- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Chi
bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Hải Dương được thành lập năm 1930 và đến ngày 10/6/1940,
Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã được thành lập tại Tạ Xá (nay là xã Hợp Tiến), huyện
Nam Sách, tạo ra bước ngoặt mới cho phong trào cách mạng ở tỉnh Hải Dương.
Nhà cụ Lê Thị Thạnh ở Tạ Xá, xã Hợp Tiến (Nam Sách), nơi diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh ngày 10.6.1940. (Ảnh tư liệu Báo Hải Dương) |
Cách đây 80 năm, vào ngày 19/5/1940, Liên tỉnh B đã quyết định thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở huyện Nam Sách tại thôn Tạ Xá (nay là xã Hợp Tiến), đánh dấu mốc son quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng ở xã Hợp Tiến nói riêng và huyện Nam Sách nói chung. Ngay sau khi thành lập chi bộ Tạ Xá đã phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng trong vùng, góp phần quan trọng để thành lập Tỉnh ủy Lâm thời Hải Dương vào ngày 10/6/1940 và thành lập Phủ uỷ Nam Sách vào ngày 20/7/1940.
Ngày từ những năm 1927-1929, nhiều cán bộ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã về để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và gây dựng cơ sở cách mạng tại Hải Dương. Đến giữa năm 1929, phần lớn các huyện như Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, Ninh Giang, Gia Lộc và thị xã Hải Dương đã có cơ sở của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Được giác ngộ cách mạng, nông dân Hải Dương đã nhiệt tình tham gia các cuộc khởi nghĩa. Công nhân Hải Dương nhiều lần vùng dậy biểu tình, đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản. Với sự hoạt động tích cực của các tổ chức thanh niên và quần chúng cơ sở, phong trào cách mạng ở Hải Dương những năm 1928-1929 đã có bước chuyển biến nhanh chóng, nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi, gây được tiếng vang lớn.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào đầu tháng 2/1930 và cao trào cách mạng 1930-1931 đã tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng Hải Dương. Tháng 2/1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản ở khu mỏ Mạo Khê (Đông Triều, khi ấy thuộc tỉnh Hải Dương) gồm 5 đồng chí do đồng chí Đặng Châu Tuệ làm Bí thư.
Đầu tháng 3/1930, đồng chí Trần Cung thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản ở Đọ Xá, Hoàng Tân (Chí Linh), gồm 3 đảng viên do đồng chí Nguyễn Văn Lừu làm Bí thư. Đây được coi là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Hải Dương. Sự ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên đánh dấu bước ngoặt quan trọng và sự phát triển mau lẹ của phong trào cách mạng của tỉnh Hải Dương.
Cuối năm 1930, Chi bộ ở Đọ Xá cùng với tổ chức Nông hội đỏ ở Hải Dương đã rải truyền đơn, vận động nông dân đấu tranh chống địa chủ chiếm đoạt ruộng đất, chống phụ thu lạm bổ, chống quan lại cường hào... Các phong trào đấu tranh của giai cấp công - nông Hải Dương đã góp phần tạo nên thắng lợi của cao trào cách mạng 1930-1931 và phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh trong cả nước. Từ năm 1932-1935, phong trào cách mạng ở Hải Dương tạm lắng. Các đồng chí cán bộ, đảng viên tiếp tục hoạt động, bí mật móc nối cơ sở, duy trì đường dây liên lạc. Các cuộc đấu tranh trong tù của những người cộng sản vẫn diễn ra mạnh mẽ, tiêu biểu là cuộc đấu tranh do đồng chí Nguyễn Lương Bằng, người con của quê hương Thanh Tùng (Thanh Miện) tổ chức và lãnh đạo. Cuối năm 1932, sau khi vượt ngục Hỏa Lò, đồng chí trở về Hải Dương xây dựng lại phong trào, ra báo Công Nông để tuyên truyền đường lối cách mạng.
Trước đòi hỏi của phong trào cách mạng trong tỉnh, yêu cầu phải có sự lãnh đạo thống nhất, ngày 10/6/1940 đã diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương tại nhà cụ Lê Thị Thạnh ở Tạ Xá (nay là xã Hợp Tiến, Nam Sách). Liên tỉnh B đã chỉ định Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hoan, Chu Thị Kim Sơn và Nguyễn Tấn Phúc. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan được chỉ định làm Bí thư.
Sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh đã đánh dấu sự trưởng thành, phát triển về chất của phong trào cách mạng ở Hải Dương, được đẩy mạnh với khí thế mới sôi nổi. Các tổ chức của Đảng bộ, hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng được xây dựng ở nhiều nơi trong tỉnh.
(Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.