Một số qui định của pháp luật về thi hành hình phạt án treo, cải tạo không giam giữ
Thứ sáu - 08/04/2016 05:38
Bộ luật hình sự qui định về tội phạm và hình phạt. Hệ thống hình phạt trong pháp luật hình sự Việt Nam có 7 loại hình phạt chính bao gồm: Hình phạt cảnh cáo; Phạt tiền; Cải tạo không giam giữ; Trục xuất; Tù có thời hạn (trong đó có án treo); Tù chung thân; Tử hình. Án treo, cải tạo không giam giữ là hình phạt mà người thụ án không phải cách ly khỏi xã hội mà họ được chung sống với gia đình như những người khác dưới sự giám sát của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương nơi người đó làm việc hoặc cư trú. Chính vì vậy, cộng đồng dân cư cần phải biết những qui định của pháp luật về các vấn đề thế nào là án treo, thế nào là cải tạo không giam giữ, việc thi hành 2 loại hình phạt này như thế nào, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của cộng đồng, của gia đình ra sao?
Án treo được quy định tại Điều 60 - Bộ luật hình sự:
Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.
Trong thời gian thử thách, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
Người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định.
Cải tạo không giam giữ được quy định tại Điều 31 - Bộ luật hình sự:
Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ sáu tháng đến ba năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng, nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.
Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng ba ngày cải tạo không giam giữ.
Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
Người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ Nhà nước. Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.
Luật thi hành án hình sự qui định việc thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại các Điều từ 61-70 và từ 72-81. Theo đó:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định THAHS cơ quan THAHS công an cấp huyện có nhiệm vụ triệu tập người được hưởng án treo, người đại diện hợp pháp của người được hưởng án treo là người chưa thành niên, người bị kết án cải tạo không giam giữ đến trụ sở cơ quan thi hành án để ấn định thời gian người chấp hành án phải có mặt tại UBND cấp xã nơi người cư trú cam kết việc chấp hành án, lập hồ sơ THA; trong hạn 07 ngày kể từ ngày triệu tập, cơ quan THAHS công an cấp huyện, Cơ quan THAHS cấp quân khu phải giao hồ sơ THA cho UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, người chấp hành án cải tạo không giam giữ.
Về nghĩa vụ của người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ: Người chấp hành án phải chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về hình phạt bổ sung, trách nhiệm bồi thường. Người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ phải có mặt theo yêu cầu của UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục; phải khai báo tạm vắng nếu đi khỏi nơi cư trú từ 01 ngày trở lên, 3 tháng một lần trong thời gian thử thách phải nộp bản tự nhận xét về việc chấp hành pháp luật cho người trực tiếp giám sát, nếu đi khỏi nơi cư trú từ 3 đến 5 tháng thì phải có nhận xét của công an cấp xã nơi người đó đến tạm trú để trình với UBND nơi được giáo giám sát, giáo dục. Riêng người chấp hành án cải tạo không giam giữ còn phải nộp một phần thu nhập bị khấu trừ theoBanr án của Tòa án.
Trường hợp người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ thay đổi nơi cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan thi hành án hình sự - Công an cấp huyện để làm thủ tục giao hồ sơ thi hành án cho UBND cấp xã nơi người đó đến cư trú để giám sát, giáo dục.
Nếu người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ không chấp hành đầy đủ nghĩa vụ nêu trên thì họ phải có thể phải chịu hậu quả như sau:
Bị UBND cấp xã, phường phối hợp với MTTQ, khu dân cư họp để kiểm điểm; riêng đối với người chấp hành án treo họ có thể không được hưởng án treo nữa ( theo qui định tại Điều 65 có hiệu lực từ ngày 01/7 tới) hoặc bị buộc phải chấp hành hình phạt tù mà bản án đã tuyên và tổng hợp với hình phạt của bản án mới (khi phạm tội mới, trong thời gian thử thách).
Ví dụ 1: Nguyễn Văn A đang chấp hành án 12 tháng tù cho hưởng án treo thời gian thử thách là 24 tháng, nhưng không khai báo tạm vắng, không viết bản kiểm điểm, hay không thực hiện các nghĩa vụ khác…cố ý vi phạm 2 lần trở lên thì có thể bị Tòa án buộc chấp hành án 12 tháng tù và buộc phải vào trại giam.
Ví dụ 2: Ngô Văn B đang chấp hành án 12 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng. Khi chấp hành án được 20 tháng rồi thì B phạm tội Trộm cắp tài sản và bị phạt 18 tháng tù thì Tòa án sẽ không cho B được hưởng án treo nữa mà cộng 12 tháng tù của bản án trước với 18 tháng tù của bản án mới bằng 30 tháng tù buộc B phải chấp hành. ( Theo Điều 51 BLHS năm 1999 hiện hành hoặc Điều 65 BLHS năm 2015 )
Đối với người cải tạo không giam giữ mà phạm tội mới trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ thì Toà án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước (quy đổi thành hình phạt tù) và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án.
Ví dụ 3: Trần Văn C bị phạt 18 tháng cải tạo không giam giữ về tội Trộm cắp tài sản, khi chấp hành án được 9 tháng C lại phạm tội mới về tội Cố ý gây thương tích và bị tuyên phạt 10 tháng tù, thì Tòa án sẽ qui đổi 9 tháng CTKGG còn lại của C để qui đổi thành 3 tháng tù (3 ngày CTKGG=1 ngày tù) và tổng hợp hình phạt của bản án mới thành 13 tháng tù.
Ngoài ra, người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ nếu quá trình chấp hành án có vi phạm thì tùy theo mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội quy định tại các điều: Điều 304 (Tội không chấp hành án); Điều 305 (Tội không thi hành án); Điều 306 (Tội cản trở việc thi hành án).
Người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ nếu chấp hành tốt, có đủ một số điều kiện theo quy định của pháp luật có thể được xem xét rút ngắn thời gian thử thách đối với án treo và rút ngắn thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, được xem xét rút ngắn thời hạn xóa án tích theo quy định của pháp luật.
Về trách nhiệm của UBND xã, phường:
Tiếp nhận hồ sơ thi hành án do CQTHAHS công an cấp huyện chuyển tới, triệu tập người cấp hành án tới làm việc, cử người giám sát, tổ chức họp kiểm điểm nếu người chấp hành án không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ…Xác nhận hoặc đề nghị cho người chấp hành án được giảm thời gian chấp hành án hoặc miễn chấp hành phần án còn lại, bổ sung hồ sơ thi hành án…Và trước 3 ngày người chấp hành án chấp hành xong hình phạt thì UBND cấp xã phải bàn giao hồ sơ lại cho CQ THAHS Công an cấp huyện để cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt cho người chấp hành xong án treo, CTKGG. ( Lưu ý những người chấp hành 2 loại án này, chấp hành xong cần tới CQ THAHS Công an cấp huyện để lấy Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt…)
Về trách nhiệm của gia đình người được hưởng án treo: Gia đình người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã và người được phân công giám sát, giáo dục người chấp hành án để giám sát giáo dục người đó; thông cáo kết quả thi hành án cho UBND cấp xã khi được yêu cầu; bồi thường thiệt hại và thực hiện các nghĩa vụ dân sự khác nếu người chấp hành án là người chưa thành niên theo quyết định của Tòa án và phải có mặt tại cuộc họp kiểm điểm người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ nhằm ràng buộc trách nhiệm của chính quyền, cộng đồng và gia đình nhiều hơn trong việc giáo dục, quản lý người được hưởng án treo.
Kiểm sát việc thi hành án treo, cải tạo không giam giữ: Theo qui định tại Điều 141 Luật thi hành án hình sự khi thực hiện kiểm sát thi hành án hình sự Viện kiểm sát nhân dân có 8 nhiệm vụ và quyền hạn. Theo đó, trong công tác kiểm sát việc thi hành hình phạt án treo, cải tạo không giam giữ VKSND có những nhiệm vụ, quyền hạn như: Yêu cầu Toà án cùng cấp và cấp dưới ra quyết định thi hành án hình sự đúng quy định của pháp luật; Yêu cầu Toà án, cơ quan thi hành án hình sự, UBND cấp xã tự kiểm tra việc thi hành án hình sự và thông báo kết quả kiểm tra cho Viện kiểm sát; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc thi hành án hình sự; Phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự theo thẩm quyền; định kỳ và đột xuất kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành án của cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp và cấp dưới, UBND cấp xã; kiểm sát hồ sơ thi hành án hình sự của cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp và cấp dưới, UBND cấp xã; Đề nghị rút ngắn thời gian thử thách; Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu Toà án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, cấp dưới, UBND cấp xã và cá nhân có liên quan; yêu cầu đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án hình sự; chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật; Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thi hành án hình sự; Khởi tố hoặc yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố về hình sự khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm trong thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật.
Trên đây là một số qui định pháp luật về thi hành án treo và cải tạo không giam giữ, các cơ quan pháp luật cần tăng cường phổ biến cho nhân dân hiểu rõ để góp phần chấp hành nghiêm qui định của pháp luật, góp phần giám sát việc thi hành và chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ tại địa phương.