Một số quy định có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đối với cán bộ, công chức, người lao động ngành kiểm sát cần biết.

Thứ hai - 25/01/2021 22:53

Một số quy định có hiệu lực từ ngày 01/01/2021  đối với  cán bộ, công chức, người lao động ngành kiểm sát cần biết.

1. Thay đổi quan trọng nhất có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đó là quy định về tuổi nghỉ hưu, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Điều 169 của Bộ luật Lao động. Căn cứ Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định cụ thể như sau: 

- Kể từ 01/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam; đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ.

- Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Theo đó, lộ trình tuổi nghỉ hưu của người lao động được thực hiện theo bảng dưới đây:

Trong đó có bốn trường hợp được nghỉ hưu sớm từ 01/1/2021, theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định chỉ rõ các trường hợp nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường. Cụ thể, người lao động thuộc một trong 04 trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu thông thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:

- Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành.

- Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/1/2021;

- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

- Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/1/2021) từ đủ 15 năm trở lên.

Theo đó, tuổi nghỉ hưu thấp nhất của người lao động được thực hiện theo bảng dưới đây:

Ngoài ra, Nghị định số 135/2020/NĐ-CP cũng quy định các trường hợp nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường của người lao động theo khoản 4 Điều 169 của Bộ luật Lao động, cụ thể như sau:

- Người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn khi thỏa thuận với người sử dụng lao động tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường quy định tại Điều 4 của Nghị định này.

- Việc chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động nghỉ hưu ở tuổi cao hơn thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương III của Bộ luật Lao động và quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

2. Thứ hai, do diễn biến tình hình dịch bệnh Covid – 19 khiến ngân sách dành cho việc tăng mức lương cơ sở không thể theo đúng lộ trình đã định từ trước. Căn cứ, theo nội dung được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết 128/2020/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 thì trong năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở. Như vậy, theo quy định tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP về mức lương cơ sở đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì mức lương cơ sở năm 2021 vẫn giữ nguyên là 1.490.000 đồng/tháng.

3. Thứ ba, chính sách về hưu trước tuổi thuộc diện tinh giản biên chế, điều kiện về tuổi để đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế được về hưu sớm mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu sẽ căn cứ theo Bộ luật Lao động 2012. Tuy nhiên kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hữu tăng theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 vì vậy chính sách về hưu trước tuổi đối với đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế cũng thay đổi và được cụ thể hóa theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, đối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, còn được hưởng các chế độ sau:

+ Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

+ Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động.

+ Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp một phần hai tháng tiền lương.

Đối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và chế độ quy định và được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động. Đối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Đối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

4. Thứ tư, bên cạnh quy định mới về việc tăng tuổi nghỉ hưu Bộ luật Lao động 2019 còn có rất nhiều nội dung như:

- Chỉ còn 2 loại hợp đồng lao động: hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

-  Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do.

- Chấp nhận hợp đồng lao động được thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu.

- Người lao động được nghỉ 2 ngày dịp Quốc khánh 2/9 và hưởng nguyên lương.

- Người sử dụng lao động phải chịu chi phí mở tài khoản cho người lao động nếu trả lương qua ngân hàng…

                                                                                                                   Nguyễn Thanh Tùng (tổng hợp)
Phòng Tổ chức cán bộ 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây