Chi bộ Phòng 7: lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong công tác tham mưu tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm

Thứ hai - 23/03/2020 05:30

Chi bộ Phòng 7: lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong công tác tham mưu tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm

Trong nhiệm kỳ Đại hội 2017-2020, Chi bộ Phòng Thực hành quyền công tố - kiểm sát xét xử phúc thẩm (Phòng 7) đã chú trọng công tác lãnh đạo xây dựng ngành, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có việc phối hợp giữa VKSND với Tòa án nhân dân hai cấp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, qua đó góp phần chống oan sai, bỏ lọt tội phạm, nâng vị thế của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong hệ thống tư pháp tố tụng hình sự.

(Toàn cảnh một phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm trực tuyến)

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chi bộ đã lãnh đạo đơn vị tham mưu với Lãnh đạo VKSND tỉnh, chỉ đạo hướng dẫn số 18/VKS-P7 ngày 16/2/2017 về việc tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm.Theo đó việc quán triệt, triển khai các văn bản được đặc biệt chú trọng như các Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao và Tỉnh ủy về công tác kiểm sát, Kế hoạch công tác của VKSND tỉnh, các Hướng dẫn của Vụ 7, trong đó có các nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể về việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm. Đồng thời, Phòng 7 đã tham mưu để kiện toàn Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc, quyết định sửa đổi bảng chấm điểm phiên tòa rút kinh nghiệm, ban hành Quy chế phối hợp giữa Viện KSND và Tòa án nhân dân trong việc THQCT-KSXX các vụ án hình sự và xét xử các vụ án hình sự, án trọng điểm, phiên tòa tổ chức xét xử rút kinh nghiệm và xét xử lưu động...Bên cạnh việc tham mưu Lãnh đạo viện ra văn bản hướng dẫn, chỉ đạo hàng năm, Phòng 7 còn thường xuyên đôn đốc và kịp thời hướng dẫn các đơn vị phối hợp với Tòa án để chọn và tổ chức phiên tòa cho các Kiểm sát viên và Thẩm phán cùng học tập, rút kinh nghiệm chung, lựa chọn hình thức phối hợp có chất lượng, hiệu quả, theo hướng đảm bảo có việc tranh tụng tại phiên tòa, không để xảy ra trường hợp kết án oan người không phạm tội, bỏ lọt tội phạm. Các vụ án được lựa chọn để tổ chức rút kinh nghiệm phải đảm bảo một số tiêu chí như: vụ án có tính chất phức tạp về chứng cứ và khả năng có nhiều tranh luận tại phiên tòa, vụ án có nhiều bị cáo, bị cáo phạm nhiều tội; vụ án có bị cáo không nhận tội, kêu oan; vụ án có nhiều người tham gia tố tụng, có luật sư bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tham gia tố tụng...


Ảnh: Toàn cảnh một phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm

Kết quả đạt được trong 3 năm từ  2017 đến cuối năm 2019, hai cấp kiểm sát đã thực hiện được 679 phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm, trong đó có 5 phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm trực tuyến hai cấp, 11 phiên tòa mở rộng (vượt chỉ tiêu so 200% với kế hoạch hàng năm đã đề ra). Nhiều vụ án phức tạp như: vụ cháy tại Trung tâm thương mại, Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, Môi giới mại dâm tại Thành phố Hải Dương; Cố ý gây thương tích tại Ninh Giang, Nam Sách; Cướp tài sản tại Bình Giang...được giải quyết dứt điểm; quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa thuyết phục Hội đồng xét xử, được người dân đồng tình, chính quyền ủng hộ, bản án được Tòa án tuyên đúng người, đúng tội, đảm bảo chính sách hình sự, góp phần ổn định, phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Sau mỗi phiên tòa rút kinh nghiệm, các đơn vị đều tổ chức họp rút kinh nghiệm ngay để đánh giá, làm rõ những việc đã làm được, chưa làm được liên quan đến công tác THQCT-KSXX tại phiên tòa, chú trọng tham gia ý kiến về hoạt động xét hỏi, tranh tụng của KSV tại phiên tòa, kết luận việc Kiểm sát viên làm được và những hạn chế, tồn tại cần khắc phục, chấm điểm, xếp loại cho Kiểm sát viên. Tất cả hồ sơ tài liệu về phiên tòa rút kinh nghiệm được gửi đến Phòng 7 để theo dõi, kiểm tra.

Để đạt được kết quả như trên, Chi bộ Phòng 7 đã lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị  tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn Viện KSND cấp huyện, phân công Kiểm sát viên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra chặt chẽ việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm của từng đơn vị. Mỗi hồ sơ, tài liệu về phiên tòa rút kinh nghiệm của Viện KSND cấp huyện khi báo cáo về Phòng đều được kiểm tra, đồng thời tổng hợp thông báo rút kinh nghiệm hằng quý. Kết quả này được Viện KSND tỉnh ghi nhận, Viện trưởng VKSND tỉnh đã tặng giấy khen cho tập thể và nhiều cá nhân.

Xác định việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm là một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả để đào tạotại chỗ, nâng cao năng lực chuyên môn cho Kiểm sát viên và đội ngũ cán bộ theo yêu cầu cải cách tư pháp, là bài học kinh nghiệm quý trong lãnh đạo hoạt động thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong nhiệm kỳ tiếp theo, Chi bộ 7 tiếp tục lãnh đạo đơn vị nâng cao chất lượng tổ chức, hướng dẫn tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

                                                                                                             Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Phòng 7- Viện KSND tỉnh Hải Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây