Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm dân sự

Thứ sáu - 16/07/2021 03:15

Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm dân sự

Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên phạm vi của bài viết này chỉ đề cập đến nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm dân sự. Để kiểm sát có hiệu quả việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa sơ thẩm dân sự, kiểm sát viên cần phải nắm vững những vấn đề sau:

1. Những vụ án kiểm sát viên tham gia phiên tòa:

Theo quy định tại Điều 21 BLTTDS, Thông tư liên tịch số 02/2016, Quy chế kiểm sát dân sự ban hành kèm theo Quyết định 364/QĐ-VKSNDTC quy định về các trường hợp VKS phải tham gia phiên tòa. Cụ thể:

- Vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ theo yêu cầu của đương sự hoặc thu thập theo yêu cầu của VKS hoặc Tòa án tự thu thập khi xét thấy cần thiết. Quá trình thu thập chứng cứ, Tòa án có thể thông qua một hoặc một số biện pháp quy định tại Điều 97 và được quy định cụ thể từ Điều 98 đến Điều 106 BLTTDS.

-  Vụ án mà đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở

    + Tài sản công là tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước tại các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, được hình thành từ nguồn do ngân sách nhà nước cấp hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (Ví dụ: Vụ án dân sự tranh chấp về tài sản của một cơ quan nhà nước mà tài sản đó được mua sắm từ nguồn vốn do ngân sách nhà nước cấp).

   +  Lợi ích công cộng là những lợi ích vật chất hoặc tinh thần liên quan đến xã hội hoặc cộng đồng dân cư (Ví dụ: Vụ án dân sự do đương sự khởi kiện yêu cầu doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại do gây ô nhiễm môi trường).

   + Vụ án có tranh chấp quyền sử dụng đất, nhà ở: Theo quy định của pháp luật, đó là các tranh chấp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà (Ví dụ: Khởi kiện đòi lại thửa đất, nhà ở do người khác đang quản lý).

    + Vụ án tranh chấp về hợp đồng có đối tượng của hợp đồng là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở (Ví dụ: Tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng mua bán nhà ở; tranh chấp về hợp đồng thuê quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê nhà ở; tranh chấp về hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng tặng cho nhà ở; tranh chấp về hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng góp vốn bằng giá trị nhà ở…)

    

-  Vụ án có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (cụ thể quy định tại Điều 21, Điều 22, Điều 23,Điều 24 BLDS)

- Vụ án dân sự chưa có điều luật để áp dụng: Đó là những vụ án mà người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết nhưng tranh chấp đó chưa có điều luật điều chỉnh.

2. Kiểm sát các hoạt động tố tụng bắt đầu phiên tòa sơ thẩm

- Điều 22 Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự quy định: Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của những người tham gia tố tụng. Như vậy, Kiểm sát viên sẽ tham gia và kiểm sát các hoạt động của Thư ký tòa án trước khi hội đồng xét xử vào làm việc như phổ biến nội quy phiên tòa, chuẩn bị các công tác nghiệp vụ cần thiết khác....

- Kiểm sát viên phải xác định thành phần Hội đồng xét xử, Thư ký tòa án có thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi (quy định tại Điều 53, Điều 54 BLTTDS). Nếu phát hiện có những căn cứ thấy rằng Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân hoặc Thư ký tòa án thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi thì Kiểm sát viên phải yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét.

- Thông qua hoạt động của thư ký phiên tòa, chủ tọa phiên tòa trong việc báo cáo, kiểm tra sự có mặt của người tham gia tố tụng tại phiên tòa. Kiểm sát viên phải kiểm tra tư cách pháp lý của các đương sự và những người tham gia tố tụng khác theo quy định tại các Điều 68, 75, 77, 79, 81 BLTTDS năm 2015,

- Kiểm sát viên có quyền đề nghị hoãn phiên tòa nếu thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56, khoản 2 Điều 62, khoản 2 Điều 84, các điều 227, 229, 230, 231, 232, 241 và các trường hợp khác theo quy định của BLTTDS.

 3. Kiểm sát thủ tục tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm

- Trình bầy của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải thực hiện đúng theo quy định tại Điều 248 BLTTDS cụ thể: Mở đầu phần tranh tụng là phần trình bầy của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, nguyên đơn bổ sung. Sau đó đến người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, bị đơn bổ sung. Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bầy, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bổ sung. Trường hợp đương sự không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì họ tự trình bầy yêu cầu của mình, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình có căn cứ và hợp pháp.

- Trình tự hỏi tại phiên tòa sơ thẩm thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 249 BLTTDS năm 2015, Kiểm sát viên tham gia hỏi sau khi những người tham gia tố tụng, chủ tọa phiên tòa và Hội thẩm nhân dân đã hỏi xong. Để thực hiện tốt phần hỏi, kiểm sát viên phải theo dõi chặt chẽ các nội dung trả lời trước đó của  đương sự, người tham gia tố tụng khác, từ đó phát hiện những vấn đề chưa được hỏi để hỏi làm rõ các tình tiết phải liên quan phục vụ cho việc giải quyết vụ án.

Trong các trường hợp chủ tọa điều hành phiên tòa không thực hiện theo đúng trình tự về trình bầy, về trình tự hỏi, Kiểm sát viên phải có ý kiến yêu cầu chủ tọa điều hành đúng trình tự theo quy định của pháp luật.

- Phần tranh luận tại phiên tòa tuân thủ theo trình tự quy định tại Điều 260 BLTTDS, các đương sự phát biểu về đánh giá chứng cứ, đề xuất quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án và có quyền đáp lại ý kiến của người khác. Pháp luật không quy định hạn chế thời gian khi tranh luận, tuy nhiên thực tế xét xử, có đương sự tranh luận những nội dung  xung quanh vụ án, không đúng vào nội dung cần giải quyết (yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập) thì tùy từng trường hợp Kiểm sát viên đề nghị chủ tọa phiên tòa hoặc yêu cầu đương sự tranh luận đúng nội dung cần giải quyết

 

Hình ảnh một phiên tòa sơ thẩm dân sự

4. Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm

- Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa và của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 262 Bộ luật TTDS và hướng dẫn tại Điều 28 của Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016. Quan điểm về việc giải quyết vụ án đã được lãnh đạo duyệt, tuy nhiên tại phiên tòa nếu có sự thỏa thuận của đương sự hay phát sinh những tình tiết khác, căn cứ quy định của pháp luật tùy từng trường hợp KSV phải giải quyết và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Phát biểu của KSV tại phiên tòa phải lập luận chặt chẽ, sắc bén, mang tính thuyết phục chứng minh cho quan điểm của Viện kiểm sát là phù hợp và có căn cứ pháp luật.

- Căn cứ tại các điều 262, 306, khoản 3 Điều 341, điểm g khoản 1 Điều 369, điểm c khoản 1 Điều 375 quy định: Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên phải gửi bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ việc. Đây là điểm cần chú ý trong thực hiện công tác kiểm sát của Kiểm sát viên.

5. Kiểm sát viên kiểm sát việc tuyên án

-  Kiểm sát viên phải kiểm sát việc tuyên án của Hội đồng xét xử theo Điều 266, 267 BLTTDS năm 2015.

Tóm lại hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm là vô cùng quan trọng. Thông qua hoạt động này, Viện kiểm sát chủ động trong việc thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị nếu xét thấy có vi phạm pháp luật. Mặt khác khẳng định được vai trò, vị thế của Viện kiểm sát trong kiểm sát hoạt động tố tụng dân sự./.

                                                                    Phạm Thị  Quyên
Phòng 9  VKSND tỉnh Hải Dương

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây