Xét xử vắng mặt bị cáo theo quy định của Bộ luật tố hình sự

Chủ nhật - 28/07/2019 22:25

Điều 290  khoản 2 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định : Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp: a) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; c) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận; d) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.

Nghiên cứu nội dung điều luật, thấy rằng 04 trường hợp được xét xử vắng mặt bị cáo đều có điểm chung, đó là việc Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử và giao được Quyết định cho bị cáo; nhưng bị cáo không đến phiên tòa theo ngày giờ địa điểm xét xử theo quyết định xét xử; thực tiễn xét xử, xử lý như sau:  hoãn phiên tòa lần thứ nhất, tiếp tục triệu tập hợp lệ lần thứ hai cùng kế hoạch áp giải bị cáo đến phiên tòa; nếu bị cáo không đến phiên tòa, thì giải quyết như sau:

Trường hợp thứ nhất: Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả: Khi có đủ tài liệu xác định Bị cáo trốn (áp giải không có kết quả), Hội đồng xét xử phải quyết định tạm đình chỉ xét xử và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.

Cần phân biệt với trường hợp sau khi  thụ lý vụ án, chưa ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán quyết định triệu tập bị can đến làm việc để xét áp dụng biện pháp ngăn chặn (Cấm đi khỏi nơi cư trú) hoặc đến nhận Quyết định đưa vụ án ra xét xử, nhưng bị can, bị cáo vắng mặt không có lý do, xác minh tại địa phương, chính quyền và thân nhân không biết bị can ở đâu; trường hợp này, nếu xác định được bị can đã bỏ trốn thì Tòa án phải yêu cầu Cơ quan điều tra Công an cùng cấp truy nã bị can; hết thời hạn chuẩn bị xét xử, không bắt được bị can, Thẩm phán ra Quyết định tạm đình chỉ vụ án (không được xét xử vắng mặt vì bị cáo chưa được biết mình bị xét xử về tội gì- quyền bào chữa).

Việc truy nã bị cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 231 BLTTHS và nội dung quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012 của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, VKSND tối cao, TAND tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS 2003 và Luật thi hành án hình sự về truy nã, đó là việc Tòa án phải ra văn bản yêu cầu truy nã bị cáo; Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị cáo, ngay khi nhận được văn bản của Tòa án. Nếu hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có công văn yêu cầu mà việc truy nã vẫn chưa có kết quả thì Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã phải thông báo cho Tòa án biết để Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử vắng mặt người bị truy nã. Luật quy định “ra ngay” , không quy định ngày giờ cụ thể Tòa án phải ra văn bản yêu cầu, Cơ quan điều tra phải ra Quyết định truy nã, phải thông báo kết quả truy nã, nhưng theo nguyên tắc xét xử kịp thời (Điều 25 BLTTHS), điều tra nhanh chóng (Điều 19 BLTTHS), thì Tòa án phải thực hiện ngay việc yêu cầu truy nã- đồng thời với Quyết định tạm đình chỉ xét xử, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị cáo ngay khi nhận được yêu cầu của Tòa án, thông báo ngay sau 01 tháng tính từ khi ra Quyết định truy nã mà không bắt được bị can, để Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị cáo. Theo cách tiếp cận này, từ khi Quyết định tạm đình chỉ xét xử đến khi Quyết định xét xử vắng mặt bị cáo không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 277 BLTTHS.

Trường hợp thứ hai  Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa: Luật định không thể triệu tập đến phiên tòa khác việc không thể triệu tập đến nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; do vậy khi có đủ tài liệu hợp pháp như: thông tin xuất nhập cảnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, xác định sau khi bị cáo nhận Quyết định đưa vụ án ra xét xử, đã không còn ở Việt Nam; nếu không có tài liệu hợp pháp thì coi đây là trường hợp bỏ trốn và áp dụng điểm a khoản 2 Điều 290 BLTTHS để xét xử; Khi áp dụng quy định này phải thỏa mãn 2 điều kiện: Bị cáo không ở Việt Nam và Không thể triệu tập được bị cáo đến phiên tòa do không rõ địa chỉ- nước ngoài bị cáo sinh sống hoặc rõ địa chỉ nước ngoài nhưng không triệu tập được do chưa có hiệp định tương trợ tư pháp;

Trường hợp thứ ba Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận; Trường hợp này cần có đơn đề nghị của bị cáo, có xác nhận hợp pháp, đồng thời sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử, nếu vắng mặt của bị cáo gây trở ngại cho việc xét xử thì phải áp giải bị cáo đến phiên tòa, hoặc ra Lệnh bắt tạm giam bị cáo để đảm bảo việc xét xử theo Luật định;

Trường hợp thứ tư Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử. BLTTHS không giải thích từ ngữ lý do bất khả kháng. Qua tìm hiểu và nghiên cứu Điều 156 Bộ luật dân sự thấy rằng: lý do bất khả kháng, là lý do khách quan, ngoài ý muốn của bị cáo và bị cáo không dự đoán trước được, không thể tránh và khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, như bị cáo không đến phiên tòa do tại thời điểm đó, xảy ra lũ lụt, cháy nổ, đột quỵ…Như vậy xác định lý do bất khả kháng rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa để áp dụng quy định xét xử vắng mặt, tránh việc lạm dụng để đẩy nhanh tiến độ giải quyết án tạo điều kiện cho bị cáo trốn tránh sự phán xét công khai tại Tòa án;

                                                                                                           Nguyễn Quang Trung
Phòng 7 VKSND tỉnh Hải Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây