- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Theo Điều 72 khoản 2 điểm d Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định: Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận dăng ký bào chữa Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Người bị buộc tội thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý là người: Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.(Điều 7 Luật trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 ngày 20/6/2017 (Luật số 11);
Điều 41 Luật số 11 quy định: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
Từ những quy định trên, chúng tôi cho rằng khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử vụ án hình sự, Kiểm sát viên VKSND phải chú ý một số nội dung sau:
Thứ nhất Phải nắm chắc quy định tại Luật số 11, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 (Quyết định số 59) về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, để xác định khi nào người bị buộc tội được trợ giúp pháp lý; theo đó Điều 2 Quyết định số 59 thì Hộ cận nghèo khu vực nông thôn: là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Họ cận nghèo khu vực thành thị: là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Bên cạnh đó có thể còn có quyết định của UBND tỉnh bổ sung các chiều/chỉ số thiếu hụt, điều chỉnh ngưỡng đo lường các chỉ số thiếu hụt, áp dụng đầy đủ phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, nâng chuẩn nghèo thu nhập cao hơn chuẩn của quốc gia;
Như vậy, người bị buộc tội từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi, người bị buộc tội là hộ nghèo thì có được trợ giúp pháp lý không? Nếu như người bị buộc tội dưới 18 tuổi (bao gồm từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi) thuộc trường hợp bắt buộc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa, nếu họ hoặc người đại diện, người thân thích của họ không mời người bào chữa (Điều 76 BLTTHS)- đây là trường hợp phải có Luật sư là người bào chữa. Còn trường hợp hộ nghèo là người được trợ giúp pháp lý (Điều 7 khoản 2 Luật số 11), kể cả trường hợp họ là người bị buộc tội hay là người bị hại, người tham gia tố tụng khác;
Thứ hai Thực hiện đầy đủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố, giai đoạn xét xử tại các Điều 165, Điều 236 và Điều 266, 267 BLTTHS nhất là quy định Đề ra yêu cầu điều tra; nội dung yêu cầu điều tra phải làm rõ được nhân thân, lý lịch người bị buộc tội, như giấy khai sinh, học bạ, thẻ căn cước... để xác định độ tuổi; Quyết định của cấp có thẩm quyền để xác định người bị buộc tội có thuộc trường hợp hộ cận nghèo hay không (cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn); Trực tiếp thu thập bổ sung tài liệu khi yêu cầu điều tra không được thực hiện đầy đủ; Kiến nghị, yêu cầu Tòa án thực hiện quy định khi kiểm sát xét xử;
Thứ ba Đảm bảo điều kiện tốt nhất cho Trợ giúp viên pháp lý thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bào chữa;
Việc đầu tiên là cấp giấy chứng nhận người bào chữa khi họ đăng ký bào chữa, nội dung này cần phân biệt: Trường hợp Trợ giúp viên pháp lý được mời và Trợ giúp viên pháp lý được chỉ định. Các trường hợp này giống nhau ở chỗ:Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý đều phải xuất trình Thẻ trợ giúp viên pháp lý kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý; sự khác nhau đó là Trợ giúp viên pháp lý được mời xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; Trợ giúp viên pháp lý chỉ định xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Phân biệt sự khác nhau có ý nghĩa là: Cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định Người bào chữa là trợ giúp viên pháp lý hoặc Luật sư của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc Đoàn Luật sư, không chỉ định Người bào chữa là Luật sư thuộc các văn phòng Luật sư, công ty Luật...
Tiếp đến, phải yêu cầu Người bào chữa là Trợ giúp viên pháp lý, trợ giúp pháp lý ngay: từ khi khởi tố bị can, từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ. Trừ trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra. (Điều 74).
Bên cạnh phải đảm bảo điều kiện tốt nhất cho Trợ giúp viên pháp lý thực hiện quyền và nghĩa vụ của Người bào chữa; Cơ quan tiến hành tố tụng cần kiểm tra chặt chẽ, kịp thời xử lý, yêu cầu xử lý Trợ giúp viên pháp lý vi phạm quy định pháp luật, lợi dụng việc bào chữa để nhũng nhiễu người bị buộc tội, người thân của họ, thông tin sai sự thật về vụ án... gây mất trật tự trị an, giảm sút niềm tin của người dân vào hoạt động giải quyết vụ án hình sự của Cơ quan tiến hành tố tụng;
Nguyễn Quang Trung P7 -VKSND tỉnh Hải Dương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.