Tìm hiểu về hoàn cảnh khởi lập Thành Đông

Thứ tư - 22/10/2014 03:30

Tìm hiểu về hoàn cảnh khởi lập Thành Đông

          Thời Lê Thánh Tông, lỵ sở Hải Dương đặt ở xã Mặc Động (Chợ Thiên Chí Linh), lúc ấy gọi là Thành Vạn.Thế kỷ 18 triều đình Lê, Trịnh bước sang buổi mạt kỳ. (Triều đình nhà Lê dời lỵ sở về đất Mao Điền - Cẩm Giàng năm 1735 - 1739 ). Vào thời Vĩnh Hựu (1739), các cuộc khởi nghĩa nông dân liên tiếp nổ ra. Nguyễn Cử, Nguyễn Tuyền nổi lên chiếm vùng Nam Sách rồi đem quân chiếm dinh Lệ (Thành Vạn). Quân Trịnh tan vỡ, các tướng bị bắt sống. Nhà Lê buộc phải bỏ dinh Lệ, chuyển lỵ sở về xã Mao Điền huyện Cẩm Giàng, lấy cớ rằng: " Ở đây nếu có biến thì kêu cứu kinh đô cũng nhanh, mà đường trạm dịch cũng tiện". Lỵ sở đóng tại Mao Điền, trên bờ sông Văn Dậu (một đoạn của sông Kẻ Sặt) nên còn có tên là dinh Đậu. Ở đây cũng xây thành đắp luỹ có bến sông và đò ngang sang đất Trường An. Chợ Văn Dậu lớn dần lên, buôn bán sầm uất có nhiều trâu bò và sản phẩm của miền châu thổ, miền Trung du qua đường thuỷ chuyển về. Một văn miếu khá lớn cũng được xây dựng trong có bia ghi danh các sĩ tử đỗ Đại Khoa.
          Sinh thời Phạm Đình Hổ (người xã Nhân Quyền huyện Bình Giang làm quan dưới triều nhà Nguyễn) có tới đây thăm viếng, thấy thành xây đắp kiên cố trên một khu đất rộng, bằng phẳng. Ông đã làm một bài thơ tả cảnh dinh Dậu ở Mao Điền.
          Tháng 6 năm 1802 (tháng 7 năm Nhâm Tuất), một tháng sau khi Gia Long chiếm Bắc Hà, Phạm Đình Hổ lại về thăm trấn sở quê hương. Sau khi xem xét ông phê phán:" Định Đô, đặt trấn, mà chỉ lấy cho gần nơi thanh viện, tiện việc chạy trạm, không để ý đến việc công thủ sau này, thì sao có thể khống chế được sơn hải, bảo vệ cho chốn bang kỳ được".
Lối vòa Thành Đông (ảnh st)
 
          Tháng 8 năm Quý Hợi (9-1803), Vua Gia Long ra Bắc Hà lần thứ 2 đi kinh lý qua Hải Dương, trấn phên dậu của Thăng Long cũng sớm nhận thấy sự bất hợp lý của việc đặt trấn sở tại Mao Điền.
          Năm Giáp Tý (Gia Long đệ tam niên 1804), Vua Gia Long trong dịp ra Bắc Hà lần thứ ba để tiếp sứ nhà Thanh ở Thăng Long, đã quyết định di trấn Hải Dương về phía đông 15 km, đặt trên ngã ba sông Kẻ Sặt và sông Thái Bình, tại địa phận các xã Bình Lao, Hàn Giang, Hàn Thượng. Vì thế trấn Hải Dương còn được gọi là trấn Hàn.
Vùng ngã ba sông nước mênh mông có lợi thế như một " quân cảng", Các trận luyện tập thuỷ chiến quanh vùng thường chọn cửa sông này làm nơi thao diễn. Chiến thuyền có lúc tập trung tới hàng trăm chiếc, mặt sông san sát thuyền binh như lá tre. Vì thế, Hàm Giang tương tự như Hàm Long ở Hà Nội, Hàm Tử ở Sơn Nam, Hàm Luông ở Nam Bộ. Từ đó trấn Hàm còn được gọi là Trấn Hàn.
          Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) có việc phân định lại các khu vực hành chính trong cả nước. Trấn Hải Dương đổi thành tỉnh Hải Dương. Vì tỉnh Hải Dương ở về phía đông kinh thành Thăng Long nên còn gọi là tỉnh Đông. Thành của tỉnh Đông (Hải Dương tỉnh thành) còn được gọi là Thành Đông. Như vậy: Trấn Hàn, Trấn Hàm là một. Tương tự như Hải Dương tỉnh thành, thành Đông cũng là một và là thủ phủ của trấn Hải Dương.
Cổng Thành Đông (ảnh st)
 
          Tại đây, nhà Nguyễn xây dựng một thành khá kiên cố gọi là thành Đông. Ông Phạm Đình Hổ đề xuất ý kiến với Vua Gia Long. Vua Gia Long quyết định giao cho Tổng đốc Trần Công Hiến nhiệm vụ di chuyển lỵ sở và xây dựng Thành Đông (Thành phía đông Thăng Long) có nhiệm vụ án ngữ phía Đông. Thành trong gọi là Thành Đông.
          Thành Đông buổi đầu đắp bằng đất, năm Minh Mạng thứ 5 ( 1824) gia cố bằng đá ong, năm Tự Đức thứ 9 (1856) mở rộng, đặt thêm thành Dương Mã bao quanh phía ngoài Thành Đông có chu vi 246 trượng: Mặt Nam 61 trượng, mặt Đông 61 trượng, mặt Tây 62 trượng, mặt Bắc 62 trượng, tường thành cao 5, 1 thước, hào rộng 3 trượng 3 thước, sâu 6 thước. Trung tâm thành ở vào ngã tư nhà máy xay hiện nay./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây