Chọn ai cho ngày Hội toàn dân đi bầu cử?

Thứ năm - 31/03/2016 23:14
Tại Điều 27 Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân”. Đó là những quyền chính trị cơ bản, quan trọng  của công dân được nhà nước đặc biệt coi trọng và quy định trong Hiến pháp. Để thực hiện tốt quyền này, bên cạnh việc hiểu thì đòi hỏi mỗi công dân phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi mà chúng ta đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 vào ngày 22/5/2016 sắp tới.
Được cầm lá phiếu đi bầu cử như ngày hôm nay, biết bao nhiêu xương máu của cha ông ta đã đổ xuống. Lá phiếu đó chính là biểu hiện của sự tự do, dân chủ, là quyền lợi chính trị chính đáng của mỗi công dân trong một đất nước độc lập. Nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của lá phiếu trong ngày bầu cử sẽ giúp chúng ta đặt ra những câu hỏi quan trọng là chọn ai, chọn người như thế nào để xứng đáng đứng ra gánh vác trọng trách to lớn của đất nước, đại diện cho nhân dân  chèo lái con thuyềnViệt Nam, đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ vẫn hằng mong đợi. Muốn trả lời được câu hỏi đó, trước tiên đòi hỏi chúng ta phải hiểu và biết về tiêu chuẩn của Đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp
Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội, cụ thể: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ (nam sinh từ tháng 5/1961, nữ sinh từ tháng 5/1966 trở lại đây).
Về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Quốc hội chuyên trách được quy định cụ thể như sau: ngoài các tiêu chuẩn chung, còn phải có trình độ đại học trở lên; có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí công tác dự kiến phân công. Người ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội công tác ở cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước ở Trung ương giữ chức cục trưởng, vụ trưởng hoặc tương đương trở lên, nói chung có quy hoạch làm đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc có quy hoạch chức danh Tổng cục trưởng và tương đương trở lên. Nếu là cán bộ Quân đội, Công an thì phải giữ chức cục trưởng, vụ trưởng hoặc tương đương trở lên hoặc có quân hàm từ Đại tá trở lên. Người ứng cử đại biểu Quốc hội làm phó trưởng đoàn chuyên trách ở địa phương giữ chức giám đốc sở hoặc tương đương trở lên là tỉnh ủy viên, nói chung có quy hoạch một trong các chức danh sau: ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên. Về độ tuổi, ngoài tiêu chuẩn chung về độ tuổi nêu trên thì người lần đầu ứng cử phải đủ tuổi tham gia 02 khóa Quốc hội trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa. Đại biểu Quốc hội chuyên trách tái cử (trừ các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính đến tháng 5/2016 (nam sinh từ tháng 11/1958, nữ sinh từ tháng 11/1963 trở lại đây). Đại biểu Quốc hội là cán bộ nữ thuộc đối tượng được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo Nghị định số 53/2015/NĐ-CP, ngày 29/5/2015 của Chính phủ và cán bộ nữ là Ủy viên Thường trực của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo Kết luận của Bộ Chính trị (Công văn số 12278-CV/VPTW ngày 03/12/2015 của Văn phòng Trung ương Đảng) được tái cử nếu sinh từ tháng 5/1961 trở lại đây.  Đại biểu Quốc hội chuyên trách tái cử được giữ chức vụ và công tác đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.Về tiêu chuẩn sức khỏe: Được cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận đủ sức khỏe trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm giới thiệu nhân sự.
Tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được quy định cụ thể như sau:
Tiêu chuẩn chung: Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.
Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ (nam sinh từ tháng 5/1961, nữ sinh từ tháng 5/1966 trở lại đây).
 Về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, ngoài các tiêu chuẩn chung, người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách ở các cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau:có trình độ đại học trở lên (đối với cấp tỉnh, cấp huyện); có khả năng tham gia xây dựng chính sách và tổ chức các hoạt động giám sát; có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến phân công.
+ Ở cấp tỉnh: Cán bộ ứng cử phó chủ tịch Hội đồng nhân dân phải là tỉnh ủy viên (trong 02 đồng chí phó chủ tịch Hội đồng nhân dân có 01 đồng chí là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy) giữ chức giám đốc sở hoặc tương đương trở lên; ứng cử trưởng ban của Hội đồng nhân dân nói chung phải giữ chức phó giám đốc sở hoặc tương đương trở lên; ứng cử phó trưởng ban của Hội đồng nhân dân nói chung phải giữ chức vụ trưởng phòng của sở, ban, ngành cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên.
+ Ở cấp huyện: Cán bộ ứng cử phó chủ tịch Hội đồng nhân dân phải là huyện ủy viên (trong 02 đồng chí phó chủ tịch Hội đồng nhân dân có 01 đồng chí là ủy viên ban thường vụ huyện ủy), giữ chức trưởng phòng cấp huyện hoặc tương đương trở lên; ứng cử trưởng ban của Hội đồng nhân dân nói chung phải giữ chức phó trưởng phòng cấp huyện hoặc tương đương trở lên; ứng cử phó trưởng ban của Hội đồng nhân dân nói chung phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên từ 05 năm trở lên.
+ Ở cấp xã: Cán bộ ứng cử phó chủ tịch Hội đồng nhân dân phải là ủy viên ban thường vụ Đảng ủy xã; đối với những nơi chưa có điều kiện có thể xem xét, giới thiệu đồng chí ủy viên ban chấp hành Đảng bộ xã. Căn cứ tình hình cụ thể, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện đối với cán bộ ứng cử phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã; phấn đấu lựa chọn cán bộ trẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực và khả năng phát triển.
- Về độ tuổi, ngoài tiêu chuẩn chung về độ tuổi nêu trên, người lần đầu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân chuyên trách phải đủ tuổi tham gia 02 nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân trở lên hoặc ít nhất trọn 01 nhiệm kỳ; nếu tái cử thì thực hiện theo Chỉ thị số 36-CT/TW và Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW, ngày 18/8/2014 của Ban Tổ chức Trung ương (nam sinh từ tháng 9/1958, nữ sinh từ tháng 9/1963 trở lại đây).  Người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ở những huyện, quận, phường thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ, một số trường hợp đặc biệt có thể áp dụng tương tự đối với đại biểu hội đồng nhân dân chuyên trách tái cử.
- Về tiêu chuẩn sức khỏe: Được cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận đủ sức khỏe trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm giới thiệu nhân sự .
Tuyệt đối không lựa chọn những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03/7/2007 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận. Hiểu rõ được những tiêu chuẩn trên, chắc chắn mỗi cử tri chúng ta sẽ sáng suốt lựa chọn được những người có đủ tài, đức gánh vác những trọng trách lớn lao của đất nước. Đó cũng chính là sự thể hiện tình yêu, tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc mình.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây