Phương pháp phát hiện vi phạm khi kiểm sát giải quyết KN, TC trong hoạt động tư pháp

Thứ ba - 02/07/2019 06:09

Để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết đơn KNTC trong hoạt động tư pháp, phát hiện vi phạm của các cơ quan tư pháp để áp dụng biện pháp kiểm sát trước hết cần:

1.Hiểu, phân loại chính xác đơn KN, đơn TC trong hoạt động tư pháp và thẩm quyền giải quyết của từng cơ quan tư pháp:

1.1. Phân loại đơn KN, đơn TC: cần nghiên cứu kỹ đơn để xác định đầy đủ nội dung yêu cầu, các yêu cầu này thuộc lĩnh vực pháp luật nào điều chỉnh, do cơ quan nào giải quyết.

+ Đơn KN, TC: được giải thích tại điều 2 Luật khiếu nại, điều 2 luật tố cáo và trong các văn bản luật tương ứng với mỗi lĩnh vực: TTHS, TTDS, TTHC, THADS, THAHS.

+ Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền (Khoản 1 Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

Lưu ý cần phân biệt đơn tố cáo với tố giác về tội phạm:

Điểm giống nhau giữa tố cáo và tố giác tội phạm: là việc cá nhân báo cho cơ quan Nhà nước về sự việc vi phạm pháp luật, xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân. Riêng người bị tố cáo trong hoạt động tư pháp phải là người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Điểm khác nhau là về hành vi vi phạm pháp luật, hành vi bị tố giác phải có dấu hiệu tội phạm và phải được quy định trong Bộ luật hình sự.

+ Kiến nghị phản ảnh: được giải thích tại khoản 2 điều 2 Luật tiếp công dân năm 2013.

Đề nghị nghiên cứu kỹ nội dung giải thích trong Luật khiếu nại năm 2011, Luật tố cáo năm 2018 và giải thích trong các luật tương ứng và trong các Thông tư liên tịch của Liên ngành trung ương về KN,TC để phân loại đơn cho chính xác (VKS tối cao đã giải đáp, hướng dẫn tại văn bản só 3830 ngày 25/01/2016 và văn bản só 355 ngày 25/01/2019).

1.2. Phân loại đơn KN, TC trong hoạt động tư pháp:  

- Nghiên cứu vận dụng Danh mục phân loại đơn KN, TC trong hoạt động tư pháp ban hành kèm theo hướng dẫn số 24/2014 ngày 08/5/2014 của Liên ngành tư pháp trung ương quy định rất cụ thể các quyết định, hành vi tố tụng bị KN, TC; thẩm quyền giải quyết của từng cơ quan tư pháp trong từng lĩnh vực tố tụng: Hình sự, dân sự, hành chính, thi hành án dân sự, thi hành án hình sự.

Tuy nhiên, cần lưu ý:

- KN về việc trả lại đơn khởi kiện trong lĩnh vực TTHC, TTDS: theo Luật cũ do Chánh án TA giải quyết và được phân loại là đơn KN trong hoạt động tư pháp theo danh mục phân loại đơn KN, TC trong hoạt động tư pháp nêu trên. Tuy nhiên, theo Quy định tại Điều 124 Luật TTHC và điều 194 BLTTDS năm 2015 thì khiếu nại thông báo trả lại đơn khởi kiện do Thẩm phán giải quyết theo trình tự mở phiên họp xem xét giải quyết KN, có sự tham gia của đại diện VKS - không giải quyết theo trình tự giải quyết KN trong hoạt động tư pháp.

+ Khiếu nại Cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn: Điều 467 Bộ luật TTHS 2015 quy định không giải quyết theo chương KNTC trong TTHS. VKSND tối cao đã có Hướng dẫn số 04 ngày 05/01/2018 và văn bản giải đáp só 355 ngày 25/01/2019: Khi nhận đơn KN cáo trạng thì chuyển đơn vị nghiệp vụ cấp mình hoặc VKS đã ban hành cáo trạng xem xét theo hồ sư vụ án và trong trường hợp cần thiết thết thì ban hành văn bản trả lời. Nếu bị can tiếp tục KN văn bản trả lời thì không thụ lý giải quyết với lý do: văn bản trả lời KN cáo trạng không phải là quyết định giải quyết KN.

2. Nhận dạng vi phạm

Dấu hiệu vi phạm trong giải quyết KN,TC trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp thể hiện ở việc có chấp hành đúng, đủ quy định của pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn, hình thức, nội dung giải quyết KN,TC hay không?.

Gợi ý nhận dạng một số dạng vi phạm:

2.1.Vi phạm về thẩm quyền giải quyết:

-Để xác định vi phạm về thẩm quyền trước hết cần xác định chính xác quyết định, hành vi tố tụng của chủ thể bị khiếu nại, tố cáo, đối chiếu với các điều luật tương ứng để xác định vi phạm; Ví dụ:

+Trong lĩnh vực TTHS: thẩm quyền giải quyết đối với KN quyết định, hành vi của điều tra viên do Thủ trưởng cơ quan điều tra (Điều 475 BLTTHS 2015), nhưng nếu quyết định giải quyết KN do Trưởng công an hoặc Phó thủ trưởng cơ quan điều tra ký mà không có ủy quyền là sai thẩm quyền. Hoắc các quyết định tó tụng của cơ quan điều tra đã được VKS phê chuẩn nếu có khiếu nại thì thẩm quyên giải quyết là của VKS. Nếu cơ quan điều tra giải quyết là sai thẩm quyền.

+Trong lĩnh vực TT dân sự, TT hành chính: người bị tố cáo là Phó Chánh án thì do Chánh án TA trên một cấp trực tiếp giải quyết (Điều 512 BLTTDS năm 2015, điều 340 luật TTHC) nhưng nếu do Chánh án TA cùng cấp giải quyết là vi phạm về thẩm quyền.

1.2. Vi phạm về thời hạn giải quyết:

Đây là dạng vi phạm phổ biến nhất của các cơ quan tư pháp. gồm 2 trường hợp: Để quá thời hạn quy định mà không giải quyết hoặc giải quyết quá thời hạn quy định.

1.3. Vi phạm về trình tự, thủ tục thụ lý, giải quyết

Trình tự, thủ tục thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong mỗi lĩnh vực được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật tương ứng  nên cần phải nghiên cứu nắm chắc để xác định vi phạm của các cơ quan tư pháp.

Kiểm sát từ giai đoạn cơ quan tư pháp phân loại đơn:

- Phân loại, xử lý sai dẫn đến thụ lý giải quyết sai trình tự thủ tục

- Cơ quan tư pháp tiếp nhận đơn nhưng chậm thụ lý, giaỉ quyết.

- Đơn khiếu nại, tố cáo có thực hiện đúng về hình thức không (có đơn hoặc biên bản ghi lời khiếu nại, tố cáo, có chữ ký trực tiếp, có họ tên địa chỉ người khiếu nại, tố cáo…); việc khiếu nại, tố cáo chưa  có văn bản giải quyết…

- Thụ lý giải quyết chưa đảm bảo trình tự thủ tục :

+ Cần xem xét các cơ quan có thực hiện đúng những thủ tục bắt buộc theo quy định, như: ban hành thông báo thụ lý giải quyết KN, TC, phân công người xác minh khiếu nại, tố cáo, quyết định giải quyết KN,TC…)

+Sử dụng biểu mẫu không đúng hoặc việc giải quyết KN không ban hành quyết định giải quyết KN mà ban hành văn bản giải quyết KN.

Ví dụ: cơ quan điều tra giải quyết KN,TC không sử dụng mẫu ban hành kèm TTLT số 02 ngày 05/9/2018 của liên ngành trung ương mà sử dụng mẫu cũ ban hành kèm thông tư só 61/2017 của Bộ công an.

+Không gửi hoặc chậm gửi quyết định giải quyết KN,TC cho VKS (các lĩnh vực đều quy định thời hạn gửi cho VKS là 3 ngày kể từ ngày ban hành quyết định- quy định ở TTLT số 02, 03 ngày 31/8/2016, TTLT số 02 ngày 05/9/2018 và Thông tư só 02 của Bộ tư phápngày 01/2/2016)). Riêng lĩnh vực TTHS còn quy định thời hạn 3 ngày cơ quan tư pháp phải gửi thông báo thụ lý giải quyết KN,TC cho VKS  (vi phạm không gửi hoặc chậm gửi thông báo thụ lý cho VKS).

Lưu ý:  Đôi với những việc cơ quan tư pháp ra thông báo không thụ lý giải quyết đơn KNTC: cũng cần phải kiểm tra căn cứ không thụ lý; ví dụ: không thụ lý do hết thời hiệu phải kiểm tra xem đã xác minh thời gian người khiếu nại nhận quyết định, thời gian gửi đơn KN, lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không thực hiện được quyền KN theo đúng thời hiệu….

1.4. Vi phạm về nội dung giải quyết

Vi phạm về nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo được thể hiện dưới nhiều hình thức, như:                      

- Giải quyết thiếu nội dung. Ví dụ: đơn khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự ban hành quá thời hạn quy định và căn cứ để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự là trái pháp luật; nhưng nội dung quyết định giải quyết khiếu nại chỉ kết luận về căn cứ để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, mà không kết luận có hay không việc vi phạm thời hạn ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

- Giải quyết không phù hợp nội dung. Ví dụ: khiếu nại có nội dung không nhất trí và đề nghị xem xét lại việc đánh giá các chứng cứ trong bản kết luận điều tra, nhưng văn bản giải quyết lại nêu Cơ quan điều tra đã chuyển bản kết luận điều tra cùng hồ sơ vụ án sang VKSND, đề nghị theo dõi việc truy tố của VKSND.

- Giải quyết với nội dung không cụ thể. Ví dụ: tố cáo chấp hành viên có biểu hiện không khách quan trong việc xác minh tài sản của người phải thi hành án, nhưng văn bản giải quyết chỉ nêu chung chung là chấp hành viên đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, mà không diễn giải, phân tích, đánh giá và nêu các căn cứ pháp luật để kết luận từng việc làm của chấp hành viên…..

Từ việc phát hiện được các dạng vi phạm nêu trên, áp dụng biện pháp kiểm sát cho phù hợp theo quy định tại điều 18 Quy chế số 51 ngày 02/02/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao.

                                                                                                 Phan Thị Bình Minh, Lưu Nam Thương
Phòng 12 - VKSND tỉnh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây