hoặc khi xét thấy cần thiết, Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát đột xuất trong việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự." (Điều 41, khoản 2). Tiếp đó, năm công tác 2019, Vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự ( Vụ 8) đã có Hướng dẫn số 01/HD-VKSTC ngày  7/01/2019 của Vụ 8-VKSNDTC.

Trên những cơ sở đó, VKSND tỉnh Hải Dương đã giao chỉ tiêu cho Phòng 8, VKSND tỉnh thực hiện ít nhất 2 cuộc, VKSND cấp huyện thực hiện ít nhất 01 cuộc đột xuất kiểm sát cơ sở giam giữ.  Phòng 8, VKSND tỉnh đã xây dựng chương trình công tác và hướng dẫn VKSND cấp huyện với nội dung:

"Trực tiếp kiểm sát đột xuất khi có yêu cầu của cấp Ủy, HĐND hoặc khi xét thấy cần thiết. Phải trực tiếp kiểm sát đột xuất khi có người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân(nếu có) trốn, chết (do tự sát, treo cổ, tai nạn, bị gây thương tích hoặc bị giết), phạm tội mới hoặc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng. Sau khi kiểm sát có kết luận, kiến nghị hoặc kháng nghị bằng văn bản."

Mặc dù quy định là có thể đột xuất kiểm sát khi xét thấy cần thiết, tức là rất chủ quan, theo ý muốn của người ra quyết định, tuy vậy chúng ta cũng cần lưu ý thế nào là cần thiết. Khi có người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân (nếu có) trốn, chết (do tự sát, treo cổ, tai nạn, bị gây thương tích hoặc bị giết), phạm tội mới hoặc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng đó là sự cần thiết, không những thế mà là phải thực hiện cuộc đột xuất kiểm sát; Khi phát hiện thấy dấu hiệu của việc vi phạm dù không nghiêm trọng cũng có thể coi là sự cần thiết, nhất là việc cần ngăn chặn ngay những hành vi xâm phạm tới quyền lợi hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân; Kể cả khi chưa phát hiện thấy dấu hiệu của việc vi phạm, nhưng có căn cứ cho rằng có thể có vi phạm thì vẫn là sự cần thiết để tiến hành cuộc đột xuất kiểm sát nhằm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

Có thể nói rằng mục đích chính của cuộc đột xuất kiểm sát nhằm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, sớm ổn định tình hình giam giữ mà không đợi đến cuộc trực tiếp kiểm sát thường kỳ theo kế hoạch.

Tuy là có tính đột xuất tùy theo tình hình nhưng vẫn đòi hỏi phải có định hướng và có kế hoạch chung, thậm chí các đơn vị có thể viết sẵn một số nội dung quyết định, biên bản làm việc, kết luận và dự kiến KSV, KTV tham gia đoàn kiểm sát. Có như vậy chúng ta mới có thể chủ động trong tình hình biến động, để hoàn thành cuộc kiểm sát với chất lượng tốt.

Không thể cầu toàn là tất cả các cuộc phải có kiến nghị, kháng nghị, nhưng chúng ta cần nâng cao chất lượng kiểm sát, bảo đảm phát hiện nhiều vi phạm để kiến nghị, kháng nghị kịp thời. Muốn vậy, trước hết chúng ta cần phải nắm chắc các quy định của pháp luật để có thể so sánh đối chiếu, xác định những hành vi, quyết định của cơ sở giam giữ có đúng quy định hay không; chúng ta cần thực hiện đầy đủ việc kiểm sát hàng ngày, nắm tình hình chặt chẽ để kịp thời phát hiện vi phạm; triến khai ngay cuộc kiểm sát khi thấy cần thiết để tránh cơ sở giam giữ che giấu vi phạm, gây khó khăn cho việc triển khai kiểm sát; thiết lập biên bản chặt chẽ, đầy đủ toàn diện, thể hiện rõ vi phạm, tính chất mức độ vi phạm, nguyên nhân dẫn đến vi phạm, người chịu trách nhiệm; công bố dự thảo kết luận đúng quy định, ghi rõ nội dung vi phạm như trên, ý kiến của cơ sở giam giữ; lập và phát hành kết luận, kiến nghị, kháng nghị đúng mẫu, có căn cứ, logic, dễ hiểu, thể hiện tính thuyết phục cao.

Cần nắm chắc quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Nghị định 120/2017/NĐ-CP ngày 06/11/2017 của Chính phủ, những nội dung của Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC, các Thông tư số 20/2016/TT-BCA ngày 8/6/2018, số 36/2017/TT-BCA ngày 19/9/2017, số 34/2017/TT-BCA ngày 19/9/2017 của Bộ công an....

Đột xuất kiểm sát cơ sở giam giữ, là việc rất quan trọng để thực hiện đúng thẩm quyền và trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhằm kịp thời phát hiện xử lý vi phạm, bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù theo đúng quy định của pháp luật vì vậy VKSND hai cấp ngành kiểm sát tỉnh Hải Dương cần hết sức nỗ lực, thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm này.

                                                                                                         Nguyễn Văn Đoàn
Phòng 8, VKSND tỉnh Hải Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây