Những điểm mới của luật thi hành tạm giữ, tạm giam
Thứ ba - 05/04/2016 21:50
Ngày 25/10/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII thông qua Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016, gồm 10 chương, 73 điều. Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành tạm giữ, tạm giam; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành tạm giữ, tạm giam. Việc ban hành Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã tháo gỡ những hạn chế trong công tác quản lý giam, giữ cũng như quyền của người bị tạm giữ, tạm giam và là một bước tiến bộ trong công tác xây dựng pháp luật. So với những văn bản pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam trước khi ban hành, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam có những nội dung mới như sau:
1. Về hệ thống tổ chức cơ quan quản lý và cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam
Luật quy định cơ quan quản lý thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp là cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam; còn Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, Buồng tạm giữ là cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam. Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, gồm:
- Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam trong Công an nhân dân gồm: cơ quan quản lý thi hành án và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam trong phạm vi cả nước; Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh thực hiện quản lý tạm giữ, tam giam trong địa bàn tỉnh; Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam trong địa bàn huyện.
- Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân gồm: Cơ quan thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng; Cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh.
Hệ thống cơ cấu cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam gồm: Trại tạm giam thuộc Bộ Công an; Trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng; Trại tạm giam Công an cấp tỉnh; trại tạm giam thuộc quân khu và tương đương; Nhà tạm giữ Công an cấp huyện; nhà tạm giữ Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân; Buồng tạm giữ của đồn biên phòng ở hải đảo, biên giới xa trung tâm hành chính cấp huyện.
2. Về chế độ tạm giữ, tạm giam
- Luật bổ sung mới 2 đối tượng trong 12 đối tượng được tạm giữ, tạm giam theo khu là: Người thường xuyên vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ (điểm l khoản 1 Điều 18); người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định hoặc đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh (điểm l khoản 1 Điều 18).
- Luật cũng quy định không được giam giữ chung buồng những người trong cùng một vụ án đang trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt do điều kiện thực tế mà nhà tạm giữ, trại tạm giam không thể đáp ứng được yêu cầu giam giữ riêng hoặc để bảo đảm yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm cho người bị tạm giữ, tạm giam thì Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại giam, Trưởng buồng tạm giữ đồn biên phòng phối hợp với cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định bằng văn bản những người được giam giữ chung (Khoản 2, 3 Điều 18). Những trường hợp có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng như: Người đồng tính, người chuyển giới; người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; người bị kết án tử hình và người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định hoặc đang chờ đưa vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh; phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi (khoản 3 Điều 18).
- Theo quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam thì Thủ trưởng cơ sở tạm giữ, tạm giam quy định cụ thể thời điểm thăm gặp, thông báo cho cơ quan thụ lý vụ án về việc gặp người bị tạm giữ, tạm giam. Ngoài ra Thủ trưởng cơ sở giam giữ không cho thăm gặp khi người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ 2 lần trở lên. Thời gian người bị tạm giữ, tạm giam được gặp người thân 1 lần trong thời gian giam giữ, 1 lần gia hạn giữ được gặp người thân; việc tăng số lần gặp hoặc người gặp không phải là người thân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý.
- Về kỷ luật người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm nội quy: Người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm nội quy cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ thì bị kỷ luật với hình thức cách ly ở buồng kỷ luật từ 1 đến 2 ngày và có thể bị gia hạn đến 2 ngày đối với người bị tạm giữ, 10 ngày đối với người bị tạm giam (đã giảm 2 ngày so với quy chế giam giữ). Đồng thời luật cũng quy định trường hợp bị cùm 1 chân và không áp dụng cùm chân với người bị kỷ luật là người dưới 18 tuổi, phụ nữ, người khuyết tật nặng trở lên, người 70 tuổi trở lên.
3. Chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam
Luật bổ sung thêm các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, gồm: Được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình; Được quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; quyền bỏ phiếu trưng cầu dân ý theo quy định của Luật trưng cầu dân ý; được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự; được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam (các điểm a, b, e, g khoản 1 điều 9). Người bị tạm giữ, tạm giam chết mà trước đó đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội hoặc đang hưởng lương hưu thì chế độ tử tuất giải quyết theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội (khoản 6 điều 26). Chỗ nằm tối thiểu cho mỗi người bị tạm giữ, tạm giam là 2 m2, được bố trí sàn nằm và có chiếu (khoản 4 điều 47); đối với người bị tạm giữ, tạm giam là phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là 3 m2 (khoản 1 điều 35).
Luật cũng quy định cụ thể chế độ ăn, ở đối với người bị kết án tử hình. Quy định cụ thể người dưới 18 tuổi được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng ăn như người bị tạm giữ, tạm giam đã thành niên và được ăn thêm thịt, cá nhưng không quá 20% so với định lượng.