Khi nào Quyết định xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt được coi là yếu tố định tội

Thứ tư - 24/07/2019 05:34

Đặt vấn đề Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS) quy định Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm là tình tiết định tội của các tội: Công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172), tội Trộm cắp tài sản (Điều 173), tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều175); tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178); do đó việc xác định Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hợp pháp là rất cần thiết giúp cho việc chống oan sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội khi giải quyết vụ việc hình sự trong thực tiễn;

Phạm vi bài viết đề cập nội dung: Khi nào Quyết định xử phạt hành chính của lực lượng Công an nhân dân đối với người đã thành niên có hành vi chiếm đoạt tài sản được coi là yếu tố định tội của các tội: Công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội Trộm cắp tài sản, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản;

1. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản phải hợp pháp

Thẩm quyền hợp pháp: nghiên cứu quy định tại Điều 66 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định 167/2013) thì những người đang giữ chức vụ Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất; Trưởng Công an cấp huyện; Giám đốc Công an cấp tỉnh, là người ra Quyết định xử phạt hành chính đối với người gây thiệt hại tài sản của người khác. Quyết định xử phạt hành chính của cấp phó: Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất; Trưởng Công an cấp huyện; Giám đốc Công an cấp tỉnh, chỉ hợp pháp khi được cấp trưởng giao quyền xử phạt theo quy định tại Điều 54 Luật xử lý vi phạm hành chính;(nội dung này được ghi ngay tại Quyết định xử phạt).

Tại sao lại là các chủ thể này ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với người có hành vi chiếm đoạt, trong khi Điều 66 Nghị định 167/2013 còn quy định nhiều chủ thể khác như: Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ, Thủ trưởng của Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ; Trưởng phòng nghiệp vụ; Giám đốc Sở phòng cháy chữa cháy; Cục trưởng nghiệp vụ…lý giải điều này bằng quy định tại Điều 15 Nghị  định 167/2013, chỉ có hình thức phạt tiền (không có hình thức phạt cảnh cáo) đối với hành vi gây thiệt hại đến tài sản của người khác,với mức phạt thấp nhất là 1.000.000 đồng; do vậy có thể có Quyết định xử phạt hành chính đối với người gây thiệt hại tài sản của người khác, trong các vụ án, vụ việc, lĩnh vực cụ thể, không phổ biến. Ví dụ: Khi điều tra vụ án đối với bị can Nguyễn Văn A (trên 18 tuổi, chưa có tiền án, tiền sự) về hành vi trộm cắp tài sản giá trị 500.000.000 đồng, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh, quyết định xử phạt hành chính đối với Nguyễn Văn A về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản giá trị 500.000 đồng, trước khi A thực hiện hành vi trộm cắp tài sản;

Một nội dung cần lưu ý, chỉ các hình thức được quy định tại Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính, mới được coi là Quyết định xử phạt hành chính, đó là: Phạt tiền; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; Trục xuất, đối với người có hành vi gây thiệt hại tài sản; Các biện pháp xử lý hành chính: Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 89); Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 91); Biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc (Điều 93). Biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 95) không phải là quyết định xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt;

Nội dung hợp pháp: Các tội xâm phạm sở hữu được quy định từ Điều 168 đến Điều 180 Bộ luật hình sự, nhưng không quy định thế nào là Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 Điều 15 Nghị định số 167/2013 quy định, xử phạt hành chính đối với hành vi Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác; không quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản

Vậy quyết định xử phạt hành chính về hành vi Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác có đồng nhất với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản;

Nghiên cứu nội dung quy định tại Điều 15 Nghị định số 167/2013, các hành vi sau là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền: Trộm cắp tài sản; Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác; Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác; Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác; Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý; Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản; Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;

Quyết định xử phạt hành chính, có nội dung Sử dụng trái phép tài sản của người khác chỉ có ý nghĩa khi định tội Sử dụng trái phép tài sản (Điều 177), ví dụ: tháng 1/2019, Nguyễn Văn A đã bị xử phạt hành chính về hành vi trộm cắp tài sản, đến tháng 6/2019 A lại sử dụng trái phép xe máy giá trị 20 triệu đồng của người khác, trường hợp này không thể sử dụng Quyết định Xử phạt hành chính đối với A về hành vi Trộm cắp tài sản để xử lý A theo Điều 177 khoản 1 Bộ luật hình sự;

Nội dung hợp pháp còn xác định bởi, mức phạt tiền, điểm điều khoản áp dụng, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hành chính, việc xử lý tang vật hành chính, bồi thường, khắc phục hậu quả vi phạm hành chính, thời hiệu;  Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy Quyết định xử phạt hành chính được coi là hợp pháp khi nội dung quyết định không áp dụng đầy đủ quy định; Ví dụ tháng 1/2019, Trưởng Công an xã B, huyện C Quyết định xử phạt 1.000.000 đồng với Nguyễn Văn A về hành vi: dùng xe đạp đi trộm cắp tài sản, giá trị 1.000.000 đồng, nhưng không tịch thu xe đạp của A; đến tháng 6/2019  A trộm cắp xe đạp giá trị 1.000.000 đồng, A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS);

Hình thức hợp pháp: Hình thức quyết định phải đảm bảo đúng quy định tại Thông tư số 07/2019/TT-BCA ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an, Quy định về các biểu mẫu sử dụng để xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Công an nhân dân. Theo đó từ ngày 06/5/2019, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong Công an nhân dân, phải sử dụng 70 biểu mẫu (trong đó có Mẫu số 02/QĐ-XPHC) để xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân.

Trình tự thủ tục hợp pháp Một quyết định xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt của lực lượng Công an được coi là hợp pháp, khi được ban hành đúng trình tự, thủ tục quy định tại Chương III Luật xử lý vi phạm hành chính và văn bản liên quan; cụ thể là: phải lập biên bản vi phạm hành chính quy định tại Điều 58 (bởi Điều 15 Nghị định 167/2013 không quy định phạt cảnh cáo, mức phạt tiền thấp nhất 1.000.000 đồng, do vậy không thể xử phạt mà không lập biên bản theo quy định tại Điều 56); Lập hồ sơ, xác minh tài liệu để có căn cứ xử lý (Điều 59 đến 65); đảm bảo thời hạn ra quyết định xử phạt hành chính trong hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hành chính, đối với vụ việc thông thường, 30 ngày đối với vụ việc phức tạp (Điều 66, 67); quyết định xử phạt hành chính phải đảm bảo nội dung quy định tại Điều 68; đồng thời phải đảm bảo Quyết định được thi hành trong thực tế, phải gửi, chuyển quyết định xử phạt, công bố công khai, thi hành trong thời  hiệu 01 năm (Điều 70, 71, 72, 74)…phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định theo quy định tại các Điều 86 đến 88 Luật xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt;

Thực tiễn cho thấy, không phải trường hợp  xử phạt hành chính nào cũng có thể thực hiện được đầy đủ trình tự nêu trên, nhất là việc cưỡng chế thi hành quyết định, khi người bị xử phạt hành chính, không có tài sản, bỏ đi khỏi nơi cư trú ngay sau khi hết hạn tạm giữ hành chính, hay sau khi nhận được Quyết định xử phạt (ví dụ người nghiện ma túy lang thang); trường hợp này phải căn cứ các biên bản giao nhận, xác minh, trong thời hiệu thi hành … theo quy định của cơ quan chức năng để xác định quyết định được thi hành (hợp pháp);

Một nội dung cần quan tâm khác, khi nghiên cứu tính hợp pháp của Quyết định xử phạt hành chính, đó là việc giải quyết khiếu nại. Cụ thể hơn khi Quyết định xử phạt hành chính bị khiếu nại, thì quyết định đó có hợp pháp không?  Tại khoản 1 Điều 73 Quy định về Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: 1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật. Theo đó: Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp trong quá trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện nếu xét thấy việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại, khởi kiện phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó theo quy định của pháp luật.

Như vậy để xác định Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hợp pháp hay không hợp pháp, khi cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính; không chỉ căn căn cứ vào việc cá nhân, tổ chức đó đã nộp phạt hay chưa, mà phải kiểm tra Quyết định đó có bị khiếu nại, khiếu kiện hành chính hay không và việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành chính như thế nào.

 2. Quyết định xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản trong thời hạn: 01 năm kể từ khi chấp hành xong hoặc còn thời hiệu thi hành quyết định.

Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính”. Trong phạm vi nghiên cứu Quyết định xử phạt hành chính đối với người đã thành niên có hành vi chiếm đoạt tài sản, thì Quyết định xử phạt vi phạm hành chính chỉ có thể coi là yếu tố định tội khi Quyết định này đáp ứng một trong hai điều kiện sau:

Thứ nhất chưa hết thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính. Luật xử lý vi phạm hành chính không quy định cụ thể: thế nào là chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính, từ nghiên cứu Điều 70 khoản 2 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính là đã chấp hành xong mức phạt chính, mức phạt bổ sung, biện pháp bồi thường, khắc phục hậu quả và nội dung khác của quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Ví dụ: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 01 ngày 01/01/2019 đối với Nguyễn Văn A về hành vi trộm cắp tài sản; hình thức phạt tiền, mức phạt 1.000.000 đồng, truy thu 500.000 đồng (tổng số A phải thi hành 1.500.000 đồng); đến ngày 01/02/2020 A trộm cắp tài sản giá trị 500.000 đồng; A không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu A đã nộp phạt 1.500.000 đồng; Quyết định xử phạt hành chính là yếu tố định tội Trộm cắp tài sản, khi A chỉ nộp phạt 1.000.000 đồng.

Thứ hai Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hết thời hiệu thi hành, quy định tại Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính, đó là: Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông, xây dựng và an ninh trật tự, an toàn xã hội. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Từ nội dung trên, có thể kết luận được Quyết định xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản được coi là yếu tố định tội của các tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội Trộm cắp tài sản, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội Hủy hoại hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản, khi Quyết định này hợp pháp và trong thời hạn, không hết thời hiệu thi hành./.

                                                                                                      Nguyễn Quang Trung
Phòng 7- VKSND tỉnh Hải Dương


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây