Những điểm mới cơ bản của Luật Tố cáo năm 2018

Thứ ba - 24/07/2018 03:34

Luật Tố cáo năm 2018 có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/01/2019 vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc Hội khóa XIV ngày 12 tháng 6 năm 2018 với các quy định chi tiết, cụ thể hơn về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo trên nguyên tắc đảm bảo công khai, minh bạch; tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền vừa không bỏ lọt hành vi phạm tội. Trên đây là một số điểm mới cơ bản của Luật tố cáo năm 2018, cụ thể là:

1. Bổ sung quy định về tố cáo nặc danh: Đối với tố cáo nặc danh, mạo danh, Điều 25 của luật quy định, khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý. Tuy nhiên, trong trường hợp thông tin có nội dung tố cáo rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý (Điều 25).

2. Rút gọn trình tự giải quyết tố cáo: Trình tự giải quyết tố cáo theo Luật Tố cáo năm 2018 được rút gọn còn 04 bước (Điều 28), cụ thể gồm: Thụ lý tố cáo; Xác minh nội dung tố cáo; Kết luận nội dung tố cáo; Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo. Bỏ qua bước Công khai kết luận nội dung tố cáo thay vì 05 bước như quy định trước đây của Luật tố cáo năm 2011.

3. Rút ngắn thời gian giải quyết tố cáo: Về tổng thời gian giải quyết tối đa vẫn là 90 ngày (60 ngày kể từ ngày thụ lý, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 90 ngày) như quy định tại Luật Tố cáo năm 2011, tuy nhiên Luật Tố cáo năm 2018 lại quy định thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý tố cáo; Trường hợp vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày; đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày (Điều 30).

4. Cho phép rút tố cáo: Đây là quy định hoàn toàn mới của Luật Tố cáo năm 2018 so với Luật Tố cáo năm 2011. Theo đó người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản và nếu người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định (Điều 33).

5. Quy định rõ về các biện pháp, phạm vi bảo vệ người tố cáo: Việc bảo vệ người tố cáo nhằm bảo vệ, khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, giúp các cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, để bảo vệ người tố cáo, Điều 47 của luật quy định cụ thể người được bảo vệ bao gồm: người tố cáo; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo.

Về phạm vi bảo vệ, luật quy định bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.

Luật giao trách nhiệm bảo vệ trước hết thuộc về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Còn các cơ quan khác, trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo và những người thân thích của họ. Đó là cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo; cơ quan công an; cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động; UBND các cấp, công đoàn các cấp…

6. Tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo: Trước đây, Luật Tố cáo 2011 không quy định về điều này, trong khi đó, Luật Tố cáo 2018 cho phép người tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc đợi kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan hoặc cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại. Việc đình chỉ giải quyết tố cáo được thực hiện khi: Người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo; Người bị tố cáo là cá nhân chết và nội dung tố cáo chỉ liên quan đến trách nhiệm của người bị tố cáo; Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền… (Điều 34).

7. Công khai kết luận giải quyết tố cáo:  Theo quy định của luật, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày ra kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận nội dung tố cáo, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công khai quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

Việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức: công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị tố cáo công tác; niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của người đã giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài các hình thức trên, luật bổ sung thêm hình thức “đăng tải trên cổng thông tin điện tử hoặc mạng thông tin nội bộ của người đã giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo”.

Tuy nhiên, việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo phải bảo đảm không làm tiết lộ thông tin về người tố cáo và những nội dung thuộc bí mật Nhà nước.

                                                                                                                Nguyễn Anh Đức
VKSND thị xã Chí Linh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây