Thành phố Hải Dương những ngày trước giải phóng
Thứ năm - 23/10/2014 22:32
(Hướng tới kỷ niệm 210 năm Ngày khởi lập Thành Đông và 60 năm
Ngày giải phóng thành phố Hải Dương)
Ngày 20/7/1954, Hội nghị Giơ -ne-vơ về Đông Dương kết thúc, Hội nghị thừa nhận: Tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Camphuchia, đồng thời quy định việc rút quân của quân đội nước ngoài. Việc tổ chức tổng tuyển cử tự do ở mỗi nước. Pháp phải rút hết quân khỏi miền Bắc Việt Nam. Lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam thành 2 miền, tiến tới tổng tuyển cử tự do trong cả nước sau 2 năm để thống nhất nước nhà. Ngày 21/7/1954, lệnh ngừng bắn thực hiện trên toàn chiến trường Việt Nam, nhân dân thị xã Hải Dương, ai nấy đều phấn khởi, tự hào sau những năm chiến đấu oanh liệt nay đã giành thắng lợi vẻ vang.
Để cho địch chuẩn bị rút quân, thị xã Hải Dương sẽ là nơi tập kết 100 ngày của chúng. Quân Pháp và quân nguỵ ở các nơi rút về thị xã rất đông. Mặc dù đã có quy định, nhưng chúng ăn ở sinh hoạt bừa bãi. Không những thế chúng còn ngang nhiên đón chặn, khám xét, hoặc cho binh lính sục sạo vào các làng doạ nạt, bắt bớ, cướp của, thậm chí đánh đập, giết người. Dùng bọn lưu manh phản động, gây rối, làm mất trật tự trên các đường phố, xóm làng. Đặc biệt trong các nhà máy, công sở chúng thi nhau đập phá, tháo gỡ máy móc, phương tiện đem đi. Đối với đồng bào công giáo, chúng ra sức vận động tuyên truyền, doạ nạt, lôi kéo giáo dân vào Nam.
Thực hiện chủ trương của Thị ủy, các tổ dân vận đã tích cực thực hiện chính sách khoan hổng của Đảng và Nhà nước, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng. Các xã Thanh Bình, Hàn Thượng, Ngọc Châu tổ chức vận động lôi kéo binh lính địch, công nhân viên chức đòi giải ngũ, đòi chồng, con, em về, đòi giải tán các trại tập trung đồng bào di cư… Các cuộc đấu tranh sôi nổi tích cực làm cho địch không kịp đối phó, tan rã nhanh chóng. Hàng ngàn binh lính bỏ ngũ trở về, hàng ngàn đồng bào công giáo cũng thấy rõ âm mưu của địch, trở về quê hương làm ăn sinh sống. Ta đã lấy 7 xe cam nhông của địch chuyển ra vùng tự do hầu hết máy móc … của nhà máy nước, máy đèn, không bị địch phá hoại.
Ngày 26/10/1954, đại biểu ta và Pháp ký tại Gia Lâm hiệp nghị về chuyển giao "khu chu vi Hải Dương". Ta đã tổ chức Uỷ ban quân chính, khu tả ngạn và Tỉnh uỷ đã mở lớp bồi dưỡng cho hàng trăm cán bộ, gồm các đồng chí đã được tôi luyện trong chiến đấu, có kinh nghiệm đấu tranh với địch, tổ chức thành đội hành chính và trật tự vào nhận bàn giao của địch.
Tại làng Chắm xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) Thị uỷ đã chuẩn bị mọi mặt cho đội hành chính của ta vào tiếp quản. Ngày 27/10/1954 Uỷ ban quân chính do đồng chí Nguyễn Như Thiết phụ trách đã tiến vào thành phố nhận bàn giao của địch. Kết hợp với đấu tranh của quần chúng, buộc địch phải bàn giao và nghiêm chỉnh thực hiện các điều khoản của Hiệp định Giơ - ne - vơ.
Sáng 28/10/1954 đội dân cảnh tiếp tục vào. Từ lúc vào đến lúc ký kết bàn giao, đối phương gây cho ta nhiều khó khăn trở ngại như: vào tới trại Bảo chính đoàn là nơi đặt trụ sở của đoàn hành chính, ở đó vẫn còn lính Pháp đóng, ta phải chờ nửa giờ chúng mới chuyển hết ra ngoài. Các phương tiện làm việc như : bàn ghế, điện nước đều không có. Khi kiểm kê tài sản công cộng đối phương đưa ra bản kiểm kê đã làm sẵn, ta đấu tranh đòi những thứ địch đã phá huỷ hoặc lâý đi thì chúng cho là: " nhân viên quân sự không quân hành chính hoặc nói là ở Hà Nội về nên không biết". Đội cảnh vệ vào từ ngày đầu nhưng đối phương không chịu để ta bố trí các công sở. Đối với dân cảnh, đối phương cũng không cho đi tìm và làm quen với công việc. Các công sở cũ mà quân Pháp còn đóng chúng không chịu bàn giao ngay mà để đến phút cuối cùng trước khi rút mới chuyển giao. Nhiều lần ta yêu cầu gặp viên trưởng đoàn hành chính của đối phương chúng đều nói " đi vắng". Nhân viên bàn giao của đối phương luôn tìm cách làm cho ta bị động. Đối với công nhân viên chức thì chúng nạt nộ, uy hiếp không cho họ tố cáo với ta về những hành động phạm pháp của chúng. Sau 3 ngày kiểm kê, 5 giờ chiều ngày 29/10/1954 hai bên đã ký kết xong biên bản bàn giao.
Nói chung những công sở mà đối phương bàn giao cho ta nơi nào cũng bị phá huỷ, mất mát nghiêm trọng nhất là các trường học, đặc biệt là trường nữ tiểu học, khung cánh cửa, các cửa ra vào và cửa sổ, bàn ghế, dụng cụ đều không còn một tý gì. Các cơ sở y tế cổng chính và bưu điện trang thiết bị cũng bị lấy đi nhiều.
Theo kế hoạch đã định, 5 giờ chiều ngày 30/10/1954, trung đoàn 42 và một tiểu đoàn của tỉnh cùng cán bộ, nhân viên công tác theo đường 5 và đường 17 tiến vào tiếp thu. Đợt đầu gồm: bộ đội đi nhận gác, bộ đội tuần tra, đơn vị dự bị, tuyên truyền xung phong, nhân viên bưu điện mắc dây điện thoại, cán bộ hành chính và dân vận. 6 giờ 30 phút lực lượng này gặp đối phương nhận sự chuyển giao các trạm gác, 8 giờ chuyển giao xong, 8 giờ 17 phút tên lính thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi đầu cầu Phú Lương.
Đợt thứ 2 - 13 giờ bộ đội tiến vào cùng theo 2 đường trên, 13giờ 30 phút lực lượng ta vào hết trong thị xã. Nhân dân nội ngoại thành xếp hàng hai bên đường tay cầm cờ hoa sung sướng cảm động đón chào bộ đội. Sau khi diễu qua các phố chính, lực lượng của ta về tập trung tại vườn hoa Độc lập làm lễ chào cờ. Hàng vạn người kể cả nhân dân đã đến dự cuộc mít tinh này. Cuộc tiếp quản thị xã tiến hành trật tự tưng bừng phấn khởi. Thành phố Hải Dương đã hoàn toàn được giải phóng./.