Vai trò của Mặt trận tổ quốc trong bầu cử Đại biểu quốc hội, HĐND các cấp

Thứ hai - 25/04/2016 22:17
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến ngày 22/5/2016 - Ngày hội toàn dân đi bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) nhiệm kỳ 2016-2012. Đây là dịp nhân dân cả nước sử dụng lá phiếu của mình để lựa chọn những đại biểu thay mặt hàng chục triệu cử tri, đồng bào quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc trong chặng đường 5 năm kế tiếp. Do đó để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đạt kết quả tốt thì các cuộc bầu cử phải được tiến hành minh bạch theo một trình tự chặt chẽ do pháp luật quy định. Quá trình đó rất cần thiết phải có một tổ chức chính trị đảm trách đó là Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQ).
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp là cơ quan chấp hành của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp do đại hội đại biểu MTTQ cấp đó hiệp thương cử ra để thực hiện nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam.
Điều 19 Luật tổ chức MTTQ Việt Nam năm 2015 và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định vai trò của MTTQ trong công tác bầu cử làMặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; phối hợp với cơ quan nhà nước hữu quan tổ chức hội nghị cử tri ở cấp xã, các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử; tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử” đồng thời “tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.”
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Các Hội nghị hiệp thương ở mỗi cấp do Ban thường trực UBMTTQ Việt Nam cùng cấp ở mỗi cấp tổ chức.
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử. Thành phần hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương gồm Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận. Đại diện Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ được mời tham dự. Thành phần hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố cũng do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất được tổ chức để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Theo Điều 43 Luật bầu cử Đại biểu quốc hội, đại biểu HĐND các cấp Hội nghị hiệp thương lần thứ hai do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến cử tri nơi người đó công tác (nếu có). Tại hội nghị cử tri, cử tri đối chiếu với tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín theo quyết định của hội nghị. Biên bản hội nghị cử tri lấy ý kiến về người tự ứng cử, người do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương giới thiệu ứng cử được gửi đến Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBMTTQ cấp tỉnh để chuẩn bị cho Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3.
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba do MTTQ Việt Nam tổ chức chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử.  Hội nghị hiệp thương lần thứ ba căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ hai và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần thực hiện tốt nhiệm vụ của mình nhất là trong công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HDDND các cấp; tổ chức các hội nghị cử tri để những người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri thực hiện quyền vận đồng bầu cử, đảm bảo việc bầu cử diễn ra dân chủ, minh bạch.
2. Mặt trận tổ quốc Việt Nam tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử.
Mặt trận tổ quốc Việt Nam tham gia công tác phụ trách bầu cử thông qua việc thành lập Hội đồng bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử đồng thời tham gia vào các tổ chức này nhằm kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật về bầu cử.
Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập, có từ mười lăm đến hai mươi mốt thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại diện Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
Chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, thị xã để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện. Ủy ban bầu cử ở tỉnh gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
3. Mặt trận tổ quốc Việt Nam có vai trò phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan tổ chức hội nghị nơi cư trú, các cuộc tiếp xúc cư tri với người ứng cử.
Theo quy định tại Điều 62 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thì: Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình.
Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri có nội dung: Đại diện Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử; Từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm;
Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương, ý kiến của cử tri về từng người ứng cử đại biểu Quốc hội gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Các cuộc hội nghị, tiếp xúc cử tri có ý nghĩa rất quan trọng và là một công đoạn không thể thiếu của quá trình bầu cử, làm cho cuộc bầu cử trở lên dân chủ, khách quan và công bằng hơn. Từ đó tạo ra cho cử tri những phương án khác nhau để lựa chọn người đủ điều kiện tham gia quốc hội, HĐND thực hiện những mong muốn, nguyện vọng của cử tri.
4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử.
Công tác tuyên truyền về bầu cử được Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân quy định cho nhiều cơ quan tổ chức khác nhau nhưng quan trọng nhất vẫn là vai trò của MTTQ Việt Nam.
Qua công tác tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên, công chức trong cơ quan đơn vị và toàn thể nhân dân nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc  bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Công tác tuyên truyền cần thường xuyên, sâu rộng và kịp thời đúng trọng tâm đến tất cả nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc phối hợp với các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương là Uỷ ban nhân dân các cấp và các cơ quan khác để lồng ghép tuyên truyền pháp luật về bầu cử vào các kỳ sinh hoạt chi bộ, các cuộc giao ban đầu tuần của các phòng ban, đơn vị.
Mặt trận Tổ quốc cũng phối hợp với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền phổ biến pháp luật về bầu cử đến các thành viên của tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú: Hội nghị, cuộc thi tìm hiểu…
Nội dung tuyên truyền của MTTQ rất rộng, bao quát toàn bộ các vấn đề về bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Cụ thể là tuyên truyền Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, Luật tổ chức HĐND: chú trọng tuyên truyền các nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn cử tri, đại biểu được giới thiệu, quyền bầu cử và ứng cử, các khiếu nại, tố cáo về bầu cử, các hình thức xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật về bầu cử….
5. Tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Mặt trận Tổ quốc giám sát việc thành lập và hoạt động của các tổ chức bầu cử đảm bảo đúng pháp luật về cơ cấu, thành phần, số lượng thành viên
- Giám sát việc giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, thủ tục làm hồ sơ ứng cử, giám sát việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đốiv ới người ứng cử
- Giám sát việc lập danh sách cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về danh sách cử tri và việc niêm yết danh sách những người ứng cử; việc xoá tên người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các câp. Đây là một hoạt động giám sát quan trọng và có kết quả của MTTQ các cấp
- Mặt trận Tổ quốc giám sát việc vận động bầu cử, tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử, vận động bầu cử. Giám sát về thành phần, số lượng cử tri, cách bố trí sắp xếp nơi diễn ra hội nghị tiếp xúc cử tri, trình tự thủ tục của hội nghị; giám sát việc vận động bầu cử bằng phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền về bầu cử đảm bảo mục đích, yêu cầu vận động bầu cử cho người ứng cử; đảm bảo công bằng giữa những người tham gia ứng cử …
- Mặt trận Tổ quốc giám sát trình tự bầu cử, thể thức bỏ phiếu trong ngày bầu cử; giám sát việc lập thẻ cử tri có đúng mẫu quy định không, bố trí sắp xếp khu vực bỏ phiếu, hòm bỏ phiếu; việc mở hòm phiếu và bỏ phiếu có đúng quy định…
Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình nếu MTTQ phát hiện ra sai sót, vi phạm pháp luật trong quá trình bầu cử thì có quyền kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từng khẳng định: "Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó nhỏ bé nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao nhiêu xương máu trong cuộc cách mạng đánh thực dân và phong kiến mới giành dược nó”. Do đó để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sắp tới cần thiết phải có sự cố gắng, nỗ lực của tất cả cơ quan, tổ chức được pháp luật quy định và của toàn thể nhân dân cả nước. Đây cũng là hành động cụ thể nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp 2013 và các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây