Bảo đảm quyền con người của bị cáo trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Thứ ba - 24/07/2018 05:03

Bảo đảm quyền con người của bị cáo trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Quyền con người và bảo đảm quyền con người luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia. Trong lĩnh vực pháp luật, vấn đề quyền con người làm nền tảng trong việc nghiên cứu và ban hành các văn bản quy phạm. Trong lĩnh vực tố tụng hình sự cũng vậy, việc giải quyết vụ án hình sự không thể tách rời vấn đề bảo đảm quyền con người, đặc biệt là quyền của người bị buộc tội. Bởi lẽ để buộc tội và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người phải dựa trên những căn cứ luật định và phải do những người, những cơ quan có thẩm quyền tiến hành theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định để nhằm mục đích không để lọt tội phạm đồng thời đảm bảo không làm oan người vô tội.

 
Hình ảnh phòng xử án thể hiện sự bình đẳng trong tranh tụng

Chương V Hiến pháp năm 2013 có quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” và “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” đã đầy đủ và toàn diện hơn so với quy định tại Hiến pháp năm 1992.

Hiến pháp năm 2013 quy định tại khoản 2 Điều 20, điều kiện của việc hạn chế quyền con người “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định”. Đây có thể coi là nội dung quan trọng để đảm bảo quyền công dân của bị cáo trong hoạt động xét xử sơ thẩm hình sự được đảm bảo tốt hơn kể từ thời điểm Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực và là cơ sở để xây dựng BLTTHS, BLHS và các đạo luật khác.

Không chỉ dừng lại ở đó, Hiến pháp năm 2013 cũng quy định rõ các nội dung quyền công dân gắn liền với bị cáo khi tham gia quá trình xét xử như:

- Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác;

- Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

- Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai; Không bị kết án hai lần vì một tội phạm.

- Quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; Quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.

Trong quá trình phát triển và hội nhập, các nhóm quyền này đã được hệ thống hóa để ghi nhận vào Hiến Pháp 2013, là cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và áp dụng pháp luật.

Dựa trên sự ghi nhận về quyền con người, quyền công dân nói chung và ghi nhận về quyền của người bị buộc tội tại Hiến pháp 2013, BLTTHS 2015, đã quy định cụ thể, rộng hơn, toàn diện hơn về quyền con người của bị cáo với 14 nhóm quyền, trong khi BLTTHS 2003 quy định 10 nhóm quyền.

Một số quyền của bị cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 61 BLTTHS 2015 được mở rộng hơn so với quy định tại khoản 2 Điều 50 BLTTHS 2003, như:

- Nhận quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp cưỡng chế; Được thông báo về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này; Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người định giá tài sản, người dịch thuật; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, người tham gia tố tụng khác và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia phiên tòa; Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa; Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa; Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, BLTTHS 2015 ngoài việc bổ sung và mở rộng thêm một số quyền quan trọng trong tố tụng đối với bị cáo như đã nêu trên, BLTTHS 2015 còn quy định theo hướng mở rộng quyền “các quyền khác theo quy định pháp luật”, nếu trong quá trình thực hiện tiếp tục xây dựng văn bản pháp luật hướng dẫn về quy định này.

Trong các giai đoạn tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại pháp luật như “Tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân” và “Bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật”. Kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp ngăn chặn nếu xét thấy không còn cần thiết phải áp dụng.

Bảo đảm quyền con người trong TTHS không chỉ là sự ghi nhận về mặt pháp lý các quyền con người trong TTHS, bảo vệ và bảo đảm thực thi các quyền đó trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Bảo đảm quyền con người của người phải là sự bảo đảm cho các chủ thể mang quyền được thực hiện đầy đủ và hợp pháp các quyền được đề cập trong các quy định của pháp luật.

Chính vì vậy, người bị buộc tội phải được cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, giải thích đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình để bảo đảm quyền con người được thực hiện. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, đảm bảo cho người bị buộc tội được hưởng những quyền, thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

                                                                                                             Phạm Thị Huyên
VKSND huyện Cẩm Giàng


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây