Tòa án nhân dân cấp nào có Thẩm quyền xét xử sơ thẩm?

Thứ hai - 19/08/2019 23:24

Thẩm quyền xét xử của Tòa án được quy định tại Chương XXI, từ Điều 268 đến Điều 275 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS);

Theo Điều 268, Điều 269 BLTTHS, Tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện được xét xử những vụ án hình sự, trừ những tội phạm quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 269 BLTTHS, khi có đủ  các điều kiện sau:

- Tội phạm ít nghiêm trọng (tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm), tội phạm nghiêm trọng (tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù) và tội phạm rất nghiêm trọng (tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù);

- Nơi tội phạm được thực hiện hoặc nơi kết thúc việc điều tra, trong trường hợp không xác định được nơi thực hiện tội phạm, khi tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm;

Thực tiễn, có vụ án hình sự, đảm bảo 02 tiêu chí trên, nhưng TAND cấp huyện, không được xét xử (không có thẩm quyền). Ví dụ cụ thể:

Tháng 01/2019 Nguyễn Văn A bị TAND cấp tỉnh HD phạt chung thân về tội giết người; A chấp hành hình phạt tại Trại giam HT, thuộc Bộ Công an, trụ sở trên địa bàn tỉnh HD. Ngày 01/5/2019 A được đưa đến Bệnh viện thuộc huyện GL, tỉnh HD để khám chữa bệnh tâm thần. Ngày 03/5/2019 A bỏ trốn. Giám thị trại giam HT quyết định khởi tố vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện GL khởi tố điều tra bị can, VKSND huyện GL truy tố bị can Nguyễn Văn A ra trước TAND huyện GL về tội Trốn khỏi nơi giam, quy định tại Điều 386 khoản 1 BLHS; 

Nếu chỉ căn cứ loại tội phạm ít nghiêm trọng (mức cao nhất của khung hình phạt của Điều 386 khoản 1 là 03 năm tù); tội phạm xảy ra tại huyện GL, thì thẩm quyền xét xử thuộc về TAND huyện GL. Nhưng căn cứ Điều 55 Bộ luật hình sự, thì TAND huyện GL không có quyền tổng hợp hình phạt tù với hình phạt tù chung thân theo quy định tại Điều 56 khoản 2 BLHS, bởi các căn cứ sau:

Thứ nhất Điều 55 khoản 1 điểm a, c quy định: Khi xét xử cùng 01 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:1. Đối với hình phạt chính: a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn; c) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;

Thứ hai Theo quy định tại Điều 268 BLTTHS, TAND cấp huyện chỉ được xét xử đối với tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt đến 15 năm tù, được tổng hợp hình phạt tù có thời hạn, nhưng không quá 30 năm tù; thẩm quyền xét xử đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mức cao nhất của khung hình phạt đến tù chung thân hoặc tử hình thuộc TAND cấp tỉnh;

Thứ ba BLTTHS 2015 quy định thẩm quyền xét xử, không quy định thẩm quyền tổng hợp hình phạt, nhưng Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP (Nghị quyết 02/2010) ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự 1999 về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, quy đinh Trường hợp bị cáo bị truy tố về một hoặc một số tội thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện mà khi thụ lý vụ án xét thấy bị cáo đã bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình tại một bản án khác và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật thì Toà án nhân dân cấp huyện phải báo cáo với Toà án nhân dân cấp tỉnh để Toà án nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh rút hồ sơ vụ án lên để truy tố, xét xử ở cấp tỉnh. Bộ luật hình sự 1999 đã được thay thế bằng Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, theo đó Nghị quyết 02/2010 cũng không còn hiệu lực thi hành từ 01/01/2018, nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn mới, nội dung Nghị quyết 02/2010 phù hợp; vẫn có thể được áp dụng trong thực tiễn xét xử;

Từ phân tích trên, chúng tôi cho rằng, thẩm quyền xét xử vụ án Nguyễn Văn A là của TAND tỉnh HD; TAND huyện GL không phải báo cáo TAND cấp tỉnh thống nhất với VKSND cấp tỉnh, mà căn cứ Điều 274 BLTTHS trả hồ sơ cho VKSND huyện GL, để VKSND huyện GL chuyển đến VKSND tỉnh HD, truy tố bị can Nguyễn Văn A ra trước TAND tỉnh HD để xét xử về tội Trốn khỏi nơi giam, quy định tại Điều 386 khoản 1 Bộ luật hình sự;

Tuy nhiên để bảo đảm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự thì việc hướng dẫn thẩm quyền tổng hợp hình phạt bằng văn bản mới thay thế Nghị quyết 02/2010 là rất cần thiết./.

                                                                                       Nguyễn Quang Trung- P7, Phạm Duy Thơi- P8
VKSND tỉnh Hải Dương


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây