- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
75 năm xây dựng và trưởng thành cũng đồng thời là 14 nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội. Được xây dựng theo tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Quốc hội khóa I cho đến Quốc hội khóa XIV, dù ở vào thời điểm, hoàn cảnh lịch sử nào, Quốc hội Việt Nam cũng có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước.
Sự kiện Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I ngày 6/1/1946 mở ra một trang mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam được hưởng dụng quyền dân chủ của mình.
Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi cử tri cả nước: "... Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...". Hưởng ứng lời kêu gọi đó, ngày 6/1/1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến... từ 18 tuổi trở lên đã nô nức tham gia bầu cử.
(Ảnh tư liệu: Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội năm 1960) |
Cuộc Tổng
tuyển cử đầu tiên đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam
ra đời sau gần một thế kỷ đấu tranh giành độc lập. Ra đời trong khói lửa của
cuộc đấu tranh cách mạng, Quốc hội vừa là thành quả, vừa là yêu cầu bức thiết
của cách mạng. Hội tụ đại biểu khắp mọi miền đất nước, từ những nhà cách mạng
đầy nhiệt huyết đến đại diện các ngành, giới, giai cấp, thành phần dân tộc, tôn
giáo... Quốc hội là biểu tượng của độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và đại
đoàn kết toàn dân tộc, hiện thân của ý chí kiên cường và nghị lực phi thường
của dân tộc Việt Nam.
Ngày 2 tháng 3 năm 1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I. Ảnh tư liệu |
Trong điều kiện cùng với nhân dân cả nước thực hiện cuộc trường kỳ kháng chiến, Quốc hội khóa I là một nhiệm kỳ đặc biệt, hoạt động kéo dài gần 15 năm (1946 - 1960). Trong nhiệm kỳ đó, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, là bản Hiến pháp "... tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập... dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do...”. Sự ra đời của bản Hiến pháp cũng đánh dấu thắng lợi lịch sử đã giành được trong Cách mạng Tháng Tám, xác lập chế độ dân chủ cộng hòa, phát triển cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Ðây là một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, là đạo luật cơ bản đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng thể chế nhà nước cách mạng trong thời đại mới.
Trong thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước vô cùng ác liệt, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp 1959 tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.
Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, non sông thu về một mối, ngày 25.4.1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI được tiến hành trên cả nước. Từ đây, chúng ta có một Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, huy động sức mạnh của toàn dân tộc vào quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong các giai đoạn của cách mạng, kế thừa, phát triển Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Quốc hội đã tiếp tục ban hành Hiến pháp 1980 - Hiến pháp của thời kỳ cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước và Hiến pháp 2013 - Hiến pháp của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đánh dấu những dấu mốc phát triển quan trọng của cách mạng Việt Nam.
Qua 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện các quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Hòa cùng truyền thống vẻ vang của Quốc hội Việt Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hải Dương qua 14 kỳ với 229 ĐBQH (gồm cả ĐBQH trong giai đoạn hợp nhất tỉnh Hải Hưng) đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của Quốc hội, cho tỉnh. Trong suốt 75 năm, ĐBQH tỉnh đã có nhiều ý kiến đóng góp chất lượng, thiết thực trên diễn đàn Quốc hội; nắm bắt, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển... Trong quá trình đổi mới, ĐBQH tỉnh tích cực nêu cao trách nhiệm, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần quan trọng trong công tác lập pháp và quyết định các vấn đề lớn của đất nước.
Với đường lối đổi mới đúng đắn của Ðảng Cộng sản Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, sự ủng hộ và giám sát của nhân dân trong và ngoài nước, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với những kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của 75 năm qua đang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguyễn Thị Hiên |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.