Trợ giúp pháp lý trong vụ việc hình sự phức tạp, điển hình

Chủ nhật - 29/07/2018 22:28

Thông tư số 09/2018/TT-BTP ngày 21/6/2018 (Thông tư 09), do Bộ Tư pháp ban hành quy định tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình; Theo đó từ ngày 21/8/2018 Tiêu chí đối với vụ việc tham gia tố tụng hình sự được quy định tại Điều 4 Thông tư 09, cụ thể như sau: Vụ việc trợ giúp pháp lý trong tham gia tố tụng hình sự được xác định là vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây: 1. Đáp ứng một trong những tiêu chí quy định tại Điều 3 Thông tư này (1. vụ việc được dư luận quan tâm, nhiều cơ quan báo chí ở Trung ương hay địa phương đưa tin. 2. Vụ việc mà quan điểm của người thực hiện trợ giúp pháp lý khác với một trong các cơ quan tiến hành tố tụng và được chấp nhận theo hướng có lợi cho người được trợ giúp pháp lý tại bản án, quyết định tố tụng. 3. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc có nhiều tài liệu, có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau hoặc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều ý kiến khác nhau hoặc vụ việc có liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau. 4. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc bị kháng nghị để giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm hoặc trong vụ án được xét xử lại. 5. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc có liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.  6. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc có một trong các bên đương sự cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài). 2. Thực hiện trợ giúp pháp lý cho bị can, bị cáo bị truy tố nhiều tội danh trong cùng một vụ án. 3. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới nhưng được cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên lấy lên để giải quyết hoặc thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử. 4. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc trả hồ sơ để điều tra lại hoặc điều tra bổ sung. 5. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ án mà Viện kiểm sát nhân dân đề nghị áp dụng mức hình phạt tù từ 02 năm trở lên, trừ những vụ việc được giải quyết theo thủ tục rút gọn. 6. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ án chỉ định người bào chữa.

Vấn đề đặt ra, khi phát sinh những vụ án hình sự có 1 trong 6 tiêu chí trên, thì cơ quan tiến hành tố tụng, Viện kiểm sát thực hiện như thế nào để vừa đảm bảo quy định của BLTTHS về nguyên tắc được bào chữa của đối tượng được trợ giúp pháp lý nhà nước, vừa phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để thực hiện Thông tư 09 có hiệu quả.

Trường hợp Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm pháp lý nhà nước cấp tỉnh Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ án chỉ định người bào chữa, là nội dung mang tính “truyền thống”; khi Cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện Điều 76 BLTTHS yêu cầu hoặc đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo  khi người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa ( Điều 7 Luật  trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 ngày 20/6/2017);

Các trường hợp quy định từ khoản 2 đến khoản 5 Điều 4 Thông tư 09 là những nội dung mới, những quy định mới này có thể dẫn đến cách hiểu và thực hiện khác nhau

Thứ nhất Người bị buộc tội không thuộc nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý nhà nước theo Luật trợ giúp pháp lý, thì Cơ quan có thẩm quyền tố tụng không phải bắt buộc chỉ định người bào chữa theo Điều 76 BLTTHS; Nếu chỉ định người bào chữa, có vi phạm quy định Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, người tham gia tố tụng không được tiết lộ bí mật điều tra quy định tại Điều 177 BLTTHS  không, nhất là trong vụ án có bị can, bị cáo bị truy tố nhiều tội danh trong cùng một vụ án, vụ án có tính chất băng ổ nhóm, án truy xét…

Thứ hai Khi nào thì Trợ giúp viên pháp lý thực hiện việc trợ giúp, nếu Người được trợ giúp hoặc người thân thích của họ không mời, Cơ quan tiến hành tố tụng không đề nghị (Trung tâm trợ giúp pháp lý không biết có vụ án hình sự); Cơ quan nào đăng ký việc bào chữa trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới nhưng được cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên lấy lên để giải quyết hoặc thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử; vụ việc trả hồ sơ để điều tra lại hoặc điều tra bổ sung. Vụ việc bị kháng nghị để giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm hoặc trong vụ án được xét xử lại;

Thứ ba Bộ luật tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; Viện kiểm sát có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, quyết định việc buộc tội, phát hiện vi phạm pháp luật nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội, người phạm tội, pháp nhân phạm tội, vi phạm pháp luật đều phải được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, pháp nhân phạm tội, không làm oan người vô tội (Điều 23 BLTTHS); Việc đề nghị áp dụng mức hình phạt đối với người bị buộc tội chỉ được thực hiện tại phiên tòa theo trình tự thủ tục Luật định, Viện kiểm sát Luận tội đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung bản cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; đề nghị mức hình phạt chính, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng (Điều 321 khoản 3 BLTTHS); như vậy quy định  Thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ án mà Viện kiểm sát nhân dân đề nghị áp dụng mức hình phạt tù từ 02 năm trở lên, trừ những vụ việc được giải quyết theo thủ tục rút gọn tại khoản 5 Điều 4 Thông tư 09 là khó thực hiện, khi phải đảm bảo nguyên tắc xét xử kịp thời, công bằng, công khai trong hạn Luật định (Điều 25 BLTTHS);

Từ phân tích trên đây, chúng tôi cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án khi giải quyết vụ án hình sự; Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, để Thông tư 09 đi vào cuộc sống, đảm bảo hiệu lực hiệu quả;

                                                                                                            Nguyễn Quang Trung
Phòng 7 VKSND tỉnh Hải Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây