Tìm hiểu về nội dung, thủ tục tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba trong công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

Thứ tư - 13/04/2016 21:28

Tìm hiểu về nội dung, thủ tục tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba trong công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

Ngày 01/02/2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.  
Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương về công tác bầu cử việc lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp phải thực hiện qua ba lần hiệp thương. Đến nay hầu hết các địa phương trong cả nước đã tổ chức thành công Hội nghị hiệp thương lần thứ hai và đang tiến hành tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba.
Ảnh minh họa
 
Theo tinh thần Nghị quyết liên tịch số 11/2016/NQLT/UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 01/02/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba được quy định như sau:  
Đối với việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử Đại biểu Quốc hội
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đối với Hội nghị hiệp thương ở trung ương), Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh (đối với Hội nghị hiệp thương ở cấp tỉnh) báo cáo về tình hình và kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với những người ứng cử, trong đó cần nêu rõ những trường hợp người ứng cử không được sự tín nhiệm của cử tri và những trường hợp cần xem xét do có vụ việc cử tri nêu. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương báo cáo dự kiến danh sách người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội. Trường hợp không thoả thuận được thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Nếu hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì cử tổ kiểm phiếu từ ba đến năm người. Phiếu biểu quyết phải có dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.  Hội nghị thông qua biên bản và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội. Việc gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 48 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; ở cấp tỉnh được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 49 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất là ngày 22/4/2016.
 Đối với việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân.  Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương báo cáo về tình hình và kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với những người ứng cử, trong đó cần nêu rõ những trường hợp người ứng cử không được sự tín nhiệm của cử tri và những trường hợp cần xem xét do có vụ việc cử tri nêu. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương báo cáo dự kiến danh sách người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Trường hợp không thoả thuận được thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Nếu hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì cử tổ kiểm phiếu từ ba đến năm người. Phiếu biểu quyết phải có dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết. Hội nghị thông qua biên bản và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Việc gửi biên bản hội nghị hiệp thương và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 56 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất là ngày 22/4/2016. Đối với những nơi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội thì biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp và Ủy ban bầu cử cùng cấp.
Như vậy, theo tinh thần của Hướng dẫn này thì chậm nhất ngày 22/4/2016 tất cả các địa phương trong cả nước phải thực hiện xong việc hiệp thương, hoàn thiện biên bản và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây là một trong những cơ sở để cử tri cả nước thực hiện quyền làm chủ của mình, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong nhiệm kỳ mới./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây